Trước đó một ngày, ngày 21/9, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a về phương án cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ giai đoạn 2017 – 2018. Số thủ tục cắt giảm này chiếm tới 55,5% các điều kiện đầu tư kinh doanh do Bộ Công thương quản lý.
Quyết định này được đánh giá là lịch sử và mạnh mẽ của ngành Công thương trong cải cách hành chính.
Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng ngày 22/9, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định kết quả này thể hiện quan điểm, tự nguyện và tự giác tổ chức thực hiện hướng tới mục tiêu phục vụ doanh nghiệp và người dân của Bộ Công thương.
Dẫn đầu Tổ công tác của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao việc Bộ Công thương đã giảm được 5 đầu mối đơn vị, chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy mới theo hướng gọn nhẹ, tinh giản.
Liên quan tới trọng tâm của buổi làm việc là các nội dung về kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu, Tổ Công tác của Thủ tướng đã làm việc với 13 bộ, trong đó Bộ Công thương là cơ quan ban hành các điều kiện kinh doanh, các danh mục hàng hóa phải kiểm tra rất lớn.
Với quyết tâm cao nhất, Bộ Công thương đã cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, đây là động thái tích cực và là tấm gương cho các Bộ, ngành khác - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá.
Chỉ đạo của Thủ tướng là không thể bỏ qua kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng không vì lí do đó mà trói buộc, gây khó cho doanh nghiệp. Hiện các danh mục kiểm tra rất lớn, nhưng tỷ lệ phát hiện sai phạm chỉ 0,06%, rất nhỏ so với số hàng hóa kiểm tra.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, dù Bộ Công thương đã cắt giảm 55,5% điều kiện kinh doanh, nhưng cần lưu ý về việc một mặt hàng kiểm tra chuyên ngành hiện bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản. Do đó, cần sửa để một mặt hàng bị điều chỉnh ít văn bản nhất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, vẫn còn có tình trạng kiểm tra thủ tục chuyên ngành, nhưng Bộ không công bố được quy chuẩn, phải kiểm tra bằng cảm quan, bằng mắt, do đó đề nghị tiếp tục rà soát kỹ hơn. Bộ Công Thương cần quan tâm hơn nữa đối với những kiến nghị của doanh nghiệp để xử lý vấn đề này.
Ngoài ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng cũng biểu dương Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài trực thuộc ngành Công thương.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, ngành Công thương cần tìm cách thu hồi vốn, lên phương án cụ thể về cổ phần hóa, thoái vốn, phá sản dự án thua lỗ và đó cũng là nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Bộ.
Cụ thể, Bộ Công thương tiếp tục xử lý các dự án này bằng các giải pháp, phương án đã trình Chính phủ, sớm thực hiện từng phương án cụ thể với các dự án, không thể kéo dài thua lỗ. Dự án không bán được thì phải đưa ra phương án phá sản, gắn với trách nhiệm tập thể cá nhân liên quan.
Nhiệm vụ nữa là năm nay nhà nước phải thoái 65.000 tỷ đồng vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có việc thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp, dự án thuộc Bộ Công thương.
Về nhiệm vụ này, Thủ tướng đã giao cho thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định, bán 5% hay 10% là do Bộ trưởng quyết định, mục tiêu là thu lại lợi ích cao nhất, không được để xảy ra tiêu cực và lợi ích nhóm.