Việc sử dụng các tên lửa trên mặt đất để đánh chặn các máy bay và bảo vệ vùng trời là một hiện tượng tương đối mới. Được khám phá trước tiên bởi Đức phát xít trong Thế chiến II, tất cả các cường quốc lớn đã nhanh chóng chạy đua để phát triển chúng trong thời kỳ sau chiến tranh. Lần đầu tiên một tên lửa đất đối không hạ được mục tiêu bay được ghi nhận vào năm 1959.
Kích thước và quy mô của các hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) khiến cho các hệ SAM lắp trên xe chỉ được trang bị cho các quân đội chính quy, có nghĩa là việc sử dụng chúng bị hạn chế trong khuôn khổ các cuộc chiến tranh quy ước. Kết quả là, SAM được sử dụng thường là không thường xuyên, ngoại trừ các cuộc chiến tranh Arab-Israel, chiến tranh Việt Nam và các cuộc xung đột khác với sự tham gia của các lực lượng quy ước ở cả hai phía.
Sự nổi lên của các hệ thống phòng không mang vác (MANPADS), phóng từ vai, có khả năng đánh chặn máy bay bay thấp đã mở rộng sử dụng chúng tới các lực lượng du kích, khủng bố và các đối tượng phi nhà nước khác. Các loại tên lửa dễ che giấu, di động cao đã được sử dụng để chống các máy bay cả quân sự và dân sự, cả trong thời chiến và thời bình. Sự phổ biến MANPADS đang ngày càng đáng lo ngại vì tình hình bất ổn ở Syria và Libya khiến hai nước này mất kiểm soát đối với các kho tên lửa của họ.
Có hai cách cho phép chúng ta đo lường uy lực sát thương tổng thể của tên lửa phòng không: theo số lượng máy bay thực sự bị bắn hạ và hiệu quả ước lượng. Ở đây, chúng ta sẽ sử dụng cả hai tiêu chí này. Nhờ những tiến bộ về điện tử, các tên lửa luôn có hiệu quả hơn và có thể phòng thủ chống lại các mối đe dọa đường không khác nhau, vì vậy thật dễ dàng lên danh sách các hệ thống SAM tối tân nhất và tốt nhất (về mặt lý thuyết). Tuy nhiên, chúng ta sẽ bỏ qua một số loại tên lửa cũ hơn từng chứng tỏ hiệu quả trong quá khứ.
SA-75 Dvina (NATO gọi là SA-2 Guideline) - Liên Xô
Được đề cập đến đầu tiên trong danh sách này không phải là loại tên lửa hiện đại nhất, nhưng có tuổi thọ dài nhất. Được thiết kế vào năm 1953, tên lửa đất đối không SA-75 Dvina tên lửa đã hoạt động liên tục trên toàn thế giới trong hơn 50 năm.
Ban đầu là hệ thống phòng không tĩnh tại dùng để đối phó các máy bay ném bom bay ở tốc độ cao và độ cao lớn của Mỹ, SA-2 là trụ cột của Binh chủng Bộ đội Phòng không Liên Xô. Là tên lửa dài, 2 tầng, dẫn bằng radar, SA-2 sử dụng radar cảnh báo sớm P-12 (NATO gọi là Spoon Rest) và radar điều khiển tên lửa RSN-75 Fan Song. Năm 1959, S-75 Desna, biến thể cơ động đã được đưa vào hoạt động và một biến thể cải tiến là S-75M Volkhov đã được triển khai vào năm 1961. Volkhov có thể chặn đánh các mục tiêu ở cự ly 7-43 km và ở độ cao 98.000 bộ (ft).
SA-2 được Liên Xô xuất khẩu, trang bị cho các quốc gia tiền đồn của khối XHCN, từ Cuba tới Mông Cổ. SA-2 đã tham gia cuộc chiến tranh sáu ngày, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Yom Kippur, chiến tranh Iran-Iraq, chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, nội chiến Nam Tư và chiến tranh ở Abkhazia. SA-2 đã là tên lửa phòng không lập thành tích tiêu diệt mục tiêu bay đầu tiên khi bắn hạ một máy bay trinh sát RB-57D của Đài Loan trên không phận Trung Quốc vào năm 1959. Một loạt 3 quả đạn SA-2 đã bắn hạ phi công Francis Gary Powers cùng chiếc máy bay gián điệp U-2 của CIA trên bầu trời thành phố Sverdlovsk, Nga vào năm 1960.
