Tên lửa hành trình Iskander-K – vũ khí chính trong các cuộc tấn công chính xác của Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cách đây vài ngày, một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, từ khi bắt đầu chiến tranh ở Ukraine, quân đội Nga đã phóng hơn 600 tên lửa tầm xa. Theo Trung tâm nghiên cứu CSIS, quân Nga chủ yếu sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M và tên lửa hành trình Iskander-K.
Mỗi xe phóng tên lửa hành trình Iskander-K với 2 quả đạn (Ảnh: Sina).
Mỗi xe phóng tên lửa hành trình Iskander-K với 2 quả đạn (Ảnh: Sina).

Trong số các loại tên lửa tầm xa này, tên lửa hành trình phóng từ mặt đất Iskander-K (Krylataya) được sử dụng quy mô lớn đã thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài, tên lửa này cũng từng là tên lửa gây tranh cãi nhất giữa hai bên Mỹ-Nga trong “Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung” (INF).

"Người phá cửa" của quân đội Nga

Nhắc đến tên lửa hành trình, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, loại tên lửa này đã được nhiều người chú ý trong các cuộc chiến tranh cục bộ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược quan trọng như sở chỉ huy, sân bay của đối phương… thời kì đầu chiến tranh, đóng vai trò “người phá cửa”. Ví dụ, trong Chiến tranh vùng Vịnh, trong 48 giờ đầu tiên của cuộc chiến, Hải quân Mỹ đã phóng 185 tên lửa hành trình Tomahawk, chiếm 66% tổng số. Các tên lửa này đã đánh phá các mục tiêu chiến lược như Phủ Tổng thống, SCH Không quân, Trung tâm chỉ huy Phòng không… đặt nền móng cho các hoạt động quân sự tiếp theo của lực lượng liên quân. Trong Chiến tranh Iraq, quân đội Mỹ đã phóng tổng cộng 955 tên lửa hành trình (hầu hết là Tomahawk), tiêu diệt một số lượng lớn các mục tiêu có giá trị cao.

Tên lửa hành trình Iskander-K sau khi rời bệ phóng (Ảnh: Sina).

Tên lửa hành trình Iskander-K sau khi rời bệ phóng (Ảnh: Sina).

Các tên lửa hành trình Tomahawk này đều là loại phóng từ biển, phóng từ tàu nổi và tàu ngầm, trên thực tế Tomahawk cũng có mẫu phóng từ đất liền, nhưng chúng đã bị phá hủy vào những năm 1980 theo Hiệp ước INF. Hiện Hiệp ước INF không còn tồn tại, Mỹ cũng đang đẩy mạnh phát triển tên lửa tầm trung đất đối đất. Năm 2019, nước này đã bắn thử thành công tên lửa hành trình Tomahawk và mở ra sự tái sinh loại tên lửa này phiên bản phóng từ mặt đất. Điều đáng nói là trong thế kỷ mới, công nghệ tên lửa hành trình đã lan rộng ra nhiều nước, các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Iran và Pakistan đều đã phát triển tên lửa hành trình đối đất sản xuất trong nước, và một số mẫu đã được sử dụng trong thực tế chiến đấu.

So với tên lửa hành trình phóng từ biển và trên không, tên lửa hành trình đất đối đất có yêu cầu về nền tảng tương đối thấp, chỉ cần tích hợp hệ thống vào khung gầm xe bánh lốp, cho dù đó là khung gầm xe tải dân dụng thông thường hay xe tải quân sự cơ động cao đều có thể trở thành bệ phóng cho tên lửa hành trình đối đất.

Mỗi xe phóng tên lửa Tomahawk của Mỹ có 6 quả đạn (đã bị phá hủy theo Hiệp ước INF).

Mỗi xe phóng tên lửa Tomahawk của Mỹ có 6 quả đạn (đã bị phá hủy theo Hiệp ước INF).

Bị kích thích bởi tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, sau khi Liên Xô tan rã, Nga cũng bắt đầu phát triển tên lửa hành trình trang bị đầu đạn thông thường. Đối với Nga, trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã phát triển nhiều loại tên lửa hành trình hạt nhân chẳng hạn như Kh-55, RK-55, đã đặt nền tảng kỹ thuật vững chắc cho sự phát triển của tên lửa hành trình thông thường và cải tiến đánh chính xác.

Thực ra, trong Chiến tranh Lạnh Liên Xô đã phát triển một loại tên lửa hành trình đất đối đất - tên lửa RK-55 (NATO gọi là SSC-X-4 Slingshot) nói trên, được phát triển từ tên lửa phóng từ trên không RK-55. Tên lửa này có tầm bắn khoảng 3.000 km, và mỗi xe phóng được trang bị 6 ống phóng. Cùng với tên lửa đạn đạo tầm trung SS-20, nó đã trở thành mối lo ngại lớn ở châu Âu vào thời điểm đó. Sau này, nó đã bị phá hủy vì Hiệp ước INF, và tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ đất liền của Mỹ cũng chịu chung số phận.

