Âm mưu và thủ đoạn của Trung Quốc tại bãi Tư Chính bộc lộ qua truyền thông

Bài 2: Án ngữ “trái tim” Đông Nam Á, chiếm nguồn dầu khí Biển Đông

VietTimes -- Trong các bài viết đăng tải ngày 23/7 và 3/8, Sohu đã không hề giấu giếm tham vọng của Trung Quốc độc chiếm, biến Biển Đông thành ao nhà của họ; trong đó đặc biệt thể hiện sự thèm khát đối với bãi Tư Chính nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Các tàu công vụ Việt Nam và Trung Quốc trên vùng biển gần Tư Chính. (Ảnh: Sohu)
Các tàu công vụ Việt Nam và Trung Quốc trên vùng biển gần Tư Chính. (Ảnh: Sohu)

Bài viết trên Sohu ngày 23/7 có nhan đề “Cảnh sát biển Trung, Việt đã đối đầu cả tuần, Trung Quốc cần kết thúc bằng cách khai thác dầu trên địa bàn của mình” đã cố tình lừa dối dư luận Trung Quốc và quốc tế khi viết: “Bãi Vạn An (tức Tư Chính của Việt Nam) là phần cực tây của quần đảo Nam Sa (tên họ đặt cho quần đảo Trường Sa) của Trung Quốc. Đây cũng là phần cực tây của Đường 9 đoạn (Nanhai Jiu Duan) của Trung Quốc. Là một rạn san hô có hình dạng như một mặt trăng lưỡi liềm, bãi này ẩn dưới nước quanh năm, dài khoảng 63 km và rộng 11 km, chỗ nông nhất cách mặt biển 17 mét.

Bãi Vạn An có vị trí địa lý cực kỳ quan trọng, là cửa ngõ vào Nam Hải (Biển Đông), cũng là lãnh thổ nước ta (Trung Quốc) ở gần với Eo biển Malacca nhất. Án ngữ tuyến hàng hải trên Nam Hải, có thể coi nó là khu vực trái tim của Đông Nam Á.

Theo Sohu, Trung Quốc muốn chiếm được Tư Chính vì ở gần Eo biển Malacca nhất; cách Singapore chưa đến 1.000 km; từ bãi Tư Chính có thể giám sát rất tốt Eo biển Malacca.
Theo Sohu, Trung Quốc muốn chiếm được Tư Chính vì ở gần Eo biển Malacca nhất; cách Singapore chưa đến 1.000 km; từ bãi Tư Chính có thể giám sát rất tốt Eo biển Malacca.

Không chỉ có vị trí địa lý vô cùng quan trọng, mà tài nguyên thủy sản và tài nguyên dầu khí gần bãi Vạn An cũng rất phong phú. Đây là một trong ba khu vực tài nguyên dầu khí giàu có nhất ở Nam Sa: Bồn địa Zengmu (James Shoal), Bồn địa Sabah, Bồn địa Vạn An (Tư Chính)”.

Bài viết dẫn số liệu của Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc cho thấy, trữ lượng tài nguyên dầu mỏ ở Biển Đông có khoảng từ 23 đến 30 tỷ tấn, khí đốt thiên nhiên khoảng 16 ngàn tỷ mét khối; Biển Đông được gọi là Vịnh Persian thứ hai; “chiếm một phần ba tổng tài nguyên dầu khí của Trung Quốc, tương đương với 12% trữ lượng dầu khí của toàn thế giới”.

Sohu đánh giá: “Trong tổng trữ lượng dầu của Biển Đông, trữ lượng dầu của ba bồn địa này chiếm gần 20 tỷ tấn. Đây là một trong những kho chứa dầu lớn chưa được khai thác trên thế giới và có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc”.

Điểm lại những lần Trung Quốc bị thất bại trong âm mưu chiếm giữ trái phép bãi Tư Chính (vốn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam), bài viết viết: “Năm 2017, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã phái 40 tàu chiến, tàu hải cảnh và một số tàu vận tải tới để ngăn chặn (trái phép - NV) hoạt động khoan dầu của Việt Nam tại vùng biển phụ cận bãi Vạn An. Đây là cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc đối đầu trong sự kiện dàn khoan HYSY 981 tại đảo Trung Kiến (Tri Tôn) ở Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) năm 2014”.