SA-2 cấu thành nòng cốt của hệ thống phòng không tầm cao và trung bình của Bắc Việt, nơi nó được các phi công Mỹ đặt biệt danh là “cột điện thoại bay”. Bắc Việt cho biết đã thực hiện số lần phóng tên lửa SA-2 đáng kinh ngạc là 5.800 và bắn rơi tổng cộng 205 máy bay Mỹ (con số này chắc đã được cố tình giảm đi - ND). Năm 1965, SA-2 đã đạt thành tích cứ 15 lần phóng đạn thì bắn hạ 1 máy bay; năm 1972, do Mỹ áp dụng chiến thuật mới, chiến tranh điện tử và các hệ thống phòng về, hiệu suất này đã kém đi với cứ 50 lần phóng đạn thì tiêu diệt 1 máy bay Mỹ.
SA-2 hiện vẫn còn phục vụ trong quân đội 20 nước, thường xuyên được hiện đại hóa để kéo dài tuổi thọ. Lần hạ mục tiêu gần đây nhất của hệ thống SA-2 được cho là vào năm 1993 khi bắn hạ 1 chiếc Su-27 Flanker của Nga trong chiến tranh Abkhazia. Sự thống trị nửa thế kỷ về tính hiệu quả trên chiến trường hiện đại không có nghĩa là thành tích quá khó.
9K32 Strela (NATO gọi là SA-7 Grail) - Liên Xô
SA-7 Grail là một thứ AK-47 trong các tên lửa phòng không: rẻ tiền, nhẹ và dễ lọt vào tay kẻ xấu. Là thế hệ MANPADS đầu tiên của Liên Xô, SA-7 là tên lửa có trọng lượng 21 bảng để trong một ống phóng dài. Có tốc độ siêu âm, SA-7 có khả năng đạt tốc độ tối đa 1.260 dặm/h và tầm bắn 14.750 bộ.
SA-7 được thiết kế để phòng không chống máy bay tấn công bay thấp của NATO. Nó đã được trang bị rộng rãi cho các đơn vị tuyến trước của quân đội Liên Xô: các đại đội bộ binh cơ giới, đổ bộ đường không, bộ binh hải quân và công binh đều được trang bị 1 khẩu đội SA-7. Một máy bay NATO bay trên một tiểu đoàn của Liên Xô sẽ vượt qua con đường với 3 khẩu đội SA-7.
Việc triển khai SA-7 với mật độ cao như thế trên chiến trường là cần thiết vì giống như tất cả các loại MANPADS thế hệ 1, SA-7 còn tương đối thô sơ. Quân đội Ai Cập trong cuộc chiến tranh tiêu hao vào năm 1969-1970 đã bắn hạ 36 mục tiêu trong 99 lần phóng SA-7, trong đó có thể là lần đầu tiên MANPADS bắn hạ một máy bay trong lịch sử là chiếc A-4 Skyhawk của Israel. SA-7 có đầu đạn nhỏ, có nghĩa là hầu hết các máy bay bị bắn trúng chỉ bị hư hại, chứ không bị rơi, và công tác huấn luyện xạ thủ, cũng như những cải tiến về máy bay đã làm giảm mạnh hiệu quả của SA-7 trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973.
Giống như các MANPADS thế hệ 1 khác, một nhược điểm lớn của SA-7 là hệ dẫn hồng ngoại cần để khóa vào luồng phụt nóng của động cơ máy bay. SA-7 chỉ có khả năng khóa vào đuôi máy bay khi nó đã ở trạng thái bay thoát ly khỏi chiến trường (bắn đuổi), sau khi nó đã xài hết số vũ khí mang theo. Các tay súng Hồi giáo mujahedeen Afghanistan chiến đấu chống quân đội Liên Xô trong những năm 1980 không thích SA-7 vì cho rằng, tên lửa này thường bay lạc về phía mặt trời hơn là khóa vào luồng phụt của máy bay phản lực hoặc trực thăng.
Ngoài các lực lượng quân đội chính quy, SA-7 còn được sử dụng bởi các nhóm khủng bố và nổi dậy trên toàn thế giới, từ Syria đến Bắc Ireland và Tây Ban Nha. Các nhóm phiến quân ở Syria được cho là được trang bị SA-7 chiếm giữ được từ tay quân đội chính phủ, và ít nhất một quả đã được phóng vào một trực thăng của Israel trên Dải Gaza vào năm 2012. Trong cuộc chiến tranh ở Nam Rhodesia, 2 máy bay của hãng hàng không Air Rhodesia đã bị bắn hạ bởi SA-7 của quân nổi dậy.
