6 vũ khí tác chiến trên không nguy hiểm nhất mà Ukraine đang sở hữu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Sự suy thoái của nền kinh tế và các ngành công nghiệp quốc phòng khiến khả năng tác chiến trên không của lực lượng Không quân Ukraine bị ảnh hưởng nghiêm trọng
6 vũ khí tác chiến trên không nguy hiểm nhất mà Ukraine đang sở hữu (Ảnh: Military Watch Magazine)
6 vũ khí tác chiến trên không nguy hiểm nhất mà Ukraine đang sở hữu (Ảnh: Military Watch Magazine)

Sự bùng nổ của các cuộc xung đột công khai giữa các lực lượng Nga và Ukraine vào ngày 24 tháng 2 đã giúp chúng ta đánh giá được phần nào khả năng tác chiến trên không và khả năng phòng không của hai nước này. Các lực lượng vũ trang của Ukraine đã không được trang bị các loại vũ khí mới kể từ năm 1980, khi họ thừa hưởng một kho vũ khí khổng lồ từ Liên Xô, bao gồm hàng nghìn máy bay chiến đấu. Sự suy thoái của nền kinh tế và các ngành công nghiệp quốc phòng khiến khả năng tác chiến trên không của lực lượng Không quân Ukraine bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, vào đầu những năm 2020, Ukraine vẫn phải phụ thuộc vào một số lượng nhỏ máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không vốn được phát triển từ những năm 1980, những loại vũ khí vốn lạc hậu so với kho khí tài hiện đại của Nga và NATO. Tuy nhiên, không thể xem thường những loại vũ khí mà Ukraine đang sở hữu vì chúng đã từng là những loại vũ khí nguy hiểm nhất thế giới khi Liên Xô chưa tan rã.

1. Tiêm kích Su-27S

Tiêm kích Su-27 của lực lượng Phòng không Ukraine (Ảnh: Military Watch Magazine)

Tiêm kích Su-27 của lực lượng Phòng không Ukraine (Ảnh: Military Watch Magazine)

Su-27 Flanker được nhiều người coi là máy bay chiến đấu có khả năng nhất được sử dụng bởi bất kỳ lực lượng không quân nào trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và từ năm 1985 đã trở thành lực lượng tinh nhuệ của Không quân Liên Xô. Các máy bay chiến đấu cao cấp này đã được Nga, Ukraine, Belarus và Uzbekistan kế thừa khi Liên Xô tan rã. Ukraine hiện đang là quốc gia thân phương Tây duy nhất vẫn còn sử dụng tiêm kích Su-27. Các máy bay Su-27 của Ukraine đã chịu tổn thất lớn khi đối đầu với lực lượng Không quân Nga. Cụ thể, trong ngày đầu tiên cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra đã có một máy bay Su-27 của Không quân Ukraine bị bắn rơi và mất tích. Một trận không chiến khác tại thành phố Zhytomir vào ngày 5 tháng 3 đã chứng kiến ​​4 chiếc Su-27 bị bắn hạ, thủ phạm được cho là tiêm kích Su-35 của lực lượng Không quân Nga. Su-27 vẫn được coi là một trong những máy bay chiến đấu nguy hiểm nhất ở Đông Âu, nhưng với việc thiếu đi hệ thống tác chiến điện tử và việc vẫn sử dụng vũ khí trang bị, cảm biến từ những năm 1980 khiến Su-27 "thất thế" trước những dòng máy bay chiến đấu hiện đại của Nga.

2. Tiêm kích MiG-29A

Tiêm kích MiG-29 của lực lượng Phòng Không Ukraine (Ảnh: Military Watch Magazine)

Tiêm kích MiG-29 của lực lượng Phòng Không Ukraine (Ảnh: Military Watch Magazine)

