Quảng Nam đang tiến tới một chính quyền số thông minh và hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – “Chuyển đổi số là một quá trình liên tục và không có giới hạn. Nhưng với những kết quả đã đạt được, có thể thấy, Quảng Nam đang tiến tới một chính quyền số thông minh và hiện đại” - ông Hồ Quang Bửu chia sẻ.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (ảnh Phước Nguyên)
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (ảnh Phước Nguyên)

Tỉnh Quảng Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số với nhiều kết quả đáng ghi nhận khi xếp vị thứ 25/63 tỉnh, thành về chỉ số DTI; đứng thứ 3 khu vực miền Trung. Tỉnh cũng đặt mục tiêu lọt vào Top 20 tỉnh, thành có mức độ chuyển đổi số cao nhất năm 2023 và sớm trở thành địa phương nằm trong Top đầu về chuyển đổi số của Việt Nam vào năm 2030.

Để hiểu rõ hơn về công tác chuyển đổi số tại Quảng Nam, VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Những kết quả đáng ghi nhận

- Quảng Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong quá trình chuyển đổi số. Là người trực tiếp gắn bó và chỉ đạo công tác này ở địa phương, ông có thể chia sẻ với bạn đọc của VietTimes về những thành công trong chuyển đổi số của Quảng Nam?

Ông Hồ Quang Bửu: Trước hết phải nói rằng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ và toàn diện trên các lĩnh vực.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/4/2021 về chuyển đổi số ở địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở để UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch triển khai hoạt động chuyển đổi số.

Để tạo nền tảng hình thành Chính quyền số, Quảng Nam đã tập đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành đồng bộ các ứng dụng dùng chung: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp Qoffice, hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số….,

Quảng Nam đã cung cấp được 1.453 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, có 1.411 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Địa phương cũng đã tích hợp 1.366 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đạt 94%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến năm 2022 đạt 51,16%, quý I/2023 đạt 71%.

Địa phương cũng thí điểm hệ thống Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh cấp tỉnh và 11 huyện; triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh cũng như các ứng dụng phục vụ người dân, như Smart Quảng Nam, 1022 Quảng Nam… giúp người dân dễ dàng tiếp cận và tương tác với các thông tin, dịch vụ tiện ích của chính quyền.

Về hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin trên địa bàn ngày càng được nâng cấp, hệ thống mạng LAN, máy tính, hội nghị truyền hình trực tuyến, camera giám sát được đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã…

Quảng Nam đã đưa phần mềm quản lý vào hầu hết các cơ sở y tế, giáo dục và quản lý hồ sơ đất đai bằng hồ sơ điện tử và kết nối dữ liệu liên thông điện tử với Cổng dịch vụ công tỉnh, liên thông với cơ quan thuế...

Trung tâm IOC Quảng Nam

Trung tâm IOC Quảng Nam

Đặc biệt, Quảng Nam đã có 900 tổ công nghệ cộng đồng với gần 4.000 thành viên, để hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng thông minh, dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt và tương tác với các sàn thương mại điện tử.

Những kết quả bước đầu trong chuyển đổi số sẽ tạo tiền đề cho việc xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản lý Nhà nước và cải cách hành chính, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân.

- Ông có thể chia sẻ những "bí quyết" đã đưa Quảng Nam đến những kết quả này?

Ông Hồ Quang Bửu: Trước tiên, là nhờ nhận thức của lãnh đạo tỉnh trong việc xem chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là yêu cầu bắt buộc và xu thế này đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng.

Tỉnh đã nhận thức sâu sắc rằng chuyển đổi số sẽ giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước và xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã quan tâm và có tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số, đồng thời, cam kết đưa Quảng Nam trở thành một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, địa phương đã áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, blockchain và IoT, để tăng cường quản lý và giám sát các dịch vụ công cộng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời, thu hút các doanh nghiệp công nghệ. UBND tỉnh cũng tích cực đào tạo và tập huấn kỹ năng số cho cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn.

- Ông nghĩ gì trước nhận định rằng, chính sách là yếu tố then chốt tạo động lực cho các đơn vị khi triển khai chuyển đổi số?

Ông Hồ Quang Bửu: Tôi đồng ý với quan điểm này! Chính sách vẫn là yếu tố then chốt tạo động lực cho chuyển đổi số. Chính sách giúp tạo ra môi trường thuận lợi để các đơn vị triển khai và cung cấp các nguồn lực, hỗ trợ cần thiết, đảm bảo thành công cho các dự án chuyển đổi số.

Chính sách có thể bao gồm các chương trình hỗ trợ tài chính, khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và các chính sách về đổi mới và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đồng thời, định hướng cho những ưu tiên và mục tiêu trong chuyển đổi số, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ở quy mô địa phương lẫn quốc gia.

Tuy nhiên, chính sách không phải là yếu tố duy nhất tạo động lực cho chuyển đổi số. Bởi, tầm nhìn của lãnh đạo, nguồn nhân lực, sự đồng thuận của các đối tác và sự hỗ trợ của cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số.

