2/3 độc giả tiếp cận tin tức qua mạng xã hội, báo chí nên làm gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày nay, những người trẻ tuổi như Gen Z có cách tiếp cận tin tức rất khác so với những thế hệ trước.
Báo chí cần có chiến lược gì khi đa số độc giả sử dụng mạng xã hội để đọc tin tức như hiện nay? Ảnh: What's New In Publishing
Báo chí cần có chiến lược gì khi đa số độc giả sử dụng mạng xã hội để đọc tin tức như hiện nay? Ảnh: What's New In Publishing

Các phương tiện truyền thông xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến số người truy cập tin tức trong hơn thập kỷ qua. Tuy nhiên, các nền tảng mà mọi người sử dụng và cách mạng xã hội quảng bá tin tức đã thay đổi đáng kể trong khoảng thời gian này.

Các nền tảng lớn như Facebook, Twitter và YouTube đã phát triển cả về cách thức hoạt động và đối tượng sử dụng chúng. Thêm nữa, các mạng mới hơn, chẳng hạn như Instagram, Snapchat và TikTok cũng ngày càng trở nên phổ biến, thu hút nhiều người dùng hơn.

Theo Báo cáo Tin tức số năm 2021 của Viện Reuters, “một trong những phát hiện nổi bật nhất năm nay là thế hệ Z (Gen Z - những người dưới 25 tuổi) ít truy cập vào các trang web tin tức hơn thế hệ trước đó - thế hệ Y”. Thậm chí, nhiều người thuộc Gen Z còn cho biết họ sử dụng mạng xã hội làm nguồn tiếp cận tin tức chính.

“Được kết nối sâu rộng, họ đã sử dụng các mạng xã hội mới như Instagram và TikTok để giải trí cũng như kể câu chuyện cá nhân theo cách riêng của họ”, báo cáo cho biết.

Việc thu hút những độc giả này đang trở thành thách thức đối với các tòa soạn bởi mạng xã hội đang trở thành phương tiện nhanh chóng và thuận tiện để theo dõi tin tức.

Theo báo cáo của Viện Reuters, chỉ 25% người tiêu dùng (ở mọi lứa tuổi) tìm kiếm tin tức trên các trang web hay ứng dụng tin tức. 18% những người dưới 35 tuổi truy cập trực tiếp vào các trang web/ứng dụng và 34% nói rằng họ thích truy cập tin tức qua mạng xã hội hơn.

Độc giả, đặc biệt là những người trẻ có xu hướng tiếp cận tin tức qua các mạng xã hội nhiều hơn. Ảnh: What's New In Publishing.

Độc giả, đặc biệt là những người trẻ có xu hướng tiếp cận tin tức qua các mạng xã hội nhiều hơn. Ảnh: What's New In Publishing.

Một điều quan trọng nữa là xu hướng này “không bị ảnh hưởng bởi Covid-19”, theo báo cáo.

“Các nhóm độc giả trẻ tuổi hơn sẽ không từ bỏ các nền tảng mạng xã hội, những nền tảng này giúp họ có thể kiểm tra tin tức một cách nhanh chóng và thuận tiện”, Báo cáo Tin tức số 2021 của Viện Reuters cho hay.

Viện Reuters đã theo dõi việc sử dụng mạng xã hội của mọi người từ 12 quốc gia trong vòng 7 năm qua. Các quốc gia bao gồm Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Ireland, Đan Mạch, Phần Lan, Nhật Bản, Australia và Brazil. 66% số người được hỏi từ các quốc gia này sử dụng một hoặc nhiều mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin để theo dõi, chia sẻ hoặc thảo luận về các tin tức.

Mặc dù sự quan tâm đến Facebook đã giảm đi vào năm 2020 nhưng nó vẫn đang là nền tảng phổ biến nhất, là nơi mọi người tiếp cận tin tức một cách ngẫu nhiên. Trong khi Twitter là nền tảng được sử dụng thường xuyên nhất để truy cập tin tức một cách có chủ đích.

Tiến sĩ Simge Andı, một trong những tác giả chính của báo cáo nhận xét: “Mặc dù ít phổ biến hơn Facebook nhưng Twitter được các nhà báo và chính trị gia ưa thích, là nơi tin tức được chia sẻ đầu tiên, do đó, nó rất có sức hút đối với những người quan tâm đến tin tức”.

