Giới khoa học khẳng định virus corona lây qua không khí
Virus corona chủng mới đang tìm thêm những nạn nhân mới trên khắp toàn cầu, ở trong các quán bar và nhà hàng, văn phòng làm việc, các khu chợ và sòng bài…làm tăng thêm số ổ dịch mới, và đáng ngại hơn là diễn biến như trên đã xác nhận điều mà giới khoa học đã tuyên bố suốt nhiều tháng qua: Virus corona chủng mới có thể lây lan qua không khí trong phòng kín, lây nhiễm cho những người xung quanh.
Nếu như lây truyền qua không khí là một nhân tố khiến đại dịch COVID-19 thêm trầm trọng, đặc biệt là ở những nơi đông người và yếm khí, vậy thì nó có thể làm thay đổi mọi thứ: Người dân sẽ phải đeo khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà, hoặc ngay cả khi đã giãn cách xã hội. Các nhân viên y tế có thể cần phải trang bị khẩu trang N95 để bảo vệ mình khi chăm sóc người bệnh COVID-19. Các hệ thống lọc khí trong trường học, viện dưỡng lão, khu dân cư và doanh nghiệp cần phải hạn chế tuần hoàn khí và lắp thêm các bộ lọc mạnh mẽ hơn. Người ta có thể phải sử dụng cả tia cực tím để khử trùng các hạt chứa virus trong môi trường kín.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ lâu đã khẳng định rằng virus corona chủng mới chủ yếu lây lan qua các giọt khí thở lớn mà, một khi bắn ra từ người nhiễm bệnh (qua việc ho, hắt hơi), sẽ nhanh chóng rơi xuống đất hay các bề mặt.
Nhưng trong một bức thư mở gửi tới WHO mới đây, 239 nhà khoa học đến từ 32 quốc gia đã đưa ra bằng chứng cho thấy các hạt nhỏ cũng có thể khiến người ta nhiễm bệnh, đồng thời kêu gọi cơ quan này xem xét lại các khuyến nghị mà họ đưa ra. Các nhà nghiên cứu có kế hoạch đăng tải bức thư của họ trên một tạp chí khoa học trong tuần này.
Ngay cả trong đợt cập nhật gần đây nhất về virus corona chủng mới, công bố ngày 29/6 vừa qua, WHO nói rằng sự lây truyền qua không khí chỉ có thể diễn ra sau các quy trình y tế có thể sản sinh ra aerosol (khí dung) hoặc các giọt bắn có kích thước nhỏ hơn 5 micron (1 micron = 1/1 triệu m).
Bởi vậy, theo quan điểm của WHO, việc kiểm soát chặt hệ thống lọc khí và đeo khẩu trang đặc dụng N95 chỉ cần thiết trong các trường hợp nêu trên. Cùng lúc, cơ quan này đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của việc rửa tay như chiến lược chính của họ trong chặn dịch, mặc dù có rất ít bằng chứng cho thấy virus corona truyền nhiễm qua các bề mặt tiếp xúc. (CDC Mỹ giờ còn cho rằng việc tiếp xúc các bề mặt chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong sự lây lan của COVID-19).
Tiến sĩ Benedetta Allegranzi, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật kiểm soát dịch của WHO, thì cho rằng bằng chứng của việc virus corona chủng mới lây truyền qua không khí là không thuyết phục.
“Đặc biệt là trong vài tháng vừa qua, chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng, chúng tôi coi lây truyền qua không khí là có thể xảy ra nhưng chắc chắn luận điểm này không được ủng hộ bởi bằng chứng vững chắc và rõ ràng” – bà Allengranzi nói – “Vẫn còn nhiều tranh cãi về điều này”.
Tuy nhiên, các cuộc phỏng vấn với gần 20 nhà khoa học – trong đó có hàng chục cố vấn viên của WHO và nhiều thành viên của ủy ban chuyên soạn thảo hướng dẫn của cơ quan này – cùng các bức email nội bộ lại cho thấy dường như WHO mất đi sự đồng bộ với khoa học.
WHO quá thờ ơ trước bằng chứng khoa học?
Nhiều nhà khoa học cho rằng WHO đã phớt lờ một số bằng chứng cho thấy virus corona lây qua không khí (Ảnh: The Statesman)
|
Trong bức thư mở công bố mới đây, 239 nhà khoa học nói rằng, dù là thông qua các giọt bắn cỡ lớn sản sinh ra do người bệnh hắt hơi, hay qua các giọt bắn cỡ nhỏ có bay khắp phòng kín, thì virus corona chủng mới vẫn tồn tại trong không khí và có thể khiến người ta nhiễm bệnh khi hít phải.