Tháng 9/2014, Quân khu phía Đông của Nga tổ chức cuộc tập trận chiến lược "Vostok-2014". Số lượng quân tham gia cuộc tập trận lên tới 100.000 người, với một số lượng lớn vũ khí và trang thiết bị như 1.500 xe tăng và 120 máy bay quân sự đã được huy động. Trong cuộc tập trận này, tên lửa hành trình đất đối đất Iskander-K lần đầu tiên xuất hiện trước thế giới và trở thành vũ khí tiêu điểm của cuộc tập trận vào thời điểm đó. Tên lửa này tham gia thực chiến lần đầu tiên khi quân đội Nga can thiệp vào tình hình ở Syria, nhưng số lần phóng rất ít, chủ yếu chỉ để kiểm nghiệm tính năng của tên lửa, còn trong cuộc xung đột Nga-Ukraine lần này nó mới được tham gia với quy mô lớn.

Hai loại tên lửa tấn công chủ lực được quân Nga sử dụng trong chiến dịch tại Ukraine lần này: tên lửa hành trình Iskander-K và tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M (Ảnh: Sina).

Hai loại tên lửa tấn công chủ lực được quân Nga sử dụng trong chiến dịch tại Ukraine lần này: tên lửa hành trình Iskander-K và tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M (Ảnh: Sina).

Khả năng thực của “người phá cửa” Iskander-K

Theo thông tin chính thức của Nga, có hai loại đạn được sử dụng cho hệ thống tên lửa hành trình đất đối đất Iskander-K là 9M728 và 9M729. Đạn tên lửa 9M729 là phiên bản hiện đại hóa và nâng cấp của tên lửa 9M728 về tăng trọng lượng và cải tiến hệ thống dẫn đường, chiều dài quả đạn đã tăng thêm 53 cm, và độ chính xác trúng đích cao hơn. Quân đội Nga cho biết tầm bắn của tên lửa đã giảm 10 km xuống còn 480 km.

Quá trình phát triển tên lửa 9M728 bắt đầu từ năm 1996, nhưng do vấn đề kinh phí nên tiến độ phát triển tương đối chậm. Lần phóng thử đầu tiên được thực hiện vào năm 2007 với một số vụ phóng thử đã được tổ chức sau đó và năm 2009 bắt đầu được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Trên thực tế, nguồn gốc công nghệ của tên lửa 9M728 là tên lửa RK-55. Hình dạng cũng rất giống, với đầu đạn hình bầu dục, thân đạn hình trụ, thiết kế có thể gập lại cho cánh đơn và một hình nón cụt ngược ngắn ở phía đuôi, và được trang bị một cái đuôi hình chữ Thập, phía cuối là một thiết bị đẩy dùng thuốc phóng rắn.

Giống như hầu hết các tên lửa hành trình cận âm, tên lửa 9M28 cũng áp dụng cách bố trí khí động học mặt phẳng, có đặc điểm là tên lửa chỉ có một cặp cánh, được bố trí đối xứng trong cùng một mặt phẳng ở hai bên thân tên lửa. Ưu điểm của cách bố trí này là tỷ lệ khung hình lớn và lực cản gây ra nhỏ, điều này có lợi cho việc cải thiện tỷ lệ lực nâng của tên lửa, để tên lửa có được tầm bắn lớn hơn. Do đó, cách bố trí khí động học phẳng là cách bố trí khí động học thường thấy đối với tên lửa hành trình cận âm tầm xa. Do hạn chế của Hiệp ước INF khi mới bắt đầu phát triển, tầm bắn của tên lửa này đã giảm xuống còn 490 km, hiện nay Hiệp ước INF đã không còn hiệu lực nên về lý thuyết, tầm bắn của tên lửa hành trình đối đất không bị giới hạn. Xét thấy Tên lửa hành trình 3M-54 Caliber -HK (nguồn gốc công nghệ cũng là tên lửa RK-55) có tầm bắn hơn 1.500 km, vì vậy tên lửa 9M728 cũng có thể phát triển một mẫu có tầm bắn hơn 1.500 km trong tương lai.

