|
Hãy để cho người lao động tự quyết định công việc và vận mệnh của họ! |
LTS: Những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và người lao động như tăng lương, giảm giờ làm... đều phải phù hợp với quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ của người lao động mà phải cả của doanh nghiệp nữa. Vì vậy, điều quan trọng nhất là người lao động và giới chủ phải có tiếng nói quyết trong việc hoạch địch chính sách lao động. VietTimes mở diễn đàn "Quan hệ doanh nghiệp- người lao động" bằng bài viết tâm huyết của ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng.
Rất mong nhận được ý kiến tranh luận của đông đảo bạn đọc!
Bài 1: Hãy để cho doanh nghiệp và người lao động tự quyết định thêm hay bớt giờ làm việc!
Quan hệ giới chủ- người lao động đã khác xưa rồi!
Công ty chúng tôi hiện đang có trên 1 vạn lao động, chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn tỉnh Nam Định và xung quanh Thành phố Nam Định.
Tôi đã từng có thời gian khá dài tham gia Quân đội thời chống Mỹ, nhiều năm làm công tác chính trị chuyên nghiệp (đảng, đoàn) tại Nam Định, gần nửa thế kỉ tuổi đảng và làm tại doanh nghiệp từ lúc sơ khai đến giờ, đã trên 31 năm.
Sở dĩ muốn giới thiệu như vậy để mọi người hiểu rằng, trong con người và trong cuộc đời tôi luôn hòa trộn của quá nhiều cảm xúc. Từ những năm tháng tận cùng gian nan của cuộc sống trước đây và những cùng cực dường như không bao giờ có thể xóa nhòa trong kí ức hàng chục năm trời khi thành lập doanh nghiệp.
Những cảm xúc và suy nghĩ ấy đã luôn chi phối trái tim và lí trí của tôi trong suốt quá trình vận hành doanh nghiệp từ lúc thành lập tới giờ. Tôi biết rõ trách nhiệm đạo đức của mình thế nào trước đất nước, trước sân tộc, trước cộng đồng doanh nghiệp chân chính, trước hàng vạn cuộc đời của những người lao động trong công ty và còn là phẩm hạnh của chính bản thân mình nữa.
|
Nếu không có giới chủ, không thể có công nhân và ngược lại, nếu không có công nhân, không thể có giới chủ.
|
Chính vì thế nên tôi sẽ chỉ nói những gì thật xác đáng và cần thiết, chứ hoàn toàn không phải là tiếng nói vụ lợi, lạc lõng với mục đích chỉ đấu tranh giành giật quyền lợi cho riêng doanh nghiệp, cho địa phương, hay chỉ cho ngành sản xuất hẹp của mình...
Liên tục những ngày vừa qua, chúng tôi phải nghe, phải chứng kiến quá nhiều những cuộc tranh luận nảy lửa trên TV, trên báo, đài, tiêu tốn quĩ thời gian khổng lồ, chỉ để tranh cãi mỗi một việc là thêm hay bớt đi mấy giờ làm việc trong mỗi ngày, mỗi tuần hay cả năm, hay tranh luận nghỉ Tết, nghỉ lễ mấy ngày... mặc dù những ngày ấy còn xa lắc, xa lơ.
Xin thưa, những cuộc tranh luận ấy, giới doanh nghiệp chúng tôi lúc đầu còn chú ý lắng nghe, nhưng sau cứ ù tai đi, mệt mỏi và chán vô cùng, chúng tôi chẳng muốn tham gia gì nữa vì có ai nghe đâu.
Vậy nên chúng tôi cứ để mặc các “vị học giả” tiếp tục tranh cãi cho đến khi nào cạn kiệt sức lực thì thôi ... Thưa, nếu ở doanh nghiệp chúng tôi chỉ cần mấy cuộc cãi vã mà không hồi kết như vậy thì chỉ còn nước là "đóng cửa đi ăn mày mà thôi" - đây là câu nói cửa miệng thường trong các cuộc họp của công ty chúng tôi.
Tôi xin được viết ra hết những điều suy nghĩ từ tâm can của mình, từ cuộc sống gian nan của doanh nghiệp, từ nỗi niềm nặng nghĩa ân tình với non sông đất nước của giới doanh nhân chân chính và của cả người lao động nữa để những người bên ngoài doanh nghiệp, những người chưa từng bao giờ làm doanh nghiệp thấu hiểu.
Có thể, trong những suy nghĩ tâm can đó có một số điều không thuận theo số đông các vị học giả kia và có thể không phù hợp cả với một số điều mà chúng tôi hay nói "hợp pháp nhưng không hợp lý", hay "hợp lý nhưng không hợp pháp" đã từng làm điêu đứng và gây nỗi bất an cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ bé đang len lỏi mưu sinh ở những vùng miền quê, góc phố...