MiG-29 chiếm một nửa số lượng máy bay chiến đấu mà Ukraine đang sở hữu. Loại máy bay chiến đấu này được phát triển song song với Su-27, là một phiên bản nhẹ và rẻ hơn của Su-27 được Liên Xô đưa vào sử dụng từ năm 1982. MiG-29 có tầm hoạt động ngắn hơn, cảm biến kém hơn so với Su-27, nhưng loại máy bay này lại có khả năng cất cánh từ những đường băng ngắn tạm thời, thứ mà Su-27 không làm được. Điều này cho thấy mục đích sử dụng của MiG-29 là để phục vụ cho các hoạt động gần tiền tuyến. Khả năng hoạt động ở các đường băng ngắn của MiG-29 đặc biệt có giá trị đối với Quân đội Ukraine khi các sân bay nước này hầu hết đã bị Nga vô hiệu hóa. Mặc dù có độ linh hoạt cao, nhưng MiG-29 không phải là đối thủ của các loại máy bay chiến đấu hạng nặng mà Nga đang sở hữu. Các máy bay MiG-29 được cho là đã bị tổn thất nặng nề trước các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Nga nhắm vào các căn cứ của Ukraine.

3. Hệ thống phòng không S-300PS/PT và Buk-M1

Hệ thống phòng không S-300 của Ukraine (Ảnh: Military Watch Magazine)

Hệ thống phòng không S-300 của Ukraine (Ảnh: Military Watch Magazine)

Hệ thống phòng không S-300P/ PS / PT được sản xuất từ những năm 1980, hiện đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng không của Ukraine. Đây là những biến thể lâu đời nhất của hệ thống phòng không S-300. Mặc dù S-300 nổi tiếng là hệ thống phòng không hàng đầu thế giới, nhưng nếu so với biến thể S-300V4 đang được sản xuất ở Nga hiện nay thì hệ thống phòng không S-300 của Ukraine thua xa ở khoản phòng thủ các khu vực rộng lớn cũng như thiếu đi khả năng phòng thủ nhiều lớp. Tuy nhiên, S-300 đã từng là một hệ thống phòng không bậc nhất vào thời điểm những năm 1980 và hiện vẫn được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không tốt nhất thế giới nhờ tính cơ động và tầm bắn xa.

Hệ thống tên lửa BuK-M1 được cho ra đời từ năm 1980. Hệ thống này có khả năng cơ động cao và bổ sung thêm tầm bắn ngắn, thứ mà hệ thống phòng không S-300 thiếu sót. Một số hệ thống tên lửa BuK đã được Ukraine bán cho Gruzia vào những năm 2000.

4. Tên lửa vác vai Stinger và Igla MANPADS

Tên lửa vác vai đất đối không 9K38 Igla (Ảnh: Military Watch Magazine)

Tên lửa vác vai đất đối không 9K38 Igla (Ảnh: Military Watch Magazine)

Năng lực hạn chế của phi đội máy bay chiến đấu và lực lượng phòng không là một trong những yếu tố then chốt khiến cho Ukraine gặp bất lợi trong cuộc chiến với Nga. Vì vậy, biện pháp khả dĩ nhất để Ukraine có thể đe dọa các máy bay chiến đấu hiện đại của Nga là sử dụng các loại tên lửa vác vai đất đối không. Tương tự với mặt trận trên không, các mẫu xe tăng mà Ukraine đang sở hữu đã quá cũ kỹ và không thể gây bất kỳ mối đe dọa nào cho lực lượng tăng thiết giáp của Nga, vì vậy Ukraine đã phải sử dụng tên lửa vác vai Javelin để khắc phục điểm yếu. Theo một số báo cáo, tên lửa vác vai đất đối không 9K38 Igla của Ukraine được cho là đã bắn hạ một máy bay chiến đấu Su-34 của Nga vào ngày 5 tháng 3. Chưa dừng lại ở đó, tên lửa vác vai Stinger do Mỹ viện trợ cũng giúp Quân đội Ukraine bắn hạ ít nhất hai máy bay trực thăng tấn công của Nga. Có thể thấy, việc sử dụng tên lửa vác vai để chống lại các mẫu máy bay chiến đấu và xe tăng hiện đại mà Nga sở hữu là một hướng đi đúng đắn của Ukraine. Tên lửa vác vai là một loại vũ khí đem đến tính cơ động cao, vì vậy chúng rất khó bị vô hiệu hóa và miễn nhiễm với các phương pháp chế áp phòng không truyền thống dựa vào vũ khí chống bức xạ. Ukraine đang được các nước thành viên NATO cung cấp thêm số lượng lớn tên lửa vác vai Igla và Stinger để đối phó với Quân đội Nga trong thời gian tới.

Theo Military Watch Magazine