Đây là một nội dung trong “Quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu trong giai đoạn 2018 - 2022” mới được ban hành tại Quyết định 31/2018/QĐ-UBND ngày 4/9/2018 của UBND Thành phố.
“Quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu trong giai đoạn 2018 - 2022” có hiệu lực thi hành từ ngày 14/9/2018 (Ảnh minh họa)
Quy định mới này điều chỉnh về trình tự, thủ tục thu hút, tuyển chọn và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đối với các lĩnh vực nêu tại Khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết 04 ngày 16/3/2018 của Hội đồng nhân dân TP.HCM (Nghị quyết 04), quy định về việc đánh giá năng lực và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và trách nhiệm của các sở - ngành trong việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học.
Quy định mới sẽ được triển khai và áp dụng tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP.HCM; các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các cơ quan, đơn vị nêu ở điểm trên. Không áp dụng quy định này đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM, các cơ quan, đơn vị ngành dọc và lực lượng vũ trang.
Về lĩnh vực thu hút chuyên gia, nhà khoa học, Quy định mới của UBND TP.HCM nêu rõ, thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học cho các lĩnh vực trọng điểm mà Thành phố có nhu cầu nêu tại khoản 2, Điều 1 Nghị quyết 04 của Hội đồng nhân dân TP.HCM, cụ thể bao gồm: CNTT; Xây dựng đô thị thông minh; Phát triển công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu (logistics); Nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, tế bào gốc; Xây dựng trung tâm tài chính; Xây dựng và quản lý hạ tầng hiện đại gồm xây dựng và vận hành hệ thống vận tải công cộng sức tải lớn, không gian ngầm, công trình phòng chống thiên tai, xử lý sự cố môi trường, quy hoạch và phát triển đô thị, ứng phó biến đổi khí hậu;
Vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, sản xuất linh kiện điện tử cao cấp, công nghiệp vi mạch, công nghệ số; Các ngành nghiên cứu khoa học cơ bản như kinh tế số, khoa học tính toán và dữ liệu lớn, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo...; Lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, khoa học xã hội; các lĩnh vực khác có nhu cầu thu hút, UBND Thành phố báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định.
Xây dựng đô thị thông minh là 1 trong những lĩnh vực TP.HCM áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi mới nhằm thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Căn cứ theo tình hình thực tiễn phát triển kinh tế - xấ hội của thành phố, UBND TP.HCM sẽ thường xuyên rà soát, tham mưu trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét điều chỉnh, bổ sung danh mục lĩnh vực thu hút theo quy định.
Đáng chú ý, bên cạnh việc quy định cụ thể về nguyên tắc thực hiện; tiêu chuẩn của các chuyên gia, nhà khoa học; quy trình, cách thức tuyển chọn…, Quy định mới của UBND TP.HCM cũng nêu rõ các cơ chế, chính sách đối với chuyên gia, nhà khoa học.
Theo đó, đối với chính sách tiền lương, các chuyên gia, nhà khoa học được tuyển chọn sẽ được áp dụng mức trợ cấp ban đầu (chỉ áp dụng 1 lần và áp dụng cho lần ký hợp đồng đầu tiên) để khuyến khích và ổn định công tác là 100 triệu đồng.
Về tiền lương hàng tháng, các chuyên gia, nhà khoa học được chi chi trả mức lương theo hệ số của Bảng lương chuyên gia cao cấp ban hành kèm theo Nghị định 204 ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể: trường hợp là Giáo sư, Phó Giáo sư, được bậc 2 (hệ số 9,4); trường hợp còn lại, hưởng bậc 1 (hệ số 8,8).
Tiền lương hàng tháng nêu trên đã bao gồm tiền công làm thêm giờ, chi phí đi lại, ngoài giờ vào các ngày, lễ và dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội và các khoản đóng góp khác. Đồng thời, mức lương này được dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội và các khoản đóng góp khác của người lao động theo quy định pháp luật.