Không còn bóc lột
Trước tiên, tôi xin đề nghị hoàn toàn không gọi đây là cuộc đấu tranh giữa một bên là giới chủ với một bên là đại diện người lao động. Ở đây, trong doanh nghiệp, không có kẻ thắng người thua, hay bên này mạnh, bên kia yếu.
Lời ca rực máu và lửa ra đời từ trong cuộc Cách mạng Tư sản Pháp năm 1871 “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn" hay "Trong cuộc đấu tranh này, giai cấp vô sản nếu có mất thì chỉ mất xiềng xích gông cùm, còn được thì được cả thế giới tự do..." đã đúng với thời điểm lịch sử xa xưa ấy.
|
Doanh nghiệp và người lao động nhìn về một hướng thì cả đôi bên đều có lợi.
|
Còn bây giờ đã hoàn toàn khác biệt rồi, bởi nếu không có giới chủ, không thể có công nhân và ngược lại, nếu không có công nhân, không thể có giới chủ; và nếu không có cả hai thì thế giới chỉ sẽ quay lại thời kì hoang dại mà thôi.
Quan hệ giữa giới chủ và với công nhân hiện nay là mối quan hệ hữu cơ, không thể đối lập hay tách rời, ngoài công việc, còn là tình thương yêu đồng loại, thương yêu con người rất sâu đậm nữa.
Các cuộc tranh luận của một số vị "học giả" kia, dường như đang muốn hình thành và thúc đẩy thành một cuộc đấu tranh mang tính đối kháng giữa hai chủ thể ấy.
Đó là mối nguy hiểm tiềm tàng về sự an toàn an ninh, hẹp là trong từng doanh nghiệp, rộng là lan ra toàn xã hội, khi có lực lượng nào đó kích động, dẫn dắt.
Thế cho nên, giữa cả hai phía nhất định phải tự tìm được tiếng nói chung mà không cần phải dùng đến biện pháp vận động hành lang nào khác vì không ai có thể quyết định thay cho sự sinh tồn của giới chủ cũng như của người lao động bằng chính họ.
Qui luật sinh tồn, diệt vong, đào thải của các doanh nghiệp cũng giống như qui luật giá trị trong kinh tế học vậy, tự bản thân nó tức khắc biết cách hiệu chỉnh mỗi khi quan hệ chủ - thợ ấy gặp trục trặc trên cơ sở có sự tham chiếu của pháp luật.
Người lao động sẽ tìm được giá trị và những nhu cầu cuộc sống của mình thông qua giới chủ, thông qua doanh nghiệp nơi họ làm việc bởi rất nhiều người lao động trực tiếp còn là Cổ đông của doanh nghiệp nữa, họ vừa là vai trò người chủ, vừa là vai trò người lao động, vậy chẳng lẽ họ tự bóc lột, tự đày đọa chính bản thân mình hay sao?
Ngược lại, thông qua tinh thần, thái độ làm việc của người lao động, chính là thước đo về giá trị văn hóa, về sức mạnh vật chất và uy tín của doanh nghiệp. Điều này vô cùng quan trọng, quyết định cho sự sinh tồn, phát triển hay lụi tàn đối với một doanh nghiệp.
Kỉ nguyên xã hội văn minh hiện nay đang là như vậy đấy. Giới chủ chúng tôi biết rất rõ như vậy, người lao động trong doanh nghiệp cũng biết rất rõ như vậy. Vậy nên, nếu chỉ cần để người chủ và đại diên nguời lao động hay tất cả người lao động trong doanh nghiệp trao đổi thẳng thắn, cởi mở với nhau thì mọi việc trở lên rất nhanh chóng và nhẹ nhàng chứ đâu phải chỉ tập trung ở mấy người ngồi tít trên cao cùng với những cuộc tranh luận bất tận, nhưng cực kì xa lạ với cuộc sống này.
Tổng thể các cuộc thảo luận dân chủ giữa giới chủ với đại diện người lao động hay tất cả người lao động trong các doanh nghiệp được tập hợp lại, dù doanh nghiệp tôi hàng vạn người, vẫn có thể làm được.
Dù ngành Dệt - May Việt nam có cả triệu người, chúng tôi vẫn có thể làm được. Toàn bộ các doanh nghiệp khác của đất nước với hàng chục triệu người, chúng tôi vẫn có thể làm được.
Ý chí thống nhất cao độ đó giữa giới chủ với người lao động, sẽ là nền tảng để hình thành nên khung pháp lý và đạo đức tiêu chuẩn trong toàn xã hội, thật đơn giản nhưng ai cũng hài lòng bởi thấy trách nhiệm và giá trị đích thực của mình trong đó.
(còn nữa)