Tên lửa 9M728 áp dụng phương pháp dẫn đường tổng hợp gồm dẫn đường quán tính + dẫn đường theo địa hình + dẫn đường vệ tinh + dẫn đường phù hợp cảnh đoạn cuối. Có thông tin, tên lửa cũng sử dụng dẫn đường đoạn cuối quang học, nhưng xét từ các bức ảnh tên lửa công khai, không có bằng chứng nào về đoạn cuối quang học được tìm thấy. Sau khi phóng tên lửa bay đến mục tiêu dưới sự dẫn đường của hệ thống dẫn đường quán tính và vệ tinh, nếu có đồi trên đất liền tên lửa có thể lượn theo địa hình dưới sự điều khiển của máy đo độ cao. Hệ thống dẫn đường và hỗ trợ mặt đất tiên tiến đảm bảo độ chính xác khi tấn công của tên lửa là trong vòng 10 mét với khả năng tấn công chính xác mạnh mẽ.

Hệ thống tên lửa được trang bị đạn tên lửa 9M728 hoặc 9M929 được gọi là Iskander-K, bệ phóng tên lửa sử dụng chung khung gầm với tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M, cả hai đều là khung gầm xe địa hình Mas-7930 bánh lốp 8 × 8. Xe được Nhà máy Máy "Pháo đài" Volgograd sản xuất, xe được trang bị một máy phát tuabin khí để cung cấp năng lượng cho hệ thống vũ khí. Theo giới thiệu, chỉ cần 3 người có thể hoàn thành thao tác khởi động phóng. Từ khi triển khai thiết bị đến khi phóng tên lửa chỉ mất 4 phút, tên lửa có thể được phóng đi trong vòng 6 phút kể cả khi vừa chuyển vị trí và dỡ bỏ trạng thái hành quân. Iskander-K có khả năng tương thích hệ thống và khả năng thích ứng hoạt động mạnh mẽ, đồng thời có thể thực hiện phóng di động. Thời gian phục vụ của loại tên lửa này là 10 năm và có thể sử dụng trong 3 năm liên tục mà không cần bảo dưỡng lớn trong điều kiện dã chiến. Trong cuộc diễn tập quân sự, Iskander-K đã cơ động vào rừng rậm, nhanh chóng được triển khai và nhanh chóng phóng đạn tại các địa điểm bình thường không có đường và các trận địa có sẵn.

Lục quân Nga đã triển khai tên lửa Iskander-K từ năm 2009. Quân đội Nga đã mua 16 bộ tên lửa Iskander-K, trang bị cho 3 lữ đoàn tên lửa, mỗi tiểu đoàn 4 hệ thống phóng với 16 đạn tên lửa. Một lữ đoàn tên lửa có 3 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn tên lửa hỗn hợp Iskander gồm 4 xe phóng, 4 xe tải vận chuyển, 1 xe chỉ huy và điều khiển, 1 xe xử lý thông tin, 1 xe hỗ trợ kỹ thuật và 1 xe bảo đảm sinh hoạt.

Quân Nga có thể bố trí phối hợp hai loại tên lửa trên một xe phóng (Ảnh: Sina)

Quân Nga có thể bố trí phối hợp hai loại tên lửa trên một xe phóng (Ảnh: Sina)

Sự kết hợp giữa tên lửa hành trình Iskander-K và tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M đã trở thành lực lượng chính của hỏa lực tấn công mặt đất của Nga, nâng cao đáng kể khả năng tấn công chiều sâu của quân đội Nga. Hai loại tên lửa đều có những ưu điểm riêng. Tên lửa đạn đạo Iskander-M có tốc độ bay nhanh và quỹ đạo thay đổi được, có thể tấn công từ độ cao lớn, trong khi tên lửa hành trình Iskander-K có tốc độ bay chậm, nhưng bay ở độ cao thấp, nó cũng có thể hoạch định đường bay và tránh các vị trí phòng không đã biết, nó cũng có khả năng thâm nhập mạnh mẽ và phát động các cuộc tấn công từ độ cao thấp. Hai loại này kết hợp với nhau khiến đối phương rất khó đối phó.

Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine này, tên lửa hành trình Iskander-K là lực lượng chính trong cuộc tấn công chính xác tầm xa của Nga. Cùng với tên lửa đạn đạo chiến thuật và các tên lửa khác, nó thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu có giá trị cao như sân bay, các cơ quan chỉ huy và các vị trí phòng không của Ukraine, giúp quân đội Nga giành được ưu thế trên không. Tuy nhiên nó có thể bị hạn chế bởi số lượng đạn tên lửa và hiệu quả của việc trấn áp liên tục sau đó đã từng bị thế giới bên ngoài nghi ngờ. Đặc biệt, một số máy bay chiến đấu của Ukraine vẫn có thể cất cánh tại sân bay ở miền tây Ukraine trong vòng mười ngày kể từ ngày bắt đầu xung đột. Về hiệu suất cụ thể của nó, còn phụ thuộc vào những thông tin chi tiết hơn được phía Nga công bố sau đó, chẳng hạn như số lần phóng Iskander-K cụ thể và những mục tiêu nào đã bị bắn trúng.