Đối thoại với học giả Nguyễn Trần Bạt về mô hình đặc khu kinh tế

Bài 3: Chất lượng chính sách không đủ thay thế sự trống rỗng các nguồn lực

VietTimes-- "Nên nhớ rằng sửa đổi có chất lượng chính sách không đủ để thay thế sự trống rỗng của các nguồn lực. Bởi vì phát triển về bản chất vẫn là phát triển các nguồn lực. Khi không có các nguồn lực, dù chính sách hay mấy cũng vẫn thế"- Nguyễn Trần Bạt. 
Tôi từng nói thẳng với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng “Xé rào là một việc bất đắc dĩ, nếu để nó trở thành phổ biến sẽ dẫn tới tình trạng vô Chính phủ"
Tôi từng nói thẳng với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng “Xé rào là một việc bất đắc dĩ, nếu để nó trở thành phổ biến sẽ dẫn tới tình trạng vô Chính phủ"

“Xé rào là một việc bất đắc dĩ”

Xin lỗi anh, tôi mượn câu của nhà văn Nam Cao “nghe anh nói tôi thấy nản quá, có lẽ cuộc kháng chiến của chúng ta hỏng mất…”. Có vẻ như thông điệp của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt như gáo nước lạnh?

-( cười) Sao lại phải hoang mang?  Mấy hôm nay tôi thấy có triệu chứng nhiều sự nôn nóng muốn tạo kỳ tích xé rào trên diễn đàn Quốc hội. Tôi từng nói thẳng với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng “Xé rào là một việc bất đắc dĩ, nếu để nó trở thành phổ biến sẽ dẫn tới tình trạng vô chính phủ”. Cổ vũ cho những hành vi dẫn đến lộ trình vô chính phủ hóa trong điều hành xã hội thì lúc đó làm gì còn nhà nước?

Nhưng thực ra thì ĐKKT được coi là thứ ốc đảo. Nó làm sao đủ sức lây lan?

- Anh nhầm. Nhiều căn bệnh xã hội mà Trung Quốc có là do lây lan từ Thâm Quyến, Thượng Hải… Chính cái tự do thương mại ở Thượng Hải đã tạo ra sự sụp đổ của nhà Thanh và làm xuất hiện cách mạng vô sản Trung Quốc. Có lẽ bởi thế mà tôi chú ý đến động thái của ông Tập Cận Bình vừa rồi đã bất ngờ kiên quyết khẳng định vai trò của chủ nghĩa Marx.

Ông ấy không những coi đó là một lý tưởng mà còn là một công cụ để tạo ra sự thống nhất chính trị của xã hội Trung Quốc. Dường như ông Tập đang tận dụng di sản của Marx để tập hợp người Trung Quốc xung quanh Đảng Cộng sản. Đề cao Marx là cách tốt nhất để củng cố nguồn gốc cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc và bác bỏ những tư tưởng lệch lạc. Rằng do hạn chế  năng lực tư tưởng thì  mới nhìn chủ nghĩa Marx ở góc độ một lý tưởng mà chưa biết sử dụng những mặt có ích khác của nó.

Nhiều căn bệnh xã hội mà Trung Quốc có là do lây lan từ Thâm Quyến, Thượng Hải…
Nhiều căn bệnh xã hội mà Trung Quốc có là do lây lan từ Thâm Quyến, Thượng Hải…  

Người Mỹ giờ đây cũng đang khủng hoảng vì mở cửa

Đang có cả sự sốt ruột sớm có Luật ĐKKT. Hàng ngàn ĐKKT trên thế giới như một sự so sánh đối chứng… Nó ưu việt, hội tụ đủ các yếu tố mà nền kinh tế chúng ta đang cần?

-Thể chế có thể cần thay đổi và cải cách, nhưng đó không phải là biện pháp vô tận. Tôi có viết một bài nói rằng nền kinh tế của chúng ta không phải là kinh tế mở mà là kinh tế hở vì nó đã phơi nhiễm các chứng bệnh thời mở cửa.

Người Mỹ giờ đây cũng đang khủng hoảng vì mở cửa. Không phải tự nhiên Donal Trump thay đổi. Donal Trump tưởng rằng có thể tiến hành một cuộc chiến tranh với Triều Tiên nếu họ không chịu nghe mình, còn Triều Tiên tưởng rằng sự mềm mỏng về thái độ có thể làm thay đổi ý chí chính trị của người Mỹ. Người Triều Tiên không có con đường nào ngoài nắm chắc vũ khí hạt nhân. Tôi nghĩ thế giới sẽ chín chắn hơn sau những sự cố vừa rồi.

Một cú hích xáo trộn

Chả lẽ không có một sự đột phá nào khác. Và vẫn cứ phải tuần tự như thế?

-Tôi nói thẳng nhé. Không ai thành người được bằng cách đi tắt. Người Việt cứ hễ ra khỏi khó khăn là dễ “rửng mỡ”. Người ta cứ tưởng làm nhà chính trị là dễ? Chưa hiểu tầm quan trọng của tu từ học (một trong những công việc quan trọng hàng đầu của Viện Hàn lâm Pháp), chưa hiểu được những chân lý đơn giản là không thể đổi “trạm thu phí” thành “trạm thu giá”, vậy mà người ta vẫn yên tâm lãnh đạo một ngành.

Sánh vai các cường quốc năm châu vẫn là một mơ ước. Hiện nay có quan niệm khá phổ biến là Việt Nam đã để tuột mất cơ hội của ba cuộc cách mạng khoa học trước cho nên phải nắm chắc cơ hội của cuộc thứ tư. Phải thành thực và nghiêm cẩn nếu không sẽ là ảo tưởng rằng người Việt đang tham gia vào cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4! Nhưng không ít người đến với cách mạng 4.0 chỉ với tư cách là người chơi game trên điện thoại.

