Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về triển vọng kinh tế. Theo đó, kinh tế Việt Nam đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động của môi trường kinh tế bên ngoài và có khả năng sẽ đạt tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.
Tăng trưởng chủ yếu sẽ chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp chế tạo và xây dựng. Lạm phát được dự báo vẫn ở mức thấp, vì vậy ít xảy ra khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thắt chặt chính sách tiền tệtrong kỳ ngắn hạn.
Ít khả năng Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ
Tuy nhiên, WB cho rằng mức lạm phát thấp hiện nay nhờ giá năng lượng và lương thực toàn cầu được dự báo sẽ tăng trở lại trong trung hạn. Cán cân thương mại dự kiến sẽ thu hẹp mạnh trong năm nay do xuất khẩu giảm đà, đồng thời với hoạt động kinh tế trong nước tăng dẫn tới tăng nhập khẩu.
Cùng với đó, dòng kiều hối ổn định sẽ góp phần duy trì thặng dư của tài khoản vãng lai, nhưng ở mức thấp hơn nhiều so với các năm trước. Bội chi ngân sách sẽ được điều chỉnh dần bởi các biện pháp thắt chặt nhằm tránh tăng nợ công.
Nhận định về kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng cầu nội địa đã mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì. Do đó, lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam.
“Đây là thời điểm thích hợp để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm khoảng đệm chính sách thông qua những nỗ lực kiên quyết, để giải quyết những vấn đề bất cập còn tồn tại” – Bà Victoria Kwakwa nói.
Theo báo cáo của WB, điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn đã giúp duy trì ổn định hệ thống ngân hàng. Về ngoại thương, kết quả xuất khẩu của Việt Nam vẫn được duy trì, cụ thể tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm tăng 9,2% so với cùng kì năm ngoái, chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo, nhất là các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại, điện tử và máy tính.
Tiếp đà tăng trưởng và lạm phát thấp
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam, WB cũng nhận định, triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam được đánh giá là tích cực, tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,6%. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro bất lợi.
Liên quan đến Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), WB cho rằng, TPP được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho Việt Nam. Theo chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Hiệp định TPP mới hoàn tất gần đây sẽ không chỉ cải thiện việc tiếp cận thị trường của doanh nghiệp, mà còn là một nhân tố quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của các cải cách cơ cấu tại Việt Nam.
Ngoài ra, là thành viên có mức thu nhập GDP/đầu người thấp nhất trong TPP, Việt Nam có những lợi thế so sánh đặc biệt mà các thành viên khác không có, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhiều lao động. Các kết quả mô phỏng cho thấy trong vòng 20 năm tới TPP sẽ đóng góp thêm 8% GDP của Việt Nam, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% năng lực sản xuất. Mặc dù sẽ có nhiều thách thức, nhưng tác động chung của TPP đối với Việt Nam là tích cực.
Tuy nhiên, việc thực hiện hiệp định này là vấn đề "không đơn giản". Bởi vì, TPP có thể gây tác động từ bên ngoài lên quá trình tái cơ cấu. Hiệp ước này không chỉ xoá bỏ các rào cản thương mại, tăng cường tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn mà còn tác động rõ nét lên chất lượng luật pháp, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư, cạnh tranh, quản lý doanh nghiệp nhà nước...
Do đó, muốn tận dụng tối đa những cơ hội do TPP mang lại thì việc thực hiện cam kết phải đi cùng với tăng cường năng lực cạnh tranh.
Theo Trí thức trẻ