Quảng Nam tập huấn chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn

Quảng Nam tập huấn chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn

Do đó, cần kết hợp giữa chính sách với các yếu tố khác để tạo ra môi trường thuận lợi và đạt được kết quả tốt nhất khi triển khai chuyển đổi số.

- Ở một số địa phương, hoạt động chuyển đổi số ở tổ công nghệ số cộng đồng đang gặp nhiều khó khăn. Còn ở Quảng Nam thì sao, thưa ông?

Ông Hồ Quang Bửu: Quảng Nam xác định chuyển đổi số là mục tiêu hàng đầu và chuyển đổi số cấp xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai đầu tiên. Trong đó, tổ công nghệ số cộng đồng là "cánh tay đắc lực" của chuyển đổi số cấp xã.

Hiện nay, tổ công nghệ số cộng đồng tại Quảng Nam đang triển khai nhiều hoạt động: Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Trung ương và tỉnh về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, các chương trình nâng cao nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số cho người dân; hướng dẫn và hỗ trợ cho người dân tạo tài khoản điện tử, chữ ký số…

Có thể nói rằng, tổ công nghệ số cộng đồng tại Quảng Nam đang làm được nhiều việc và đã có những thành công nhất định.

Chuyển đổi số gắn với trách nhiệm người đứng đầu

- Quảng Nam đang đặt ra mục tiêu gì cho tiến trình chuyển đổi số của địa phương trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Hồ Quang Bửu: Mục tiêu của địa phương là đến năm 2030 sẽ chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên toàn tỉnh, đưa Quảng Nam vào nhóm các tỉnh, TP thực hiện chuyển đổi số tốt.

Bên cạnh đó, Quảng Nam sẽ hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ sản xuất, kinh doanh, cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân; tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ; khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

- Ông có thể chia sẻ những biện pháp mà Quảng Nam sẽ thực hiện, nhằm đạt được mục tiêu đó, thưa ông?

Ông Hồ Quang Bửu: Quảng Nam đang tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số với việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong đơn vị, địa bàn; đi đầu trong chuyển đổi số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương, đơn vị.

Thực hiện đồng bộ chuyển đổi số từ trên xuống và từ dưới lên. Mỗi huyện, thị xã, thành phố chủ động lựa chọn một đơn vị cấp xã để thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân.

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chương trình kế hoạch về chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, phù hợp.

Đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; phát triển hệ thống nền tảng, hạ tầng, mạng lưới gắn với bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Phát triển hạ tầng chính quyền số phục vụ cơ quan nhà nước trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet, trung tâm dữ liệu của cơ quan nhà nước để phục vụ kết nối liên thông, xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tập trung xây dựng hệ thống giao thông thông minh, hệ thống giám sát an ninh thông minh, số hóa lĩnh vực tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục...

Giao diện ứng dụng Smart Quangnam

Giao diện ứng dụng Smart Quangnam

Đặc biệt, địa phương sẽ thúc đẩy kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế của tỉnh.

Quảng Nam cũn sẽ triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại các doanh nghiệp.

Từng bước hình thành văn hóa số, chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số để phát triển xã hội số và "không ai bị bỏ lại phía sau".

- Với các mục tiêu Quảng Nam đã đặt ra trong Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, liệu Quảng Nam có chạm ngưỡng chính quyền số hay không, thưa ông?

Ông Hồ Quang Bửu: Chuyển đổi số là một quá trình liên tục và không có giới hạn. Tuy nhiên, với những kết quả mà Quảng Nam đã đạt được, có thể thấy rằng, tỉnh đang tiến tới một chính quyền số thông minh và hiện đại.

Quảng Nam đã đặt ra mục tiêu rõ ràng về chuyển đổi số trong Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh. Đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, cải thiện chất lượng dịch vụ công, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quảng Nam đã triển khai nhiều dự án ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính công, cải thiện dịch vụ công, xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông và hạ tầng mạng, phát triển các sản phẩm công nghệ và dịch vụ số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Các kết quả này cho thấy sự phát triển của Quảng Nam trong chuyển đổi số, là cơ sở để địa phương tiến tới một chính quyền số thông minh và hiện đại.

- Là người chỉ đạo trực tiếp công tác chuyển đổi số ở địa phương, ông đánh giá thế nào về kết quả chuyển đổi số mà Quảng Nam đã đạt được? Kết quả đó đã thể hiện đúng tiềm lực của địa phương hay chưa, thưa ông?

Ông Hồ Quang Bửu: Quảng Nam đã có những bước tiến đáng kể trong chuyển đổi số. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân ở Quảng Nam.

Chuyển đổi số là một quá trình kéo dài và phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư, nỗ lực và cam kết lâu dài từ nhiều phía. Vì vậy, đánh giá thành công của chuyển đổi số không chỉ dựa trên một chỉ số, hay một thời điểm cụ thể, mà cần được đánh giá đa chiều, từ đó đưa ra phương hướng và giải pháp để phát triển chuyển đổi số trong tương lai.

Quảng Nam đã có những bước tiến đáng kể trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục nỗ lực và cam kết để phát triển chuyển đổi số một cách bền vững và hiệu quả.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!