Về khoản dư nợ dưới tiêu chuẩn có giá trị lên tới 746 tỷ đồng của Eximbank mà kiểm toán vừa lưu ý

VietTimes -- Dù thời điểm phát sinh, quá hạn trả lãi và gốc đã nhiều năm nhưng các khoản nợ được cầm cố bằng tài sản đảm bảo là "cổ phiếu của một ngân hàng khác" có giá trị lên tới hơn 746 tỷ đồng vẫn được Eximbank phân loại vào nợ dưới tiêu chuẩn (Nhóm 3) thay vì nợ có khả năng mất vốn (Nhóm 5). 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

NHNN “quên” hướng dẫn Eximbank phân loại nợ?

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã CK: EIB) vừa công bố báo cáo  tài chính hợp nhất (BCTC HN) năm 2018 đã được kiểm toán.

Dù không đưa ra ý kiến ngoại trừ, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH KPMG đã có những lưu ý về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng của Eximbank đối với khoản dư nợ cho vay một nhóm 7 khách hàng có giá trị là 746 tỷ đồng, được đảm bảo bằng tài sản là cổ phiếu của một ngân hàng khác.

Khoản nợ này được phân loại vào Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) và chiếm tới 87,9% giá trị dư nợ của các khoản nợ nhóm này của Eximbank tính đến ngày 31/12/2018. Eximbank cũng cho biết ngân hàng này đã trích lập dự phòng 21,787 tỷ đồng tính đến cuối năm 2018, tăng hơn 9,8 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017.

Phần thuyết minh trên BCTCHN đã soát xét năm 2018 của Eximbank cho thấy, các khoản nợ này đã phát sinh và quá hạn nhiều năm. Trong khi đó, thông thường, các khoản nợ được phân loại vào Nhóm 3 khi quá hạn từ 91 đến 180 ngày hoặc nợ được gia hạn lần đầu.

Việc phân loại nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản cho vay này là một trong những “trường hợp đặc biệt”.

Theo đó, khoản nợ này được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ căn cứ theo Công văn số 942/NHNN/TTGSNH (do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành vào tháng 1/12/2016) cho đến khi NHNN phê duyệt Đề án cơ cấu lại sau sáp nhập của ngân hàng khác (Đề án cơ cấu lại sau sáp nhập) và xử lý các khoản nợ liên quan.

Đến ngày 22/5/2017, NHNN đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu lại sau sáp nhập nêu trên. Tuy nhiên, cho đến thời điểm lập báo cáo hợp nhất năm 2018 (tức hơn 1 năm sau khi đề án tái cơ cấu được phê duyệt), Eximbank vẫn chưa nhận được hướng dẫn nào khác của NHNN về việc phân loại và trích lập dự phòng đối với các khoản cho vay này.

Khoản dư nợ 746 tỷ đồng mà kiểm toán nhấn mạnh được Eximbank phân loại vào Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) và chiếm tới 87,9% giá trị dư nợ của các khoản nợ nhóm này tính đến ngày 31/12/2018 (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: Eximbank)
Khoản dư nợ 746 tỷ đồng mà kiểm toán nhấn mạnh được Eximbank phân loại vào Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) và chiếm tới 87,9% giá trị dư nợ của các khoản nợ nhóm này tính đến ngày 31/12/2018 (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: Eximbank)

Mặc dù không tiết lộ chi tiết về ngân hàng có cổ phiếu được đem thế chấp, nhưng căn cứ vào các thông tin trên phần thuyết minh của Eximbank, nhiều khả năng nhà băng đó chính là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã CK: STB).

Hé lộ nội dung Đề án tái cơ cấu Sacombank
Các thông tin về Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập của Sacombank (được NHNN phê duyệt ngày 22/5/2017) vẫn chưa được tiết lộ cụ thể.

Eximbank xử lý các khoản nợ trên ra sao?

Được biết, trong năm 2016, Eximbank đã khởi kiện toàn bộ 7 khách hàng nêu trên để tiến hành thu hồi nợ. Trong đó, tới ngày lập báo cáo tài chính, các vụ kiện liên quan đến 3 trong số 7 khách hàng với dự nợ gốc là 312 tỷ đồng, đã có các bản án sơ thẩm.

Theo đó, 3 khách hàng này phải hoàn trả lại cho Eximbank cả tiền gốc và lãi phát sinh là 437,9 tỷ đồng sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực. Trong trường hợp các khách hàng này không thể thanh toán khi đến hạn thì Eximbank được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Eximbank cho biết các khách hàng này đã kháng cáo phán quyết của Tòa án sơ thẩm về phần tính lãi.

Đối với 4 khách hàng còn lại với dư nợ gốc là 434 tỷ đồng, Eximbank đang chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đánh giá tác động của các khoản cho vay trên, hãng kiểm toán KPMG cho biết, tại ngày 31/12/2018, nếu Eximbank vẫn thực hiện trích lập dự phòng theo Thông tư 02 và Thông tư 09 thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cho năm kết thúc ngày 31/12/2018 sẽ tăng lên 93,636 tỷ đồng (năm 2017: 60,252 tỷ đồng).

Điều này cũng sẽ khiến cho lợi nhuận sau thuế của Eximbank cho năm 2018 giảm đi 78,109 tỷ đồng (2017: 48,201 tỷ đồng).

Cũng trong năm 2018, Eximbank đã phải thực hiện trích lập hàng trăm tỷ đồng liên quan đến một số khiếu nại lớn của khách hàng.

Trong đó, nổi bật là việc Eximbank đã phải trích lập dự phòng toàn bộ đối với khoản tạm ứng 245 tỷ đồng và trích lập bổ sung khoản lãi phải trả có giá trị là 88,79 tỷ đồng sau khi một khách hàng khiếu nại bị mất sổ tiết kiệm tại Chi nhánh Tp. HCM của ngân hàng này.

Gần đây, Eximbank tiếp tục thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư trước những lùm xùm xoay quanh chiếc ghế Chủ tịch HĐQT mà đằng sau đó là những tranh chấp quyền lực đã kéo dài nhiều năm của các nhóm cổ đông tại ngân hàng này./.