2 lĩnh vực chuyển đổi số nhanh chóng theo đánh giá của McKinsey

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các dịch vụ tài chính và bán lẻ thực phẩm đang tự đổi mới theo những cách khác nhau.
Tài chính ngân hàng và bán lẻ là những lĩnh vực có sự chuyển mình nhanh chóng để thích ứng với thời đại số
Tài chính ngân hàng và bán lẻ là những lĩnh vực có sự chuyển mình nhanh chóng để thích ứng với thời đại số

McKinsey & Company là một công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ, được thành lập vào năm 1926. Số lượng nhân viên của McKinsey & Company tính đến năm 2018 là 27.000 người.

Một trong những hoạt động chính của McKinsey & Company là nghiên cứu thị trường, nghiên cứu về các xu hướng mới nổi trong mọi ngành công nghiệp, những vấn đề cấp bách nhất mà xã hội đang đối mặt và công bố chúng một cách rộng rãi.

Khi nghiên cứu về quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, McKinsey đã nhận thấy có 2 ngành đã thích ứng khá nhanh với quá trình này: đó là dịch vụ tài chính và bán lẻ thực phẩm.

Báo cáo của McKinsey & Company đã nhấn mạnh tác động của chuyển đổi số đối với các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng khi nó mở ra rất nhiều lĩnh vực tài chính mới.

Báo cáo cũng nêu ví dụ về cách các nhà bán lẻ thực phẩm sử dụng các phương tiện kỹ thuật số như máy học để tăng hiệu quả trong chuỗi cung ứng.

Fintech: Phạm vi và sản phẩm ngày càng mở rộng

Trong thập kỷ qua, các công ty Fintech (các công ty công nghệ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính) đã buộc ngân hàng và các tổ chức tài chính phải suy nghĩ lại về các mô hình kinh doanh cốt lõi của họ và nắm lấy cơ hội chuyển đổi số.

Giờ đây, bản thân Fintech cũng đang trưởng thành và bước vào thời kỳ thay đổi nhanh chóng.

Ví dụ, khi các công ty này tập trung vào ứng dụng thanh toán, cho vay và chuyển tiền, thì phạm vi của ngành đã mở rộng ra 30 lĩnh vực mới. Sự thay đổi này đã đưa các công ty Fintech từ chỗ tập trung vào các hoạt động tuyến đầu sang sự tham gia rộng rãi trong toàn bộ chuỗi giá trị. Các lĩnh vực mới trải dài khắp các nhóm ngành từ bán lẻ, quản lý tài sản, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng đầu tư, bảo hiểm, thị trường vốn…

Chẳng hạn như nhóm ngành Thị trường vốn và Ngân hàng đầu tư có các lĩnh vực mới là: Tài chính thương mại thế hệ tiếp theo, Quản lý tài sản thế chấp thế hệ tiếp theo, Phân tích thương mại…

Nhóm ngành Thanh toán: Thanh toán di động, Kiều hối quốc tế, Các thiết bị điểm bán hàng di động…

Nhóm ngành quản lý tài sản: Cố vấn rô bốt, Đầu tư xã hội, Huy động vốn từ cộng đồng…

Chúng ta có thể thấy chuyển đổi số xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ các hệ thống tư vấn rô bốt cung cấp các đề xuất tự động với ít sự can dự của con người, cho đến các hệ thống blockchain theo dõi và lưu trữ một loạt các giao dịch mở rộng để giúp giảm chi phí cơ sở hạ tầng.

Rô bốt tư vấn là một lĩnh vực mới khi công nghệ tham gia sâu vào quá trình tư vấn kinh doanh
Rô bốt tư vấn là một lĩnh vực mới khi công nghệ tham gia sâu vào quá trình tư vấn kinh doanh

Trong khi đó, Fintech cũng đang vượt ra ngoài hoạt động giải quyết nhu cầu tài chính của khách hàng để cung cấp nhiều loại dịch vụ hơn, xóa mờ ranh giới của ngành.

Chẳng hạn như công ty Holvi Payment Services, một công ty khởi nghiệp của Phần Lan được tập đoàn tài chính Tây Ban Nha Banco Bilbao Vizcaya Argentaria mua lại vào năm 2016, bắt đầu bằng việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và mở rộng cung cấp các dịch vụ bổ sung như nền tảng bán hàng trực tuyến, dịch vụ kế toán, hệ thống xác nhận chi phí và một công cụ theo dõi dòng tiền.

Bán lẻ thực phẩm: Tính khác biệt trong chuỗi cung ứng

Thực phẩm tươi là một chiến trường đầy thách thức khi các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi và các công ty thương mại điện tử nhận thấy sức mạnh của thực phẩm tươi ngon sẽ kéo khách hàng đến với mình, cũng như quy mô của giỏ hàng và lòng trung thành của khách hàng.

Các nhà bán lẻ phải liên tục giải các bài toán với chuỗi cung ứng: đặt hàng quá nhiều, vượt quá sức mua của khách hàng thì sẽ lãng phí thực phẩm; đặt hàng quá ít họ sẽ mất doanh số bán hàng và làm xói mòn lòng trung thành của khách hàng. Với nhu cầu biến động hàng ngày, làm thế nào họ có thể biết được nhu cầu phù hợp để đặt hàng?

Một số công ty bán lẻ hàng đầu hiện đang cách mạng hóa việc lập kế hoạch của họ thông qua máy học. Dựa trên các thuật toán cho phép máy tính “học” từ dữ liệu ngay cả khi không lập trình dựa trên quy tắc, máy học cho phép các nhà bán lẻ tự động hóa các quy trình thủ công trước đây và cải thiện đáng kể độ chính xác của các dự báo và đơn đặt hàng.

Các nhà bán lẻ áp dụng máy học đã nhận thấy hiệu quả của nó, chẳng hạn như giảm tỷ lệ hết hàng tới 80%, giảm 10% số ngày tồn kho, tỷ suất lợi nhuận gộp tăng 9%.

Biểu đồ dưới đây cho thấy xác suất nhu cầu của sự kết hợp giữa đơn vị lưu kho và ngày lưu kho. Đơn vị lưu kho của cửa hàng trong biểu đồ ở dưới là quả dứa. Trục đứng biểu thị xác suất nhu cầu và trục dọc biểu thị đơn vị dứa. Các thanh dọc cho thấy lưu trữ 4 quả dứa trong cửa hàng đó vào ngày đó có thể đáp ứng đủ nhu cầu, cửa hàng có thể sẽ bán được gần hết hoặc bán được tất cả. Do đó nguy cơ có dứa thối trong cửa hàng là rất nhỏ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu khách hàng muốn mua một quả dứa thứ năm hoặc thứ sáu vào ngày hôm đó. Cửa hàng sẽ mất doanh thu vì dứa hết hàng.

(biểu đồ mô phỏng xác suất nhu cầu của McKinsey)
(biểu đồ mô phỏng xác suất nhu cầu của McKinsey)

Đường cong màu đỏ trên biểu đồ biểu thị giá trị chi phí dự kiến cho mỗi cấp độ hàng tồn kho, có tính đến khả năng mất doanh thu do hết hàng, cũng như giảm giá và lãng phí tiềm năng. Trong trường hợp này, thuật toán xác định mức tồn kho gồm 9 trái dứa là tối ưu.