Xin nới rộng ra chút, ban nãy anh nắc nỏm những vượt trội và ưu việt của Thâm Quyến của Chu Hải, Thượng Hải… Nhưng đó là vùng đất được phát triển một cách tự nhiên. Thị trường Trung Quốc lớn, lượng vật chất chứa trong xã hội lớn, cho nên thành tựu cũng lớn một cách tự nhiên. Sau khi phát triển như vũ bão thì buộc phải nhặt nhạnh tất cả những thứ rác rưởi của phát triển ném đi chỗ khác, đấy là việc ông Tập Cận Bình đang làm hiện nay.

 Tôi có viết trong cuốn sách mới “Sức mạnh của cái đúng” rằng bản chất của cải cách cơ cấu chính là nhặt nhạnh tất cả các yếu tố được nhóm lợi ích cài đặt vào hệ thống và vứt đi. Một cách khái quát, có thể gọi những thứ đó là rác rưởi của quá trình phát triển.

Liệu thực hiện đầy đủ những ưu đãi thì người ta sẽ đến đặc khu? Lập đặc khu là một cách thức để thu hút đầu tư. Khi anh không làm việc ấy một cách đại trà trong nước được thì phải làm ở ĐKKT. Sớm muộn cũng sẽ có những tỉnh thành khác đòi hỏi phải có đặc khu và cứ đi theo hướng ấy đến một lúc nào đó là đặc khu hóa toàn bộ quốc gia, lúc ấy chúng ta mới thấy cái bước lùi này nó lớn tới mức nào.

Nó như một cú hích của sự xáo trộn. Chẳng hạn, Hải phòng sẽ thắc mắc Quảng Ninh có quyền giao đất 99 năm thì tại sao Hải Phòng không có? Sẽ như thế nào sớm muộn Hải Phòng cũng đề nghị cắt ra một vài huyện để làm đặc khu? Tỉnh nào cũng muốn có một huyện được hưởng cơ chế đặc khu, đó là chưa kể là có nguy cơ trở thành một nơi lý tưởng để những kẻ tham nhũng cất đồ ăn cắp.

Chúng ta nên nhớ rằng Singapore là một lỗ thủng được tạo ra từ sự kín bưng của cả khu vực Đông Nam Á
 Chúng ta nên nhớ rằng Singapore là một lỗ thủng được tạo ra từ sự kín bưng của cả khu vực Đông Nam Á

Trong kinh doanh những ai chưa thua lỗ thì chắc chắn sẽ thua lỗ

Có ý kiến tại Quốc hội phân vân rằng khoan hẵng làm ba đặc khu một lúc mà nên làm thí điểm một cái đã vì sợ rằng mở ra ba cái mà gặp chuyện cả thì rất gay go.

-Ai đủ mưu thì cứ mời đến đầu tư vào ba đặc khu ấy. Paris cách London có khoảng vài trăm km nếu đi bằng đường hầm qua eo biển Manche, vậy mà Paris có trở thành trung tâm tài chính thay thế London được đâu. Thế mà có ý kiến hơi bị lạc quan rằng Phú Quốc có thể trở thành trung tâm tài chính thay thế Singapore!

Chúng ta luôn luôn phải cẩn thận với bệnh sốt ruột, bệnh đột phá. Phát triển là quá trình chuyển hóa các năng lực của con người, năng lực chưa có là do lịch sử, năng lực có rồi mà chưa chuyển hóa được là do thể chế. Chúng ta chưa có cả năng lực lẫn các điều kiện thể chế để cho các năng lực chuyển hóa nhưng lại đòi hỏi phải bằng Singapore.

 Nên nhớ rằng sửa đổi có chất lượng chính sách không đủ để thay thế sự thiếu hụt của các nguồn lực. Bởi vì phát triển về bản chất vẫn là phát triển các nguồn lực. Khi không có các nguồn lực, dù chính sách hay mấy cũng vẫn thế.

Ai cũng hỏi tại sao Singapore thành lập năm 1965 mà họ phát triển thế. Chúng ta nên nhớ rằng Singapore là một lỗ thủng được tạo ra từ sự kín bưng của cả khu vực Đông Nam Á. Tất cả những gì có giá trị tích cực cho sự phát triển đều chảy về Singapore.

Tôi có quen một tỷ phú người Úc già hơn tôi khoảng 20 tuổi, lần nào tôi đến Úc ông ấy cũng tiếp tôi. Tôi được mời tham gia một buổi thảo luận trong đó các nhà tài chính quan trọng nhất của TP HCM tập hợp lại để nghe ông ấy nói chuyện. Ông ấy hỏi: “Trong số những người ở đây những ai đã thua lỗ?”. Không ai bảo ai, mọi người đều nói không biết đến thua lỗ là gì. Ông ấy cười và bảo: “Vậy thì tôi không có may mắn để chơi với các ông rồi. Bởi vì, trong kinh doanh những ai chưa thua lỗ thì chắc chắn sẽ thua lỗ, chỉ có những kẻ thua lỗ rồi thì mới có kinh nghiệm để hạn chế sự thua lỗ mà thôi”.

Cảm ơn học giả Nguyễn Trần Bạt đã thành thực tận lực cho những dự báo kể cả những cảnh báo rủi ro về ĐKKT. Tất nhiên qua sàng lọc, tham chiếu, độc giả và những ai quan tâm sẽ kiểm nghiệm nó trên thực tế.