5 điểm đáng chú ý trong hội nghị trực tuyến Putin-Biden

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hội nghị trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ chủ yếu tập trung vào vấn đề Ukraine, bên cạnh các vấn đề về mối quan hệ giữa Washington và Moscow.
Lãnh đạo Nga và Mỹ tham gia hội nghị trực tuyến hôm 7/12 (Ảnh: NYTimes)
Lãnh đạo Nga và Mỹ tham gia hội nghị trực tuyến hôm 7/12 (Ảnh: NYTimes)

Hội nghị kéo dài 2 giờ đồng hồ diễn ra trong hôm 7/12 cũng bàn về vấn đề an ninh mạng và cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao đang diễn ra giữa Mỹ và Nga, đàm phán về kiểm soát vũ trang, và nỗ lực tái khởi động thỏa thuận hạt nhân Iran mà người tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden, ông Donald Trump, đã rút khỏi vào năm 2018.

Ông Biden nói về khả năng Nga “xâm lược” Ukraine

Trong hội nghị, Tổng thống Biden đã nêu quan ngại của Mỹ về cái mà họ cho là kế hoạch của Nga nhằm “xâm lược” Ukraine vào tháng 1/2022. Đây là cáo buộc mà các cơ quan tình báo Mỹ đưa ra và bị Moscow gọi là “tin giả”. Ông Biden đe dọa áp lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga nếu như “cuộc xâm lược” như vậy xảy ra. Tuy nhiên, trước khi cuộc họp diễn ra, phía Nhà Trắng nói rằng họ không tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra quyết định “xâm lược sâu hơn” Ukraine.

Tổng thống Putin yêu cầu sự đảm bảo từ NATO

Đáp lại, Tổng thống Putin nói rằng NATO đang có những động thái hung hăng đối với Nga, trong đó có nhiều động thái ở Ukraine, và thêm rằng Moscow muốn có được sự đảm bảo chắc chắn về mặt pháp lý rằng khối đồng minh do Mỹ dẫn đầu này sẽ không tiếp tục mở rộng về phía Đông, hay triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở bất kỳ quốc gia nào có chung biên giới với Nga, bao gồm cả Ukraine. Ông Putin cũng lên án chính sách “phá hoại” của chính phủ Kiev, nói rằng chính sách này nhằm mục đích phá hoại các hiệp ước hòa bình ở miền Đông Ukraine.

Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao

Lãnh đạo Nga đề xuất gỡ bỏ tất cả những hạn chế đối với hoạt động của các đại sứ quán và lãnh sự quán – được hai bên áp đặt để trừng phạt lẫn nhau trong 7 năm qua – và bình thường hóa các hoạt động ngoại giao. Mỹ đã khởi đầu bất đồng ngoại giao khi trục xuất các nhà ngoại giao Nga vào cuối năm 2016; và kể từ đó những hành động trả đũa qua lại đã dẫn đến việc hai nước đóng cửa nhiều lãnh sự quán, trong khi đại sứ quán ở hai nước không thể hoạt động hết công suất.

Nga, Mỹ chống hacker và mã độc

Trong khi Nhà Trắng nói rằng “mã độc” là cụm từ đã được nhắc đến trong hội nghị giữa hai nhà lãnh đạo, Điện Kremlin nói cả hai bên đều thể hiện sự sẵn sàng “tương tác” trong cuộc chiến chống tội phạm mạng, ở cả cấp độ kỹ thuật lẫn hành pháp. Những cáo buộc cho rằng “hacker Nga” dính líu tới những vụ tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng và chính trị gia Mỹ đã làm xấu đi quan hệ giữa hai nước kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Nga cáo buộc Mỹ “săn lùng” công dân Nga trên khắp thế giới vì cáo buộc họ tấn công mạng, trong khi lại cố tình phớt lờ các vụ tấn công mạng mà các nước “khách hàng” của Mỹ thực hiện.

Quan hệ đồng minh trong Thế chiến 2

Nhân kỷ niệm lần thứ 80 trận Trân Châu cảng, sự kiện khiến Mỹ tham gia Thế chiến 2, hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng những người đã ngã xuống vì chiến thắng lớn nên được nhớ đến. Họ cũng nhắc lại khối đồng minh giữa Washington và Moscow trong cuộc chiến đó, nói rằng nó nên được đem ra làm ví dụ cho quan hệ hợp tác trong thời điểm hiện nay.