6 thách thức của đổi mới sáng tạo khu vực công tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đổi mới sáng tạo tại khu vực công sẽ tạo ra nhiều giá trị mới cho xã hội như đóng góp tới 95% đối với mức độ cạnh tranh của nền kinh tế, 84% với thị trường lao động…
Đổi mới sáng tạo khu vực công đem lại nhiều lợi ích cho người dân và xã hội (ảnh: Hồ Văn)
Đổi mới sáng tạo khu vực công đem lại nhiều lợi ích cho người dân và xã hội (ảnh: Hồ Văn)

Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo (ĐMST), nhất là trong khu vực công – vốn được coi là chậm đổi mới hơn khu vực tư nhân. Khu vực công ở đây được hiểu là bao gồm các cơ quan công quyền (cơ quan nhà nước Trung ương và cấp Bộ), chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước.

Theo tiến sĩ Võ Xuân Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch Đầu tư), đổi mới sáng tạo khu vực công liên quan đến những cải tiến đáng kể trong các dịch vụ mà chính phủ có trách nhiệm cung cấp, bao gồm cả những dịch vụ do bên thứ ba cung cấp. Nó bao gồm cả nội dung của các dịch vụ này và các công cụ được sử dụng để cung cấp chúng.

Tác động tích cực của đổi mới sáng tạo

Cũng theo ông Võ Xuân Hoài, tác động tích cực của ĐMST đối với nền kinh tế, xã hội là rất rõ ràng: ĐMST đóng góp tới 95% mức độ cạnh tranh của nền kinh tế, 91% đối với nền kinh tế xanh, 88% trong các công việc hợp tác mới, 87% trong việc mang lại giá trị cho toàn xã hội. Trong 10 năm tới, ĐMST sẽ góp phần thay đổi cuộc sống người dân, cụ thể là 87% với chất lượng sức khoẻ, 84% đối với thị trường lao động, 84% đối với chất lượng môi trường.

Còn theo tác giả Melissa Kennedy trong bài viết “What is the impact of Innovation, What drives innovation?” thì 65% trường học và viện nghiên cứu sẽ tham gia ĐMST, 62% bằng độc quyền sáng chế sẽ thúc đẩy ĐMST, 48% phân bổ ngân sách của các doanh nghiệp sẽ tập trung hỗ trợ các hoạt động ĐMST, 43% hỗ trợ của chính quyền về tổ chức và triển khai các hoạt động ĐMST. Đây chính là những động lực thúc đẩy ĐMST được triển khai sâu rộng hơn.

6 thách thức của đổi mới sáng tạo trong khu vực công của Việt Nam

Đổi mới sáng tạo trong khu vực công sẽ giúp cơ quan công quyền và doanh nghiệp công đưa ra được những sản phẩm, dịch vụ tốt cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian qua có những trở ngại vẫn đang tồn tại khiến cho ĐMST chưa thể được áp dụng mạnh mẽ trong khu vực công.

Trong chương trình Vietnam Innovation Challenge, các diễn giả đã nêu ra 5 thách thức cản trở quá trình ĐMST trong khu vực công:

Thứ nhất, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số còn thiếu, đặc biệt là trong khu vực công. Chất lượng về đào tạo không đồng đều, các cơ sở còn thiếu trang thiết bị và phương pháp đào tạo theo chuẩn quốc tế.

Thứ hai, nhận thức của công chức trong khu vực công còn hạn chế, thu nhập của công chức thấp so với các nước có nền hành chính công được số hóa.

Thứ ba, đầu tư công còn hạn chế, chưa đồng bộ. Công tác quản lý hoạt động đầu tư công còn yếu. Năng lực của chủ đầu tư hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, quy mô và chất lượng.

Thứ tư, an ninh mạng, bảo mật còn nhiều lỗ hổng.

Thứ năm, luật pháp và thể chế chưa đồng bộ, chưa khuyến khích phát triển tài nguyên số.

Thứ sáu, khu vực công vẫn sử dụng thanh toán tiền mặt. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề như tham nhũng, tiêu tốn ngân sách.

Theo tiến sĩ Võ Xuân Hoài, để thúc đẩy ĐMST trong khu vực công tại Việt Nam, chính phủ cần xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm ưu tiên lĩnh vực này; Huy động các nguồn lực tài chính nhằm đa dạng hóa nguồn lực cho các hoạt động ĐMST khu vực công; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc tại khu vực công và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Tiến sĩ Võ Xuân Hoài cho rằng cần có thêm nhiều cơ chế chính sách ưu tiên cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực công để thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Tiến sĩ Võ Xuân Hoài cho rằng cần có thêm nhiều cơ chế chính sách ưu tiên cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực công để thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Cơ hội cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

Tại Việt Nam, trong những năm qua quá trình chuyển đổi số đã diễn ra khá mạnh mẽ. Không chỉ các doanh nghiệp lớn của nhà nước, nhiều doanh nghiệp nhỏ và các cơ quan, đơn vị sự nghiệp cũng đã áp dụng chuyển đổi số và đạt được những thành tựu nổi bật, được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam thường niên.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đang được cải thiện theo từng năm và đứng thứ hạng cao cùng với các nước phát triển. Những đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới trong phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Đảng và Nhà nước cũng đã quan tâm đến đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực KHCN. Ngày 11/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 569/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển KHCN và ĐMST đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể của chiến lược là nâng cao đóng góp của KHCN và ĐMST vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp.

Ngoài ra còn có một số chính sách khuyến khích ĐMST khác như Nghị định số 94/2020 ngày 21/8/2020 của chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi với Trung tâm ĐMST quốc gia; Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến 2025; Nghị định số 38/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo…

Việc đẩy mạnh thương mại điện tử cũng như các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nếu được áp dụng vào khu vực công cũng sẽ góp phần giảm tham nhũng và thất thoát ngân sách.