2K12 Kub (NATO gọi là SA-6 Gainful) - Liên Xô
Là hệ thống tên lửa cựu binh trải qua các cuộc xung đột ở châu Âu, châu Phi và Trung Đông, SA-6 Gainful trở nên nổi tiếng trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973. SA-6 là tên lửa dẫn bằng radar lắn trên bệ phóng bánh xích. SA-6 có phạm vi đánh chặn khá lớn đối với một tên lửa được thiết kế vào cuối thập kỷ 1950, có khả năng đánh chặn máy bay ở tầm 2,5-15 dặm và ở độ cao từ 164-45.000 bộ.
SA-6 trở nên khét tiếng trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973, khi Ai Cập chiếm lại bán đảo Sinai. Quân đội Ai Cập đã có tới 32 đại đội SA-6 và sử dụng chúng để bảo vệ cuộc tiến quân của các tập đoàn quân số 2 và 3 của Ai Cập. Là một hệ thống mới mà phương Tây chưa từng gặp phải, bức xạ radar của SA-6 đã không bị các radar cảnh báo của Không quân Israel phát hiện.
Bị bất ngờ với cuộc tấn công bất thình lình của quân đội các nước Arab, Không quân Israel đã không thể chế áp các hệ thống phòng không đối phương trước khi tham chiến. Trong 3 ngày đầu của cuộc chiến, Không quân Israel đã tổn thất gần 50 máy bay, hầu hết là bởi tên lửa SA-6. SA-6 đã có hiệu quả cao đến nỗi, vào ngày thứ ba của cuộc chiến, Tư lệnh Không quân Israel đã hạ lệnh cho các máy bay dưới quyền tránh xa kênh đào Suez, trừ khi thật cần thiết.
Không quân Israel đã đảm nhận vai trò “lực lượng pháo binh bay” cho Lục quân Israel, và SA-6 trong nhiều trường hợp đã khiến cho các đơn vị mặt đất của Israel mất đi sự yểm trợ của không quân. SA-6 tiếp tục là một mối đe dọa cho đến khi các hệ thống phòng không Ai Cập bị đánh sập bởi cuộc tấn công kết hợp của không quân và phản công của Israel. Đến cuối chiến tranh, Không quân Israel đã mất khoảng 40 chiếc F-4 Phantom và A-4 Skyhawk vì SA-6 (không kể các loại tên lửa khác hay pháo phòng không), tức là khoảng 14% số máy bay F-4 và A-6 của Không quân Israel.
SA-6 đã phục vụ trong quân đội gần 30 nước và và vẫn tiếp tục được sử dụng trong quân đội 22 quốc gia. Sự đe dọa của SA-6 đối với máy bay phương Tây đã giảm đáng kể sau khi những quả tên lửa bị Israel chiếm được và phân tích, tìm ra biện pháp đối phó với chúng. SA-6 đã bắn rơi 2 chiếc F-16 Viper của Mỹ, 1 chiếc trên bầu trời Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và 1 chiếc ở Bosnia vào năm 1995. Lần diệt mục tiêu mới nhất của SA-6 là trong sự cố bắn nhầm tại Ba Lan vào năm 2003, khi một đại đội tên lửa SA-6 của Ba Lan vô tình bắn rơi một máy bay tấn công phản lực Su-22 Fitter của Không quân Ba Lan trong quá trình tập trận.
FIM-92 Stinger (Mỹ)
Stinger là tên lửa điển hình của MANPADS thế hệ 2. Stinger đã làm nên tên tuổi ở vùng núi Afghanistan, nơi nó thể hiện hiệu quả tác chiến cao chống trực thăng và máy bay của Liên Xô, và việc sử dụng nó có thể đã rút ngắn cuộc chiến tranh này.
