Ai là những người ủng hộ phía sau Hamas?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổ chức Hamas kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007 và đã nhiều lần tấn công Israel. Họ bị nhiều quốc gia coi là tổ chức khủng bố, cũng có một số đồng minh. Vậy, ai đang hỗ trợ Hamas và tên lửa của Hamas đến từ đâu?
Các chiến binh Hamas ở Dải Gaza cầu nguyện trước khi tập luyện (Ảnh: Deutsche Welle).
Các chiến binh Hamas ở Dải Gaza cầu nguyện trước khi tập luyện (Ảnh: Deutsche Welle).

Nhiều cơ quan truyền thông Đức gọi Hamas (Phong trào kháng chiến Hồi giáo Palestin) là một tổ chức Hồi giáo cực đoan. Gần đây, khi xung đột ở Dải Gaza leo thang, giới truyền thông thường gọi Hamas là tổ chức khủng bố Hồi giáo. Chính phủ của hầu hết các nước phương Tây, bao gồm cả Liên minh châu Âu và Mỹ, xếp Hamas vào loại tổ chức khủng bố. Na Uy và Thụy Sĩ là những ngoại lệ hiếm hoi. Cả hai nước đã áp dụng quan điểm trung lập nghiêm ngặt và duy trì quan hệ ngoại giao với tổ chức kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007 này.

Sơ lược về lịch sử Hamas

Hamas được thành lập vào những năm 1980 và đối lập với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của ông Yasser Arafat kể từ khi ra đời. Một số người nói rằng lúc đầu chính Israel đã cung cấp vốn cho Hamas ngay từ khi mới thành lập để xây dựng ra một tổ chức cạnh tranh với PLO, nhưng không có bằng chứng nào chứng minh cho giả thuyết này.

Không giống như PLO, Hamas không công nhận sự tồn tại hợp pháp của Israel. Biểu tượng tổ chức của nó khắc hình Vòm đá ở Jerusalem và hình bản đồ nhà nước Palestin với toàn bộ lãnh thổ của Israel, Dải Gaza và Bờ Tây sông Jordan (West Bank).

Các chiến binh Hamas sử dụng đường hầm để đột kích sang lãnh thổ Israel (Ảnh: Deutsche Welle).

Các chiến binh Hamas sử dụng đường hầm để đột kích sang lãnh thổ Israel (Ảnh: Deutsche Welle).

Năm 1993, ông Arafat và Israel đạt được hòa bình bằng cách ký kết Hiệp định Oslo, chấm dứt cuộc xung đột vũ trang bắt đầu từ năm 1987. Hamas từ chối công nhận hiệp định hòa bình này và tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Israel.

Năm 2006, Hamas đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Dải Gaza. Trong năm 2007, Hamas đã thắng trong một loạt các cuộc xung đột với Fatah. Kể từ đó, Bờ Tây tiếp tục do Fatah ôn hòa do Abbas lãnh đạo kiểm soát, trong khi Dải Gaza do Hamas nắm giữ.

Hamas tiếp tục tiến hành cuộc chiến chống lại Israel từ Dải Gaza, tuyên bố rằng hành động của họ là để "tự vệ". Vào các năm 2008/2009, 2012 và 2014, giữa Hamas và Israel đã xảy ra xung đột vũ trang ác liệt.

Dải Gaza là gì?

Dải Gaza (Gaza Strip) là một trong những nơi mật độ đông dân cư nhất trên thế giới. Dải đất hẹp ven biển Địa Trung Hải này diện tích chỉ có 365 km2, nhưng có số dân lên tới 1,85 triệu người vào năm 2015, tức mật độ 5.046 người/km2; (năm 2020 dự kiến lên tới hơn 2 triệu). Biên giới trên biển và đất liền tiếp giáp với Israel và Ai Cập được bảo vệ nghiêm ngặt đã hạn chế mức độ lớn sự phát triển kinh tế của Gaza. Phần lớn dân số của Gaza sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, dựa vào sự hỗ trợ nhân đạo từ nước ngoài.

