Trăm triệu công nhân Trung Quốc sắp 'lép vế' trước robot

Nhiều công ty ở Trung Quốc, trong đó có hãng gia công iPhone Foxconn, đang chuyển sang dùng robot. 100 triệu người lao động trong ngành sản xuất Trung Quốc đứng trước rủi ro.
Robot làm việc cùng nhân viên người thật. ẢNH: REUTERS
Robot làm việc cùng nhân viên người thật. ẢNH: REUTERS

South China Morning Post mới đây dẫn câu chuyện của công nhân nhập cư Xia Xiaobo để thể hiện tình cảnh của “thế hệ” thất nghiệp mới ở Trung Quốc: Những người thất nghiệp vì tự động hóa.

Ông Xia, 34 tuổi, nghỉ việc tại nhà máy điện tử của Nhật Bản ở thành phố Đông Hoản (hay Đông Quản), tỉnh Quảng Đông năm ngoái vì ông ngày càng lo về tác động của robot tại thành phố công nghiệp mà mình sinh sống. Trong khi nhiều đồng nghiệp chuyển chỗ làm sang các nhà sản xuất nhỏ, chưa sử dụng robot ở quy mô lớn, ông tìm cách nâng kỹ năng cá nhân để tự vệ trước xu hướng tự động hóa.

Xia dành tầm ba tháng tiền lương để học khóa đào tạo nghề bắt đầu vào tháng 8 tới đây. Ông cũng sẽ bắt đầu kiếm việc làm mới sau khi học xong vào khoảng tháng 3.2020. “Tôi học lập trình tự động hóa để xem mình có thể tìm được việc gì trong ngành sản xuất thông minh hay không”, cựu công nhân chia sẻ.

Chính quyền thành phố Đông Hoản phân bổ tương đương khoảng 56,8 triệu USD để tăng cường tự động hóa hồi năm ngoái. Tháng 1, thị trưởng Đông Hoản Xiao Yafei cho biết đô thị cắt giảm 280.000 lực lượng lao động mảng sản xuất trong 5 năm qua bằng cách lắp đặt 91.000 robot.

“Tôi bắt đầu thấy áp lực từ tự động hóa cách đây hai năm, khi bạn tôi nói với tôi rằng chính phủ đang thay thế nhân công bằng robot. Mức độ tự động hóa chắc chắn sẽ tăng, vì thế nếu tôi không trang bị cho mình kỹ năng mới, tôi sẽ thất nghiệp”, ông Xia nói. Ông từng làm việc theo ca 10 tiếng, giám sát 104 máy trên 13 dây chuyền sản xuất. Mỗi dây chuyền sản xuất chỉ có hai nhân viên theo dõi, song ông Xia sợ rằng họ cũng sẽ sớm bị thay thế.

Foxconn, hãng điện tử Đài Loan lắp ráp 1/2 lượng iPhone toàn cầu, có kế hoạch tự động hóa 30% hoạt động sản xuất vào năm sau. Công ty đã cắt giảm hơn 400.000 việc làm bằng cách triển khai hàng chục ngàn robot trong giai đoạn 2012 - 2016.

Trăm triệu công nhân Trung Quốc sắp 'lép vế' trước robot - ảnh 3

Công nhân làm việc tại nhà máy Foxconn ở Thâm Quyến (ảnh: Reuters)

Dù vậy, nỗi lo tự động hóa vẫn chưa lan khắp giới công nhân sản xuất. Một công nhân tại nhà máy Foxconn ở Thâm Quyến cho biết ở chỗ làm của ông không có mối lo quá lớn nào về robot. “Chúng tôi sản xuất thiết bị cho Huawei, Google và nhiều hãng khác. Chúng tôi sử dụng rất nhiều yếu tố cơ khí trên dây chuyền sản xuất, nhưng không dùng robot thật”, một nhân công họ Liu chia sẻ.

Lương cơ bản của Liu là 2.650 nhân dân tệ, tương đương 391 USD, mỗi tháng. Mức lương này tương đối thấp với Foxconn, ngay cả khi Liu không làm được 24/24 giờ như robot mà chỉ là 12 giờ/ngày, 6 ngày/tuần. Ông còn làm thêm 4 tiếng nữa để lo cho gia đình. “Không ai thích làm thêm giờ, nhưng ở đây chúng tôi thực sự cố gắng nhận bất cứ cơ hội làm thêm giờ nào”, Liu chia sẻ.

Trung Quốc có khoảng 100 triệu người làm việc trong ngành sản xuất. Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia nước này cho hay ngành sản xuất chiếm gần 30% tổng GDP trong ba quý đầu năm 2018. Chính phủ Trung Quốc khởi động chiến dịch nâng cấp ngành sản xuất từ năm 2014, đặt mục tiêu chung là dần thay thế lao động thủ công bằng robot. Các tỉnh công nghiệp như Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông là những nơi ứng dụng công nghệ với quy mô lớn.

Trung Quốc vượt Nhật Bản thành thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới năm 2017. Liên đoàn Robot Quốc tế ước tính Đại lục lắp đặt ít nhất 800.000 robot công nghiệp vào năm 2020. Cuộc khảo sát được Quỹ Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc thực hiện tháng 9.2018 cho thấy giới doanh nghiệp giảm từ 30-40% lực lượng lao động trong giai đoạn 2015 - 2017 vì tự động hóa. Đặc biệt, số lao động tại một hãng thiết bị nhà bếp ở Hàng Châu hạ từ 330 người năm 2014 xuống còn 193 người năm 2017. Hầu hết công nhân bị sa thải về quê.

Trăm triệu công nhân Trung Quốc sắp 'lép vế' trước robot - ảnh 4

Một nhà máy ô tô ở Trung Quốc. ẢNH: REUTERS

Khảo sát cũng dẫn báo cáo từ chính quyền Hàng Châu cho biết có 37 doanh nghiệp loại 800 việc làm sau khi áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động kinh doanh. 539 công nhân phải chuyển sang vị trí khác, trong khi 261 người thì bị đuổi hẳn. Nhiều người rời công ty phải chật vật để tìm việc khác ngoài ngành sản xuất với mức thu nhập tương tự.

“Một số người mất việc thử vận may trong mảng dịch vụ đang nóng của Trung Quốc. Thật không may, nhân sự dịch vụ và công nghệ ở ngưỡng thấp cũng chật vật để kiếm tiền. Chính phủ đến nay chưa có động thái hỗ trợ cụ thể cho người lao động nghèo, chẳng hạn như trợ cấp tài chính hoặc dạy nghề cho người lớn”, trợ lý giáo sư xã hội học Jenny Chan tại Đại học Bách khoa Hồng Kông cho hay.

Không chỉ có nhân công ngành sản xuất mà cả ngành tài chính cũng sắp có nguy cơ lao đao vì tự động hóa. Boston Consulting Group dự báo năm ngoái rằng 2,28 triệu việc làm trong mảng ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi tự động hóa vào năm 2027, đặc biệt là “các công việc liên quan đến cơ khí và lặp đi lặp lại”.

Theo Thanh Niên

https://thanhnien.vn/cong-nghe/tram-trieu-cong-nhan-trung-quoc-sap-lep-ve-truoc-robot-1054761.html