Giống như SA-7, Stinger được thiết kế cho các lực lượng mặt đất của Mỹ để tự bảo vệ chống lại máy bay tấn công mặt đất của đối phương. Khác với SA-7, Stinger có khả năng đánh chặn mọi góc độ, có nghĩa là, nó có thể phát hiện và phóng đạn chống máy bay ở mọi góc độ, không chỉ từ phía sau (bắn đuổi). Điều này cuối cùng đã mang lại cho các khẩu đội phòng không Mỹ khả năng bắn hạ máy bay địch trước khi nó thực hiện cơ động vào tấn công, hoặc buộc máy bay đối phương hủy bỏ thao tác vào tấn công.
Các biến thể mới hơn của Stinger được trang bị đầu tìm hai chế độ làm việc trên hai dải hồng ngoại và cực tím. Các biện pháp đối phó hồng ngoại như pháo sáng trước đây có hiệu quả gây nhiễu đối với tên lửa lắp đầu tìm hồng ngoại, nhưng nay thì vô tác dụng đối với dải sóng cực tím. Stinger có đầu đạn lớn hơn các tên lửa thế hệ MANPADS thế hệ 1, giúp nó có nhiều cơ hội thực sự bắn rơi máy bay chiến thuật thay vì chỉ làm chúng bị thương.
Mỹ bắt đầu bí mật cung cấp cho phiến quân Afghanistan tên lửa Stinger từ năm 1986. Năm trăm bệ phóng mang vác và 1.000 quả tên lửa đã chuyển giao như cho “kẹo” cho lực lượng mujahedeen, và nạn nhân đầu tiên của Stinger được cho là chiếc trực thăng Mi-8MT Hip hoạt động ở Jalalabad bị bắn rơi ngày 25/9/1986. Liên Xô đã mất gần 270 máy bay từ năm 1986-1989.
Những thông tin về hiệu quả của Stinger ước tính từ khoảng 4-70%. Dẫu sao thì Không quân Liên Xô đã phải thay đổi chiến thuật và Lục quân đội Liên Xô thường bị mất đi sự yểm trợ đường không tầm gần và bị hạn chế về khả năng tiến hành các hoạt động sử dụng trực thăng.
MIM-104 Patriot (Mỹ)
Là một trong những loaij tên lửa nổi tiếng nhất thế giới, tên lửa Patriot của quân đội Mỹ đã nổi danh trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, khi nó được sử dụng để bảo vệ các lực lượng liên quân và các khu dân cư của Israel chống lại các tên lửa Scud của Saddam Hussein. Mặc dù khi đó được ca ngợi như một thành công lớn, tỷ lệ thành công thực sự của Patriot được cho là chỉ ở trong phạm vi một con số.
Kể từ đó, Patriot đã được nâng cấp gần như liên tục và kết quả là một hệ thống tên lửa hiện đại có khả năng chặn đánh các mục tiêu bay theo các biên dạng bay rất khác nhau. Được thiết kế từ đầu chỉ để chống máy bay, nay Patriot có thêm khả năng chặn đánh trực thăng, tên lửa hành trình, tên lửa đường đạn và máy bay không người lái. Khi tác chiến chống tên lửa đường đạn, Patriot dùng để đánh chặn đầu đạn tên lửa ở giai đoạn bay cuối.
Việc phát triển Patriot đã phân thành hai loại tên lửa. Một đại đội Patriot có thể sử dụng cả 2 loại tên lửa để đối phó được nhiều mối đe dọa. PAC-2/GEM có khả năng bắn hạ máy bay, tên lửa hành trình và ở một mức độ thấp hơn là tên lửa đường đạn chiến thuật. Mỗi bệ phóng được lắp 4 tên lửa này. PAC-2/GEM có tầm bắn 70 km và độ cao tác chiến tối đa là 84.000 bộ.
PAC-3 MSE được thiết kế chỉ để đánh chặn tên lửa đường đạn. PAC-3 MSE cũng có kích thước nhỏ hơn, nên một bệ phóng có thể lắp 12 quả tên lửa thay vì 4. Tên lửa này có tầm bắn 35 km và độ cao tác chiến tối đa là 112.000 bộ.
Patriot là sản phẩm của thập niên 1970-1980, thời kỳ mà khi phòng thủ tên lửa chiến trường chưa được bàn luận nghiêm túc, và được thiết kế hoàn toàn để đánh chặn máy bay. Theo thời gian, Patriot đã cho thấy khả năng thích nghi đáng kinh ngạc. Bất chấp những thất bại trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003, Patriot đã lập thành tích bắn hạ 9 quả tên lửa đường đạn chiến thuật của Iraq.
Theo VND