Vị trí Dải Gaza so với bản đồ Israel và trong khu vực (Ảnh: Deutsche Welle).

Vị trí Dải Gaza so với bản đồ Israel và trong khu vực (Ảnh: Deutsche Welle).

Hamas thường xuyên nã tên lửa vào Israel từ các khu dân cư và lập các sở chỉ huy trong các tòa chung cư của dân chúng. Cách tiếp cận này thực chất là sử dụng dân thường làm lá chắn cho họ. Hamas đã bí mật đào các đường hầm dưới lòng đất và tuồn vũ khí vào Gaza. Buôn lậu vũ khí chủ yếu đến từ Ai Cập, mặc dù chính phủ Ai Cập đã và đang trấn áp vấn đề này.

Ai đang hỗ trợ Hamas?

Qatar là đồng minh và nhà cung cấp viện trợ tài chính quan trọng nhất của Hamas. Năm 2012, Sheik Hamad bin Khalifa al-Thani, Tiểu vương của Qatar, trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm chính phủ của Hamas. Cho đến nay, tiểu vương quốc quân chủ này đã viện trợ 1,8 tỷ USD cho Hamas. Israel hy vọng rằng Qatar có thể tham gia "Hiệp nghị Abraham" do Mỹ làm trung gian và thiết lập quan hệ ngoại giao với Qatar.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan - người ủng hộ Hamas (Ảnh: Deutsche Welle)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan - người ủng hộ Hamas (Ảnh: Deutsche Welle)

Hamas cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc hội đàm trước thềm cuộc tấn công bằng tên lửa của Hamas vào Israel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo Ismail Haniyeh của Hamas.

Hamas cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ một loạt các tổ chức và quỹ phi chính phủ, một số trong số đó đến từ Đức. Theo một bài báo trên tờ Der Spiegel (Tấm Gương) của Đức, ngày càng có nhiều tổ chức ở Đức đang quyên góp ủng hộ cho Hamas.

Tên lửa của Hamas đến từ đâu?

Trong những ngày qua, số lượng tên lửa phóng từ Dải Gaza tới Israel đã đạt mức cao chưa từng thấy. Thứ Ba tuần trước 11/5), Hamas tuyên bố rằng họ đã bắn 130 quả tên lửa trong vòng vài phút nhằm đột phá hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel. Hệ thống phòng thủ Vòm Sắt vẫn tốt hơn tên lửa Hamas, nhưng nó cũng đắt hơn nhiều.

Hôm 13/5, quân đội Israel báo cáo rằng có tới 1.800 quả tên lửa đã bắn từ Dải Gaza sang Israel.

Các chiến binh Hamas bên cạnh giá tên lửa dùng để tấn công Israel (Ảnh: 163.com).

Các chiến binh Hamas bên cạnh giá tên lửa dùng để tấn công Israel (Ảnh: 163.com).

Trong nhiều năm qua, tên lửa của Hamas được cho là đến từ Iran. Fabian Hinz, một chuyên gia công nghệ tên lửa ở Trung Đông, nói với Đài Truyền hình Đức ZDF rằng các tổ chức khác nhau ở Dải Gaza đã mở rộng kho vũ khí đạn dược của họ và có hàng nghìn quả tên lửa. Điều này cũng được các cơ quan truyền thông Israel xác nhận.

Tuần trước, tờ Jerusalem Post dẫn lời cơ quan tình báo Israel cho biết ước tính Hamas có 5000-6000 quả tên lửa. Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine (Jihad) hợp tác với Hamas, cũng có khoảng 8.000 quả tên lửa.

Ông Hinz nói rằng tên lửa của Iran đã được đưa lậu vào Gaza thông qua Sudan và Ai Cập. Tuy nhiên, kể từ khi nhà độc tài Sudan Omar al-Bashir bị lật đổ vào năm 2019, lối đi này ngày càng trở nên khó khăn. Theo các thông tin nắm được, với sự hỗ trợ từ bên ngoài, Hamas hiện đang bắt đầu tự chế tạo các tên lửa và pháo phản lực của riêng họ ở Dải Gaza.

(Theo Deutsche Welle)