10 điều nằm lòng để tránh tin giả trên Facebook

VietTimes -- Facebook gần đây đã có nhiều nỗ lực trong cuộc chiến chống tin tức giả mạo vốn đã trở thành vấn nạn trên mạng xã hội này. Việc phát hiện tin giả là điều có thể làm được và đây là một vài gợi ý của Facebook để người dùng xác định liệu một thông tin có thực hay không.
CEO của Facebook Mark Zuckerberg tiếp tục cho thấy sự cứng rắn trong việc ngăn chặn các tin tức giả mạo. Ảnh: AFP
CEO của Facebook Mark Zuckerberg tiếp tục cho thấy sự cứng rắn trong việc ngăn chặn các tin tức giả mạo. Ảnh: AFP

1. Hãy xem xét kỹ phần tiêu đề. Các thông tin sai lệch thường có tiêu đề hấp dẫn với các chữ cái in hoa kèm theo dấu chấm than. Có thể những thông tin gây sốc trong dòng tiêu đề là sai sự thật nếu chúng nghe có vẻ không đáng tin.

2. Xem kỹ đường dẫn URL. URL giả mạo hoặc trông giống nhau có thể làdấu hiệu cảnh báo về thông tin sai lệch. Nhiều trang tin tức giả mạo bắt chước những nguồn tin xác thực bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ trong URL. Bạn có thể vào trang web và so sánh URL với các nguồn thông tin tin cậy.

3. Điều tra nguồn gốc thông tin. Hãy đảm bảo rằng câu chuyện được viết bởi một nguồn mà bạn tin cậy và nổi tiếng về sự chính xác. Nếu câu chuyện đến từ một tổ chức lạ, hãy kiểm tra phần “Giới thiệu” (About) để tìm hiểu thêm.

4. Cẩn thận với các định dạng khác thường. Nhiều trang thông tin sai lệch thường viết sai chính tả hoặc có bố cục rối. Hãy đọc cẩn thận nếu bạn thấy những dấu hiệu này.

5. Xem xét các hình ảnh. Các thông tin sai lệch thường chứa hình ảnh hoặc video bị chỉnh sửa. Đôi khi, bức ảnh có thể là thật, nhưng bị sử dụng sai với bối cảnh. Bạn có thể tìm kiếm những hình ảnh đó để xác minh xem nó đến từ đâu.

6. Kiểm tra ngày. Các thông tin sai lệch có thể chứa các mốc thời gian không hợp lý hoặc các ngày sự kiện diễn ra đã bị sửa.

7. Kiểm tra các bằng chứng. Kiểm tra các nguồn tin của tác giả để xác thực lại độ chính xác của thông tin. Thiếu các bằng chứng hoặc dựa vào các chuyên gia giấu tên là dấu hiệu của thông tin sai lệch.

8. Xem các nguồn tin khác. Nếu không có báo nào đưa tin về cùng một câu chuyện, đây có thể là thông tin sai lệch. Nếu câu chuyện được nhiều tờ báo tin cậy đưa tin, có nhiều khả năng thông tin là đúng.

9. Câu chuyện có phải là một trò đùa? Đôi khi, khó có thể phân biệt các thông tin sai lệch với các trò đùa hay sự châm biếm. Hãy kiểm tra xem nguồn tin có thường đưa các nội dung nhại lại hay không và liệu chi tiết và giọng điệu của câu chuyện có gợi ý rằng nó có thể chỉ là một trò đùa hay không.

10. Một số câu chuyện bị cố tình đưa sai lệch. Hãy suy nghĩ kỹ lưỡng về những câu chuyện bạn đọc và chỉ chia sẻ những thông tin mà bạn biết là đáng tin cậy.