Bài viết "phán": “Không còn nghi ngờ gì nữa, từ lâu nay, Trung Quốc luôn ở vào thế bị động ở bãi Vạn An vì nó quá gần với Việt Nam và quá xa đại lục Trung Quốc. Trung Quốc đã cử rất nhiều tàu đến tuần tra, nhưng thường chạy một vòng quanh rồi rời khỏi đó. Nhưng trong lần này, phía Trung Quốc đã dần bắt đầu biến bị động thành chủ động. Do những kiệt tác thần kỳ của con người (ý nói do Trung Quốc đã lấp biển tạo đảo - NV), các đảo Vĩnh Thử (tức đá Chữ Thập) và Hoa Dương (tức đá Châu Viên) đã được đưa vào sử dụng, đẩy tiền duyên chiến lược của Trung Quốc tiến xuống phía Nam tới hơn một ngàn kilomet.

Sohu đưa ra một đánh giá đầy ảo tưởng: “Giờ đây, bãi Vạn An chỉ cách đảo Hoa Dương 390 km, đảo Vĩnh Thử 420 km và cách thành phố Hồ Chí Minh 400 km. Điều đó có nghĩa là, chúng ta cũng đã có căn cứ địa, không còn sợ người Việt Nam đánh du kích trên biển nữa”!

Ngày 3/8 Sohu đăng tiếp bài viết nhan đề: “Việt Nam kêu gọi Trung Quốc về bãi Vạn An, (vì) địa vị chiến lược (của bãi này) quá quan trọng, Trung Quốc không thể thoái nhượng”.

Bản đồ các bồn địa dầu khí trên các vùng biển mà Trung Quốc tự nhận thuộc sở hữu của họ. (Ảnh: Sohu)
Bản đồ các bồn địa dầu khí trên các vùng biển mà Trung Quốc tự nhận thuộc sở hữu của họ. (Ảnh: Sohu)

Với quan điểm sai trái coi bãi Tư Chính (họ tự gọi là Vạn An) là vùng tranh chấp giữa hai nước, bài này viết: “Khi cuộc đối đầu Trung-Việt tại vùng biển tranh chấp ngày càng gia tăng, ngày 25/7 Việt Nam lại yêu cầu các tàu Trung Quốc “rút ngay lập tức” khỏi khu vực tranh chấp. Ngày 25/7, Hà Nội nói đã gửi nhiều thông tin tới Bắc Kinh, yêu cầu một tàu thăm dò Trung Quốc phải rút khỏi vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói với giới báo chí: “Điều này rất nghiêm trọng. Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp ngoại giao, bao gồm ra tuyên bố ngoại giao phản đối hành động của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút tàu thuyền ra khỏi vùng nước của Việt Nam” ”.

Tuy nhiên, Sohu cho rằng Trung Quốc không thể nhân nhượng và rút tàu thuyền đi vì những lập luận sai trái và nực cười sau:

“Bãi Vạn An là lãnh thổ của chúng ta ở gần Eo biển Malacca nhất; cách Singapore chưa đến 1.000 km. Từ bãi Vạn An có thể giám sát rất tốt Eo biển Malacca.

Đây cũng là căn cứ tiền duyên của ta gần với Ấn Độ Dương nhất, chỉ cách Ấn Độ Dương 1000 km về phía Tây.

Mỹ nếu thò đầu ra ở Eo biển Malacca là đã bị chúng ta giám sát.

Nếu giành được 5 điểm Tây Sa (tức Hoàng Sa), Hoàng Nham (Scarborough), 3 đảo Nam Sa (Su Bi, Vành Khăn, Chữ Thập), bãi Vạn An (Tư Chính) và bãi ngầm Beikang (Luconia Shoals) là toàn bộ Nam Hải (Biển Đông) sẽ ổn thỏa.

Nếu so sánh vị trí của bãi Nankang (South Luconia Shoals) và bãi Vạn An thì Vạn An tốt hơn. Bên cạnh đó, eo biển Malacca nằm ở hướng tây nam. Bãi Nankang (South Luconia Shoals) ở sát bờ biển Malaysia.

Bãi biển Vạn An cách Việt Nam hơn 400 km và cách Malaysia hơn 400 km (có lẽ khoảng 500 km). Bãi Vạn An ở vị trí trung tâm của phía Nam Nam Hải (Biển Đông), cho nên bãi Vạn An rất tốt”.

(Còn tiếp)