“Anh xã hội” của một CSGT Tân Sơn Nhất nhờ người tố giác rút đơn tố giác cưỡng đoạt tiền người vi phạm

VietTimes – Cuộc sống của anh T. Đ. P sau khi gửi đơn tố giác 1 CSGT ở Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cưỡng đoạt tiền đã bị đảo lộn. Đáng nói, anh vừa nhận cuộc gọi của người "anh xã hội" của CSGT tên M., ngỏ ý nhờ anh rút đơn tố giác.
CSGT đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Thanh Niên
CSGT đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Thanh Niên

Thông tin từ tờ Zing, liên quan đến vụ một người vi phạm tố giác một CSGT tên M. công tác tại Đội CSGT Tân Sơn Nhất, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, cưỡng đoạt 2 triệu và buộc người vi phạm đưa thêm 3 triệu đồng vào hôm sau, anh T. Đ. P. (người vi phạm trên, 23 tuổi, ở Bình Dương) cho biết đã nhận được nhiều cuộc gọi “làm phiền”.

Trong những ngày này, anh P. cho biết mình bị công an tìm đến phòng trọ ở Bình Dương. Thậm chí, người nhà ngoài quê (Hà Tĩnh) gọi vào khuyên anh rút đơn vì cho rằng gia đình bị lực lượng công an địa phương tác động.

Anh cũng than phiền vì từ hôm khiếu nại, anh này nhận được nhiều cuộc gọi từ số máy lạ trong lúc đang làm việc. Đời sống của anh cũng bị xáo trộn và ảnh hưởng không ít, vì nhiều người thấy công an tìm đến thì nghĩ anh bị phạm tội.

Đáng chú ý, ngày 23/5, Phú cho biết nhận được cuộc gọi từ một thuê bao lạ, tự xưng là anh xã hội của CSGT M. và  ngỏ ý muốn anh rút đơn. Anh vô cùng bất an, lo có người theo dõi nên đã đi làm vào sáng sớm và về nhà lúc giữa đêm vì sợ nguy hiểm.

Xe của anh P. đang xin biển số. Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Xe của anh P. đang xin biển số. Ảnh: Tuổi Trẻ Online

Trên tờ Lao Động, ông Phạm Duy Linh – Đội trưởng Đội CSGT Tân Sơn Nhất, cho biết đã nắm được thông tin về vụ việc một trung úy công an thuộc đội này bị tố cưỡng đoạt tiền và đang tiến hành phối hợp với Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt để xác minh.

Vị Đội trưởng đội CSGT Tân Sơn Nhất cũng cho biết ngay sau khi có thêm thông tin vụ việc sẽ trao đổi cụ thể hơn với báo chí.

Trước đó, ngày 23/5, báo chí đưa tin về việc anh T.Đ.P đã gửi đơn tố giác một CSGT cưỡng đoạt tiền của người vi phạm tới các cơ quan chức năng.

Theo đó, đêm 12/5, anh chạy xe Exciter màu đỏ gắn biển "Xe xin số" trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) thì 2 CSGT yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra. Anh xuất trình bằng lái và giấy biên nhận giao xe từ cửa hàng. Tuy nhiên, CSGT thông báo anh bị lỗi không gắn biển số với mức phạt 6,2 triệu đồng.

P. từ chối nộp phạt nên bị đưa cả người và xe về trụ sở Đội CSGT Tân Sơn Nhất để làm việc. Sau đó, CSGT M. "hạ giá" mức phạt, lần thứ nhất còn 6 triệu đồng, lần thứ 2 còn 5 triệu đồng. Khi P. kiên quyết không nộp phạt thì CSGT đã kiểm tra ví và nhanh chóng lấy 2 triệu đồng, yêu cầu P. đóng thêm 3 triệu đồng để lấy lại bằng lái xe.

Anh đề nghị được nhận bản sao của biên bản thì CSGT M. chỉ cho P. số điện thoại của mình, nói nếu bị ai bắt thì gọi anh ta xin giúp. Sau đó, M. liên tục gọi P. đòi thêm 3 triệu.

Sau khi tìm hiểu tiền mức phạt, anh P. rất bức xúc vì bị phạt 5 triệu đồng cho lỗi Không gắn biển số xe thay vì 350.000 đồng như luật quy định, nên đã gửi đơn đến Thanh tra Công an TP.HCM đề nghị hỗ trợ. P. đề nghị trích xuất camera thì được một cán bộ tự xưng là lãnh đạo của đơn vị CSGT trả lời rằng camera chỉ lưu dữ liệu được 1 ngày nên không xem hình ảnh được. Đồng thời, người này nói sẽ trả lại giấy tờ và 2 triệu đồng do CSGT M. đã lấy và muốn P. rút đơn khiếu nại.

P. cũng cho biết CSGT M. đã xin lỗi, trình bày do hoàn cảnh gia đình khó khăn và thuyết phục anh bỏ qua sự việc.

Theo tờ Lao Động, đây không phải lần đầu tiên xảy ra chuyện lùm xùm của cán bộ thuộc Đội CSGT Tân Sơn Nhất. Năm 2017, 3 cán bộ thuộc đơn vị này đã bị tạm đình chỉ khi được cho là có hành vi nhận tiền của người vi phạm mà không lập biên bản.