5 năm qua, thể chế kinh tế đổi mới những gì?

Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ 12 nhận định: “Nhà nước còn can thiệp trực tiếp quá lớn trong nền kinh tế”.
5 năm qua, thể chế kinh tế đổi mới những gì?

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này - theo Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, TS. Trần Du Lịch - vẫn là chậm đổi mới nhận thức về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Sự hoàn thiện mang tính hệ thống

5 năm trước, đúng ngày khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 11, ông Lịch có bài viết “Đổi mới thể chế kinh tế: Tốn kém ít, hiệu quả cao”, ông nhìn nhận: “Thực tiễn quá trình đổi mới thể chế kinh tế của nước ta đã minh chứng rằng: một thể chế kinh tế phù hợp sẽ trở thành lực lượng vật chất để thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc dân”. Đến nay kết quả cải cách thể chế kinh tế vẫn đang là vấn đề còn những đánh giá khác nhau. Theo ông, kết quả nổi bật nhất của cải cách thể chế kinh tế 5 năm qua là gì?


Tôi nghĩ rằng việc có những ý kiến đánh giá khác nhau về kết quả cải cách thế chế kinh tế cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, tôi cho rằng những nội dung cải cách thể chế kinh tế vừa qua đã gắn liền với sự đổi mới nhận thức về đặc điểm và  sự vận hành của kinh tế thị trường; nhận thức về vai trò của các thành phần kinh tế, vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam. 

Việc thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược trong 5 năm qua là hoàn thiện thể chế kinh tế đã có nhiều nội dung đổi mới khá mạnh mẽ. Với sự ra đời của Hiến pháp 2013, ban hành nhiều bộ luật và đạo luật nhằm cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Hàng hải, Luật Doanh nghiệp, Luật Dầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Phá sản, Luật Kế toán, Luật Thống kê… 

Nhìn chung trong 5 năm qua, sự hoàn thiện hệ thống pháp luật mang tính hệ thống, và liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Sự đổi mới hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh tế đều hướng đến hai mục tiêu: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước và hội nhập với khu vực và thế giới. 

Tuy nhiên, nếu chỉ cải cách thể chế kinh tế, mà chậm cải cách nền hành chính công và tài chính công thì tác dụng của cải cách thể chế kinh tế sẽ bị hạn chế.

Theo tôi, hai lĩnh vực sau chưa cải cách đồng bộ và đang là vấn đề cần được quan tâm trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

5 năm trước, ông từng nhận định hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế chưa cao là do sự can thiệp của Nhà nước ở nhiều cấp chính quyền khác nhau không phù hợp với sự vận động của thị trường, nhưng mặt khác Nhà nước lại thiếu công cụ để giám sát chế tài để bảo đảm các chủ thể  tham gia các quan hệ  thị trường, tuân thủ “luật chơi” đã đề ra. Nay dự thảo văn kiện trình Đại hội 12 vẫn nói: “Nhà nước còn can thiệp trực tiếp quá lớn trong nền kinh tế”. Vậy theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là gì, có thể khắc phục được không, và bằng cách nào?


Tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa vẫn là chậm đổi mới nhận thức về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Trong điều kiện lực lượng doanh nghiệp khu vực tư nhân còn non yếu, trước sức ép hội nhập cạnh tranh gay gắt, Nhà nước còn phải đóng vai trò “bà đỡ” cho thị trường, chứ không làm thay thị trường. 

Gần đây Quốc hội đã ban hành một số đạo luật theo hướng này như Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… sẽ ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong năm 2016…

Nhà nước cũng đang giảm dần những “bao cấp” trong quan hệ dân sự thông qua việc ban hành  Bộ luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các chế định như công chứng tư; thi hành án dân sự; thừa phát lại… qua đó ngày càng làm rõ hơn vai trò của Nhà nước, không chỉ trong quan hệ kinh tế mà cả trong quan hệ dân sự.

Tách quản lý Nhà nước khỏi sản xuất kinh doanh


Trong nhiệm kỳ qua, khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã gây không ít tranh luận. Dự thảo văn kiện trình Đại hội 12 nói: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế trong đó kinh tế Nhà nước là chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”, ông có bình luận gì về vấn đề này?


Thật ra tôi không có bình luận gì, chỉ nói rõ hơn là những nội dung nêu trên cơ bản đã chế định tại điều 51 và 52 Hiến pháp 2013, nên đã là những nội dung mang tính hiến định.

Mặt khác nội dung trên còn có điểm mới tích cực về vai trò “động lực quan trọng” của khu vực kinh tế tư nhân.

Nếu hiểu kinh tế Nhà nước bao gồm cả tài nguyên ngân sách Nhà nước; các nguồn dự trữ quốc gia, dự trữ ngoại hối, cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư… và doanh nghiệp Nhà nước, thì hoàn toàn khác với doanh nghiệp Nhà nước. 
 
Theo quy định tại điều 4, khoản 8 Luật Doanh nghiệp (2014) thì doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, thì loại hình này chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu các thành phần kinh tế, nhất là thực hiện tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước như mục tiêu đề ra. 

Chúng ta cũng đang thực hiện nguyên tắc: công dân được quyền đầu tư kinh doanh những gì luật không cấm (theo Luật Đầu tư), còn Nhà nước chỉ được đầu tư thành lập doanh nghiệp Nhà nước ở những lĩnh vực luật cho phép (điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp).
 
Sự đổi mới thể chế kinh tế, tuy còn phải tiếp tục mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa, nhưng đang phát triển theo hướng tích cực.
 
Quốc hội đã sửa đổi và ban hành rất nhiều luật mới liên quan đến thể chế kinh tế, nhưng đến nay dự thảo văn kiện Đại hội 12 vẫn phải đặt vấn đề thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước. Phải chăng đây là vấn đề quá khó hay vướng mắc ở chỗ nào mà không thể tháo gỡ suốt 5 năm qua, thưa ông?


Vấn đề đặt ra hàng chục năm nay là phải tách quản lý Nhà nước ra khỏi sản xuất kinh doanh, không để các cơ quan công quyền từ trung ương đến địa phương “làm chủ quản doanh nghiệp”. 

Nói cụ thể là không để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trực thuộc bộ, ngành hay chính quyền địa phương.

Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn hàng ngàn doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần với tư cách là cổ đông. Vậy ai là người đại diện chủ sở hữu?

Việc tìm kiếm mô hình quản lý phù hợp, để tránh tình trạng “Nhà nước vừa đá bóng vừa thổi còi” đã đặt ra từ nhiều năm qua. 

Ngay trong Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp vẫn chưa minh thị “cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước” là cơ quan nào, mà quy định chung về quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (điều 7 của luật). 

Do đó, nếu thành lập một cơ quan chuyên trách trực thuộc Chính phủ để đại diện chủ sở hữu Nhà nước, còn các bộ, ngành chỉ thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước, thì hoàn toàn phù hợp với luật hiện hành. 

Theo VnEconomy