Phần lớn các nhà khoa học này đều tỏ sự đồng cảm với WHO vì nguồn ngân sách đang bị thu hẹp, bị kẹt giữa mối quan hệ chính trị phức tạp giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ cũng ngợi khen WHO vì vẫn duy trì các cuộc họp báo thường nhật và không mệt mỏi khi phải tiếp nhận vô số câu hỏi về đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, họ cho rằng ủy ban kiểm soát và ngăn chặn dịch của WHO có quan điểm quá cứng nhắc trước các bằng chứng khoa học, phản ứng chậm và chậm cập nhật các văn bản hướng dẫn.
“Họ sẽ bảo vệ quan điểm của mình đến cùng” – New York Times dẫn lời một cố vấn giấu tên của WHO, nói.
“Tôi thực sự bối rối về vấn đề virus lây trong không khí và kích thước của các hạt” – Mary-Louise McLaws, một thành viên ủy ban và là chuyên gia bệnh dịch học tại ĐH New South Wales, Australia, nói - “Nếu chúng ta bắt đầu xem xét lại về vấn đề này, chúng ta sẽ phải chuẩn bị tinh thần thay đổi mọi thứ mà chúng ta đang làm”.
Tranh cãi giữa WHO và các nhóm khoa học gia
Việc virus corona lây qua không khí, nếu được xác nhận, có thể làm thay đổi các biện pháp phòng dịch hiện tại (Ảnh: Getty)
|
Hồi đầu tháng 4 năm nay, một nhóm gồm 36 chuyên gia về chất lượng không khí và aerosols đã kêu gọi WHO xem xét lại bằng chứng ngày càng rõ ràng về khả năng lây truyền qua không khí của virus corona chủng mới. WHO cuối cùng đã liên hệ với Lidia Morawska, trưởng nhóm chuyên gia và là một cố vấn lâu năm của WHO, để sắp xếp một cuộc họp.
Thế nhưng, cuộc họp đó bị áp đảo bởi một số chuyên gia ủng hộ mạnh mẽ chiến lược rửa tay để phòng dịch; theo một số người tham gia cuộc họp mà New York Times dẫn lời.
Tiến sĩ Morawska và một số chuyên gia khác đã dẫn ra một số vụ việc để chứng minh virus corona lây qua không khí, đặc biệt là trong những không gian kín, không khí ít lưu thông. Họ nói rằng WHO đã tạo ra sự phân biệt giữa các hạt khí dung nhỏ và các giọt bắn lớn, trong khi những người nhiễm COVID-19 sản sinh ra cả hai.
“Từ năm 1946, chúng ta đã đều biết rằng ho và nói chuyện đều sản sinh ra aerosols” – Lindsey Marr, một chuyên gia về truyền nhiễm qua không khí của virus tại trường ĐH Virginia Tech, nói.
Theo Tiến sĩ Marr, các nhà khoa học không thể nuổi cấy virus corona chủng mới từ aerosols trong phòng thí nghiệm. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng aerosols không bị nhiễm virus: Phần lớn các mẫu bệnh phẩm trong các thí nghiệm trên đều lấy từ các phòng bệnh viện, nơi điều hòa không khí tốt nên làm giảm lượng virus trong đó. Còn ở trong phần lớn các tòa nhà, bà nói, “tỷ lệ tuần hoàn không khí thường thấp hơn nhiều, cho phép virus sản sinh và gây ra rủi ro lớn hơn”.
WHO cần áp dụng "quy tắc phòng ngừa"
Trong suốt khoảng thời gian diễn ra đại dịch, WHO tự nhận ra rằng họ đã bất đồng ý kiến với các nhóm nhà khoa học không chỉ một lần duy nhất.
WHO đã bị chẫm trễ hơn so với phần lớn các nước thành viên trong việc ủng hộ đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Trong khi các tổ chức y tế khác, như CDC ở một số nước, từ lâu đã nhận thức rõ về hiện tượng truyền nhiễm do những bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng, thì WHO vẫn cho rằng truyền nhiễm do những người bệnh không triệu chứng là rất hiếm.
“Ở cấp độ quốc gia, rất nhiều thành viên đội ngũ kỹ thuật của WHO tỏ ra lúng túng” – New York Times dẫn lời một cố vấn làm việc trong văn phóng khu vực Đông Nam Á của WHO – “Điều này không tạo được uy tín”.
Vị cố vấn còn kể lại rằng, các thành viên của WHO ở đất nước của ông là những người duy nhất đi ra ngoài mà không đeo khẩu trang, sau khi chính quyền sở tại ủng hộ việc đeo khẩu trang.
Nhiều chuyên gia cho rằng WHO nên tôn trọng cái gọi là “quy tắc phòng ngừa” – tức ngay cả khi không có đủ bằng chứng rõ ràng, tổ chức này vẫn nên tính đến điều tồi tệ nhất của virus corona chủng mới, đưa ra những khuyến nghị tốt nhất có thể để bảo vệ người dân.