Trước khi đi vào nội dung chính của diễn đàn, VPSF đã tiến hành lấy khảo sát về mong muốn của doanh nghiệp với 3 thông điệp mà Chính phủ đưa ra: một Chính phủ liêm chính, một Chính phủ kiến tạo hay một Chính phủ hành động.
Kết quả được ghi nhận ngay tại diễn đàn cho thấy, 65% doanh nghiệp được hỏi đã bày tỏ mong muốn về một Chính phủ hành động; chỉ 24% doanh nghiệp chọn phương án Chính phủ liêm chính và 11% chọn Chính phủ kiến tạo.
Hoan nghênh kết quả trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, muốn Chính phủ hành động, doanh nghiệp tư nhân phải nhìn về tương lai, phải có niềm tin.
Thủ tướng khẳng định quyết tâm chính trị, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân qua Nghị quyết TW 5: xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, “hãy xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến, tạo mọi thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng hướng” Thủ tướng nói.
Nghĩa là, kinh tế tư nhân sẽ là đầu tàu để phát triển kinh tế của đất nước và “Chúng tôi muốn lắng nghe các bạn, những tiếng nói chân thành, những vướng mắc để Chính phủ hành động”, Thủ tướng bày tỏ.
Lấy ví dụ điển hình, Thủ tướng dẫn ra số liệu từ Mckinsey: tại Việt Nam mỗi 1 đồng doanh thu doanh nghiệp tư nhân tạo ra doanh thu bổ sung gấp 3 lần doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra tại diễn đàn, Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đã thành lập Hội đồng tư vấn cải cách hành chính và sẽ ra mắt vào tháng 8 tới. Hội đồng này có 2 nhiệm vụ: Kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, chủ động đề xuất các phương án cải cách môi trường kinh doanh; Thứ 2 là đánh giá cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo khảo sát trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế Tư nhân thực hiện trong giai đoạn 7/6 - 21/7/2017, 44% cho biết bỏ lỡ cơ hội kinh doanh vì rào cản pháp lý và hạn chế thị trường. Những rào cản lớn nhất là giấy phép con quá nhiều, thủ tục hành chính, chính sách thuế, bảo hiểm và tiếp cận đất đai.
Về kinh tế số, có những đánh giá tích cực. 64% dự kiến lợi nhuận tăng trong năm 2017. Trong đó, những yếu tố đóng góp nhiều nhất vào đà tăng này là đổi mới công nghệ (60%), tiết giảm chi phí (51%) và do tăng trưởng thị trường (29%)
Về du lịch, 71% ý kiến cho rằng sẽ mở rộng sản xuất hoạt động kinh doanh, bởi lẽ có nhiều thuận lợi đến từ Chính sách visa nhập cảnh có nhiều thông thoáng, cấp visa điện tử, miễn visa cho một số nước Tây Âu - đây là thị trường tiềm năng của du lịch. Sự quan tâm về mặt chiến lược phát triển với Nghị quyết 08, Luật du lịch được Quốc hội thông qua.
Nông nghiệp vẫn có những điểm nghẽn. 53% cho rằng tình hình kinh doanh sẽ gặp khó khăn hơn trong năm 2017. Điều này được cho đến từ sự trì trệ của địa phương, không thống nhất quản lý phân bón giữa các Bộ và các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Nếu tính trong cơ cấu GDP, kinh tế tư nhân đóng góp cao nhất trong nhiều năm qua. Tính từ năm 2010 trở lại đây, đóng góp của khu vực này trong GDP đều ở mức trên 43%. Tỉ lệ này ở khu vực kinh tế nhà nước là khoảng 28,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 18%.
Số lượng doanh nghiệp tư nhân cũng tăng rất mạnh. Năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng ở mức kỷ lục, đạt trên 110.000 doanh nghiệp. Nhiều thương hiệu của khu vực kinh tế tư nhân đã hình thành, được ghi nhận tại thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân, doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi năng lực về vốn và công nghệ cao.