“Khi tôi muốn biết điều gì đang xảy ra trên thế giới, Twitter chắc chắn là nền tảng đầu tiên tôi tìm đến bởi nó thường có những câu chuyện tin tức mới nhất và tôi có thể vừa đọc tin tức vừa đọc ý kiến thảo luận của mọi người”, một trong những người tham gia khảo sát nói.

Các nền tảng tương đối mới hơn như WhatsApp, Instagram, TikTok và Telegram cũng đang dần trở nên phổ biến hơn cho mục đích theo dõi tin tức. Mọi người cũng sử dụng YouTube và Snapchat để tìm kiếm tin tức, nhưng mục đích chính của việc sử dụng các mạng xã hội này là giải trí.

Cạnh tranh với nhiều “đối thủ” khác

Phần lớn người dùng truy cập tin tức trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và Twitter tại Mỹ cho biết họ thường tìm đến các phương tiên truyền thông chính thống và các nhà báo uy tín để theo dõi tin tức. Trong khi những người khác sẽ tìm kiếm các quan điểm thay thế ngay trên nền tảng mạng xã hội.

“Tôi chú ý đến các bài báo từ các nguồn mà tôi tin tưởng - NY Times, Washington Post, MSNBC và các tờ báo địa phương khác. Đôi khi, tôi cũng đọc những bài báo từ các nguồn ít được biết đến hơn vì chúng thường đi sâu vào phân tích hơn hoặc đề cập đến một khía cạnh khác về chủ đề này” - một người trả lời khảo sát của Viện Reuters cho biết.

Điều này cũng có nghĩa là “các tổ chức báo chí phải cạnh tranh với nhiều nền tảng khác với nội dung hấp dẫn và đa dạng hơn”, bà Andi lưu ý. Đó là các chính trị gia, các nhà hoạt động chính trị, những người thường sử dụng mạng xã hội để gây chú ý. 26% những người sử dụng Twitter để tìm kiếm tin tức ở Mỹ cho biết các chính trị gia là “đối tượng” được họ chú ý nhiều nhất trên nền tảng này.

Trong vài năm trở lại đây, đã có sự gia tăng đáng kể những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Những nhân vật này có sức thu hút mạnh mẽ trên mạng xã hội và họ thường có những quan điểm, phát ngôn gây sốc. Không ít người trong nhóm này đã đưa ra những thông tin sai lệch về vaccine hay mối liên hệ giữa sức khỏe và 5G…

Cơ hội cho các tổ chức báo chí để đóng một vai trò nổi bật hơn

Các tổ chức tin tức có cơ hội “đóng một vai trò nổi bật hơn trên các mạng này và cung cấp những thông tin đáng tin cậy hơn”, theo bà Andi.

Ảnh: What's New In Publishing

Ảnh: What's New In Publishing

Ví dụ, The Guardian đã sản xuất series “Giả hay thật?” trên Instagram với một nhà báo sẽ đưa ra một loạt các tin tức nổi bật trong tuần, sau đó độc giả sẽ lựa chọn tin tức đó là thật hay giả mạo và nhà báo sẽ đưa ra đáp án cuối cùng.

Trong khi đó, nhà báo Dave Jorgenson - người quản lý tài khoản TikTok của tờ Washington Post thường xuyên tạo ra những tin tức giả với mục đích giải trí trên mạng xã hội này. Những chiến lược như vậy có thể giúp các tổ chức báo chí hiểu và tương tác với độc giả trẻ hiệu quả hơn.

“Truyền thông xã hội là một không gian phức tạp mà các tổ chức truyền thông chính thống nên điều chỉnh để sống chung với nó. Họ phải chia sẻ không gian nay với rất nhiều người sáng tạo nội dung khác - những người không có cùng nguyên tắc và giá trị biên tập nội dung như báo chí”, bà Andi kết luận.

“Với thời gian lớn mà mọi người dành cho mạng xã hội và sự nguy hiểm của thông tin sai lệch hay những tuyên truyền chính trị mang tính thù địch - điều quan trọng là các nhà báo và tổ chức báo chí phải tìm cách thích ứng với những không gian được coi là không chính thức này, đặc biệt nếu họ muốn thu hút những độc giả trẻ - nhóm người hiếm khi truy cập trực tiếp vào các trang web hay ứng dụng để theo dõi tin tức”, bà Andi nói thêm.

Theo What’s New In Publishing