Trường hợp chuyên gia thực hiện tốt nghĩa vụ theo hợp đồng, có thành tích xuất sắc, có nhiều cống hiến được tiếp tục ký hợp đồng cho giai đoạn tiếp theo thì được hưởng mức lương cao hơn 1 bậc so với mức lương được hưởng của hợp đồng đầu tiên. Cụ thể, những đối tượng đang hưởng bậc 2 (hệ số 9,4) khi ký hợp đồng lần 2 trở đi được hưởng bậc 3 (hệ số 10) và cố định cho tất cả các lần tái ký hợp đồng; những đối tượng đang hưởng bậc 1 (hệ số 8,8) khi ký hợp đồng lần 2 trở đi được hưởng bậc 2 (hệ số 9,4) và cố định cho tất cả các lần tái ký hợp đồng.
Về chính sách ưu đãi, khuyến khích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Quy định mới của UBND TP.HCM cho hay, mức phụ cấp hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mà chuyên gia, nhà khoa học được hưởng sau khi hoàn thành nhiêm vụ là: cứ mỗi công trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp, sáng kiến, đổi mới kỹ thuật, công nghệ (gọi tắt là công trình nghiên cứu” từ cấp Thành phố và tương đương trở lên được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt, công nhận bằng văn bản thì được hưởng phụ cấp khuyến khích bằng 1% tổng kinh phí ngân sách thành phố chi trả cho công trình nghiên cứu đó. Tổng mức hỗ trợ khuyến khích không thấp hơn 50 triệu đồng/người/công trình nghiên cứu.
Trường hợp tổng mức ngân sách thành phố đầu tư cho công trình nghiên cứu đã được phê duyệt hoặc cấp phép, công nhận chính thức vượt quá 100 tỷ đồng thì mức hỗ trợ tối đa là 1 tỷ đồng/người/công trình nghiên cứu.
Trường hợp có nhiều chuyên gia, nhà khoa học cùng tham gia tổ nghiên cứu, soạn thảo, xây dựng công trình nghiên cứu (gọi tắt là tổ chuyên gia) thì tổng số tiền phụ cấp khuyến khích cho tổ chuyên gia là 1% tổng kinh phí ngân sách thành phố chi trả cho công trình nghiên cứu đó. Mức phụ cấp không thấp hơn 30 triệu đồng/người/công trình nghiên cứu và tổng số tiền phụ cấp cho tổ chuyên gia không vượt quá 1,5 tỷ đồng/công trình nghiên cứu.
Quyết định 31 ban hành “Quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đôívới lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu trong giai đoạn 2018 - 2022” sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/9/2018 và thay thế cho Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ làm việc tại 4 đơn vị: Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán và Trung tâm Công nghệ Sinh học, được ban hành theo Quyết định 5715 ngày 21/11/2014 của UBND TP.HCM.
Đối với các chuyên gia đã thu hút theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 5715 nêu trên và các quy chế khác trước đây, theo hướng dẫn của UBND TP.HCM, sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hiện hành đến khi thời hạn hợp đồng hoặc nhiệm kỳ bổ nhiệm. Trường hợp đặc biệt cần gia hạn hợp đồng để hoàn thành công trình, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học mà chuyên gia đang trực tiếp phụ trách, cơ quan, đơn vị sử dụng chuyên gia trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.
Chuyên gia, nhà khoa học là người có trình độ và chuyên ngành đào tạo phù hợp với hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định pháp luật Việt Nam, có đủ tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và thành tích nghiên cứu khoa học; có công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trên thế giới, có công trình nghiên cứu xuất sắc đã được nghiệm thu hoặc sáng chế được công nhận đem lại hiệu quả cao, được ứng dụng trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các ngành, lĩnh vực khác. Chuyên gia, nhà khoa học phải có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ, quản lý hoạt động khoa học, vận hành các thiết bị, dây chuyền sản xuất, thiết kế chế tạo các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực chuyên môn (theo khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 04 ngày 16/3/2018 của Hội đồng nhân dân TP.HCM).
Theo ICT News