Ai là người sáng chế ra chuột máy tính đầu tiên?

Hiện tại, chuột máy tính đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong giới công nghệ. Thiết bị này cũng đã có rất nhiều thay đổi so với bản sáng chế chuột máy tính đầu tiên.
Douglas Engelbart, một kĩ sư người Mỹ đã nộp một sáng chế mà sau này được coi là con chuột máy tính đầu tiên trên thế giới
Douglas Engelbart, một kĩ sư người Mỹ đã nộp một sáng chế mà sau này được coi là con chuột máy tính đầu tiên trên thế giới

Năm 1967, Douglas Engelbart, một kĩ sư người Mỹ đã nộp một sáng chế mà sau này được coi là con chuột máy tính đầu tiên trên thế giới. Sáng chế mang mã hiệu 3541541, chính thức được cấp vào năm 1970.

Vào năm 1968, ông đã lần đầu tiên trình diễn nguyên mẫu một con chuột máy tính tại một hội thảo khoa học về máy tính tại bang San Francisco. Tại thời điểm đó, ông gọi thiết bị này là "Thiết bị định hướng vị trí X-Y trên màn hình".

Đây là một sự kiện – với sự tham dự của khoảng 1000 máy tính chuyên nghiệp – mà sau này người ta gọi là "mother of all demos". Hội nghị là khởi nguồn của nhiều khái niệm đã trở thành phổ biến ngày nay như: chuột máy tính (mouse), siêu văn bản (hypertext), tập tin liên kết động…

Bằng sáng chế của Engelbart cung cấp các công cụ cần thiết để điều hướng màn hình đồ họa máy tính bằng các chuyển động đơn giản của bàn tay chứ không phải bằng cách sử dụng các phím để thao tác với con trỏ trên một màn hình xanh như trước kia (thời điểm các thao tác trên máy tính còn được thực hiện bằng cách gõ dòng lệnh).

Con chuột ban đầu đặt trong một hộp gỗ cao cấp, to gấp đôi những con chuột ngày nay với 3 nút ở trên đầu, di chuyển với sự giúp đỡ của hai bánh xe ở mặt dưới chứ không phải trackball cao su. Trong hai bánh xe này thì một sẽ di chuyển theo trục ngang và một theo trục dọc. Theo thời gian, các bánh xe này đã được thay bằng bi, đèn laser rồi đèn LED nhưng tiền đề của chúng đều giống nhau: các chuyển động sẽ được biến thành mã nhị phân và hiển thị lại trên màn hình máy tính.

ai la nguoi sang che ra chuot may tinh dau tien 1

Những gì Engelbart trình bày năm 1968 đã vẽ lên tương lai của kỷ nguyên điện toán mà sau này được trung tâm nghiên cứu Palo Alto Research Center của Xerox phát triển. Nhưng phải tới đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, chuột máy tính mới trở thành chuẩn mực trong điều khiển máy tính nhờ Apple, Microsoft, IBM biến thành sản phẩm thương mại và thay đổi cuộc sống hiện đại của con người. Ngày nay, những tiếng click chuột đã trở nên thân thuộc với hàng trăm triệu người trên toàn thế giới.

Ý tưởng về con chuột nảy ra khi Engelbart tham dự một hội thảo về đồ họa máy tính và ông nghĩ sẽ rất tuyệt nếu có thể di chuyển con trỏ trên màn hình máy tính một cách đơn giản. Các phiên bản đầu tiên của chuột có vỏ gỗ với 3 nút bấm vì nó chỉ đủ chỗ cho 3 nút, nhưng Engelbart tin rằng phải có 10 nút mới thực hiện đủ hết các chức năng. Hai thập kỷ sau, khi trang bị chuột cho máy tính Macintosh, Steve Jobs, CEO Apple khi đó,  lại nghĩ chỉ một nút bấm là đủ. Ông đề cao sự đơn giản và quả quyết rằng một nút giúp tránh thao tác sai hơn là có một loạt nút.

Roger Bates, một nhà thiết kế phần cứng thuộc Viện SRI, cho hay tên "con chuột" được đưa ra để tương xứng với tên của con trỏ. Khi đó, con trỏ được gọi là CAT (mèo) nhưng ông Bates không thể nhớ CAT viết tắt của cụm từ gì.

ai la nguoi sang che ra chuot may tinh dau tien

Nói về Engelbart, ông sinh ra tại Portland, Oregon ngày 30 tháng 1 năm 1925, là con thứ hai trong ba người con của một gia đình có bố là người Đức, mẹ là người gốc Thụy Điển và Na Uy. Cha ông mất năm ông lên 9 hoặc 10 tuổi, và gia đình chuyển sang vùng nông thôn Johnson Creek.

Tốt nghiệp trường Trung học Franklin (Oregon), ông vào học tại Đại học Bang Oregon. Đang học dở thì vào cuối Thế chiến thứ hai, ông nhận thông báo nhập ngũ, phục vụ trong hai năm ở Philippines với vai trò kỹ thuật viên radar. Sau chiến tranh, ông trở lại trường, nhận bằng cử nhân kỹ thuật điện năm 1948 và được nhận vào làm tại Hội đồng Tư vấn Quốc gia về Hàng không.

Ông theo học sau đại học tại Đại học California tại Berkeley, nhận bằng thạc sĩ năm 1953 và tiến sĩ chỉ hai năm sau đó, 1955. Thời gian này ông đã góp phần xây dựng Dự án Máy tính điện tử California CALDIC và nghiên cứu của ông về sau được cấp một số bằng sáng chế. Ông được giữ lại giảng dạy ở Berkely nhưng từ chức sau đó một năm. Ông lập một công ty khởi nghiệp lấy tên là Digital Techniques để thương mại hóa nghiên cứu của ông về các thiết bị lưu trữ, nhưng cuối cùng từ bỏ kinh doanh để theo đuổi nghiên cứu mà ông ước mơ từ lâu.

Engelbart được biết đến nhiều nhất với công trình liên quan tới tương tác người-máy, đặc biệt trong thời gian ông điều hành Phòng thí nghiệm Trung tâm Nghiên cứu Tăng cường của SRI International, nơi phát minh ra chuột máy tính, phát triển siêu văn bản, máy tính kết nối mạng và những phác thảo ban đầu cho giao diện đồ họa người dùng. 

Trong sự nghiệp của mình, Engelbart đã nhận được rất nhiều danh hiệu và giải thưởng công nghệ cao quý, bao gồm huân chương công nghệ quốc gia, các giải thưởng công nghệ cao nhất tại Hoa Kỳ...

Trước khi mất, Engelbart sống cùng vợ thứ hai, ba cô con gái, một con trai và chín đứa cháu. Người vợ đầu tiên của ông đã qua đời năm 1997, sau 47 năm chung sống.

Theo Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo

http://www.sohuutritue.net.vn/ai-la-nguoi-sang-che-ra-chuot-may-tinh-dau-tien-d37385.html