Bước 1: Kiểm tra yêu cầu cần thiết
Trước khi bắt đầu, bạn cần đảm bảo máy Mac của mình đã cập nhật lên phiên bản MacOS mới nhất, trang bị phần cứng tương thích và bộ nhớ trống đủ để cài Windows 10. Bên dưới là danh sách những dòng máy Mac có thể chạy Windows 10.
Hiện nay, Boot Camp chưa hỗ trợ các dòng máy Mac dùng vi xử lý M1 Apple Silicon. Nói cách khác, chỉ người dùng máy Mac sử dụng chip Intel đời 2012-2015 trở lên có thể chạy Windows thông qua Boot Camp. Tuy nhiên, một số hãng thứ ba như Parallels đang phát triển phần mềm cho phép người dùng máy Mac M1 chạy Windows thông qua máy ảo.
Danh sách các dòng máy Mac hỗ trợ chạy Windows 10 qua Boot Camp. Ảnh: Apple. |
Bên cạnh đó, quá trình cài đặt Windows 10 trên một số máy Mac yêu cầu phải có USB dung lượng lưu trữ tối thiểu 16GB. Đa số dòng máy Mac ra mắt sau năm 2015 không cần USB để cài Windows, nhưng bạn cần cập nhật phiên bản MacOS 10.11 hoặc mới hơn.
Kế đến, máy Mac của bạn cần ít nhất 64 GB dung lượng trống để cài Windows (mặc dù Apple khuyến cáo nên có 128 GB để có trải nghiệm tốt nhất). Hãy nhớ rằng Boot Camp Assistant sẽ tạo ra phân vùng đặc biệt trên ổ đĩa chính của Mac dành riêng cho Windows 10 và các tệp liên quan. Điều đó có nghĩa MacBook Air với ổ SSD 128 GB không phải ứng viên lý tưởng.
Bạn có thể tham khảo danh sách yêu cầu của Apple cho từng dòng Mac khác nhau, chi tiết các phiên bản Boot Camp theo đường dẫn tại đây.
Bước 2: Tìm mua một bản sao Windows 10
Việc sở hữu Windows 10 cũng tương đối đơn giản. Bạn chỉ cần lướt Windows Store, chọn mua một bản “digital copy” rồi tải xuống.
Bạn tiếp tục tải công cụ này để tạo disk image Windows 10 trên USB dung lượng tối thiểu 16 GB đề cập phía trên. Ngoài ra, còn cách khác là đặt mua bản sao vật lý Windows 10 và đợi Microsoft gửi tới cho bạn.
Khi tải xuống, bạn nên lưu ý chọn định dạng ISO (tập tin này có sẵn kể cả khi bạn đã mua bản sao vật lý). Nguyên nhân bởi tùy chọn ổ đĩa flash thường tốn thời gian hơn và chỉ cần thiết, trừ khi bạn gặp vấn đề trong quá trình tải Windows 10.
Bước 3: Khởi động Boot Camp
Cửa sổ Utilities trên MacOS. Ảnh: Digital Trends. |
Sau khi chuẩn bị sẵn sàng USB hoặc DVD chứa Windows 10, bạn hãy khởi động Boot Camp Assistant bằng cách nhấn vào Go > Utilities trên thanh menu của Mac rồi mở Boot Camp Assistant từ danh sách.
Màn hình giới thiệu của Boot Camp Assistant. Ảnh: Digital Trends. |
Phần giới thiệu của Boot Camp Assistant sẽ cung cấp thông tin về ứng dụng và đề nghị bạn tạo bản sao lưu dữ liệu trước khi cài Windows. Hãy nhấn Continue để chuyển sang màn hình tiếp theo.
Bây giờ là lúc để cài đặt Windows 10. Bạn nhấn Choose để tìm tập tin ISO của Windows vừa tải xuống. Bạn cũng nên cân nhắc kỹ khi quyết định dung lượng phân vùng Windows trên ổ đĩa của Mac bởi dung lượng của nó không thể thay đổi sau khi quá trình này hoàn tất. Hãy nhớ rằng bạn cần tối thiểu 64 GB, trong khi Apple khuyến cáo là 128 GB.
Dung lượng phân vùng Windows không thể thay đổi sau khi cài đặt. Ảnh: Digital Trends. |
Cuối cùng, bạn nhấn Install và đợi Boot Camp tạo phân vùng mới và tải về các phần mềm hỗ trợ Windows.
Bước 4: Định dạng phân vùng Windows
Sau khi Boot Camp Assistant tạo phân vùng Windows thành công, ứng dụng sẽ yêu cầu bạn thiết lập mật khẩu quản trị viên. Kế đến, bạn cần khởi động lại máy Mac và tải Windows Installer. Hãy thực hiện lần lượt từng bước theo hướng dẫn trong quá trình cài đặt, nhập “Product Key” và chọn phiên bản Windows mong muốn.
Nếu được hỏi về nơi cài Windows, bạn chọn phân vùng BOOTCAMP rồi nhấn Format. Tuy nhiên, Apple cho biết phân vùng chính xác sẽ được chọn và định dạng tự động trong hầu hết trường hợp. Bên cạnh đó, bạn cần ngắt kết nối mọi thiết bị không cần thiết cho việc cài đặt như ổ cứng gắn ngoài, màn hình…
Bước 5: Cài đặt Windows và chọn ổ đĩa khởi động
Khi trình cài đặt Windows hoàn tất, máy Mac sẽ mở đồng thời Windows 10 và Boot Camp Assistant. Bạn nhấn Next > Install rồi đợi Boot Camp Assistant tải xuống và cài đặt phần mềm cần thiết cho Windows. Sau đó, hãy nhấn Finish để máy khởi động lại.
Màn hình để lựa chọn giữa Windows và MacOS. Ảnh: Apple. |
Bạn cũng nên kiểm tra phiên bản Windows của mình là mới nhất hay chưa bằng cách nhấn vào thanh tìm kiếm của Windows 10, nhập “Check for updates” rồi chọn kết quả đầu tiên. Trong cửa sổ Windows Updates, bạn tiếp tục nhấn Check for updates để cập nhật tất cả. Bước này rất quan trọng nhưng sẽ tốn thời gian đôi chút.
Mỗi khi bật máy, máy Mac của bạn sẽ mặc định khởi động MacOS. Nếu muốn chuyển sang Windows, bạn phải khởi động lại máy rồi nhấn và giữ phím Option (hoặc Alt trên một số dòng Mac). Hệ thống sẽ hiển thị màn hình cho phép chọn sử dụng MacOS hoặc Windows. Đến đây, bạn hãy lựa chọn phân vùng Windows rồi nhấn vào biểu tượng mũi tên bên dưới hoặc nhấn phím Return.
Cửa sổ thiết lập phân vùng khởi động mặc định. Ảnh: Digital Trends. |
Mặt khác, nếu bạn muốn máy Mac mặc định khởi động vào Windows, hãy thay đổi tùy chọn phân vùng mong muốn trong Startup Disk (bạn có thể tìm kiếm bằng Spotlight hoặc trong System Preferences).
Một số lưu ý quan trọng
Theo Apple, nhiều tính năng của Mac không thể hoạt động chính xác khi sử dụng phân vùng Windows, bao gồm thanh Touch Bar trên một số MacBook Pro đời mới.
Dù không phong phú như trên MacOS, Touch Bar vẫn thực hiện được một số tác vụ cơ bản gồm điều chỉnh độ sáng, âm lượng, trình phát nhạc và chuyển nhanh sang hàng phím F tiêu chuẩn với một thao tác chạm. Hơn nữa, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt rõ rệt về hiệu suất.
Touch Bar trên MacBook Pro cao cấp ra mắt sau năm 2016. Ảnh: CNET |
Giống iPhone (iOS) và iPad (iPadOS), Apple tối ưu hóa MacOS để hoạt động với một số cấu hình cụ thể, trong khi Windows phát triển để làm việc với vô số loại phần cứng khác nhau. Do đó, bàn di chuột của MacBook có thể kém nhạy hơn hoặc cảm biến TouchID bị vô hiệu hóa trên Windows 10.
Theo Digital Trends