Xung đột biên giới Trung - Ấn tạm yên: Bắc Kinh lần đầu thừa nhận có người chết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong khi quân đội Trung Quốc và Ấn Độ cùng rút lui khỏi các trận địa ở đoạn biên giới phía Tây đang tranh chấp, phía Trung Quốc tuyên bố PLA đã giành được thắng lợi lớn trong cuộc chiến và có một số người chết.
Xe tăng của PLA rút khỏi vị trí đóng quân ven hồ Pangong hôm 10/2 (Ảnh: Dwnews).
Xe tăng của PLA rút khỏi vị trí đóng quân ven hồ Pangong hôm 10/2 (Ảnh: Dwnews).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 19/2, tờ Jiefangjunbao (Giải phóng quân báo) của Quân ủy Trung Quốc số ra cùng ngày 19/2 đưa tin: “Các lực lượng bảo vệ biên giới của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) kiên quyết chống lại các hành động vượt biên giới xâm phạm trái phép trong cuộc đấu tranh biên phòng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và đã giành được thắng lợi lớn lao”.

Báo này nhấn mạnh, trong cuộc đấu tranh đã có những điển hình tiên tiến như Kỳ Phát Bảo, “Trung đoàn trưởng anh hùng bảo vệ biên giới quốc gia”; Trần Hồng Quân, “Anh hùng bảo vệ biên giới quốc gia” và ba “Công thần hạng nhất” Trần Tường Dung, Tiêu Tư Viễn và Vương Trác Nhiễm.

Theo hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã, Trần Hồng Quân, Tiêu Tư Viễn và Trần Tường Dung đã thiệt mạng trong chiến đấu, còn Vương Trác Nhiễm chết khi đang cứu giúp đồng đội trong khi vượt sông cứu viện.

Nghĩa địa lính Trung Quốc chết khi "bảo vệ biên giới" ở biên giới Trung - Ấn (Ảnh: Dwnews).

Nghĩa địa lính Trung Quốc chết khi "bảo vệ biên giới" ở biên giới Trung - Ấn (Ảnh: Dwnews).

Trong số họ, Kỳ Phát Bảo là người chỉ huy của một trung đoàn phòng thủ biên giới, bị thương nặng trong cuộc xung đột; người chết Trần Hồng Quân là tiểu đoàn trưởng của một tiểu đoàn bộ binh cơ giới, 3 người chết còn lại Tiêu Tư Viễn, Trần Tường Dung và Vương Trác Nhiễm là binh sĩ. Như thế là Trung Quốc thừa nhận ít nhất 4 sĩ quan, binh sĩ PLA đã bị thiệt mạng, 1 người bị thương nặng được khen thưởng.

Vào tháng 6 năm 2020, một cuộc xung đột đổ máu nghiêm trọng giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã nổ ra tại Thung lũng sông Galwan thuộc đoạn biên giới phía Tây giữa hai nước. Cho đến nay, quân đội Trung Quốc mới thừa nhận bị chết 4 người, còn phía quân đội Ấn Độ đã xác nhận ít nhất 20 sĩ quan và binh sĩ đã thiệt mạng.

Tờ Jiefangjunbao đã yêu cầu toàn quân học tập ở các quân nhân được nêu tên trên “phẩm chất trung thành nghe Đảng chỉ huy, nghe lệnh chiến đấu, tinh thần dám đánh biết đánh, quyết tâm đánh thắng, anh dũng ngoan cường và coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”.

Lính Trung Quốc bắt trói lính Ấn Độ trong vụ xung đột (Ảnh: Dwnews).

Lính Trung Quốc bắt trói lính Ấn Độ trong vụ xung đột (Ảnh: Dwnews).

Báo này nhấn mạnh "Không được để mất dù chỉ một tấc lãnh thổ do tổ tiên chúng ta để lại và chúng ta cũng không cần một xu, một hào nào của người khác"; "Chúng ta quyết không cho phép bất kỳ thế lực nào xâm phạm lãnh thổ và chủ quyền của quốc gia. Nếu xảy ra tình huống nghiêm trọng như thế, cần phải ra đòn đánh đau, đánh mạnh”.

Theo Tân Hoa xã, vào tháng 4/2020, quân đội Ấn Độ đã “vi phạm hiệp định bằng cách xây dựng các công trình hạ tầng đường sá, cầu cống và các cơ sở khác trong khu vực Thung lũng sông Galwan để tiếp cận biên giới, gây nên các vụ việc, mưu đồ đơn phương thay đổi hiện trạng kiểm soát biên giới, thậm chí tấn công bạo lực các sĩ quan, binh lính PLA đi đến hiện trường để đàm phán”.

Cũng theo Tân Hoa xã, “trong tình thế không thể nín chịu được nữa, Quân Giải phóng nhân dân đã kiên quyết giáng trả các hành động bạo lực, giành được thắng lợi to lớn, bảo vệ có hiệu quả chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”.

Trong khi đó, phía Ấn Độ đã tố cáo chính quân đội Trung Quốc mới là bên vượt qua tuyến kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai nước, chiếm giữ đất đai và đóng quân trên lãnh thổ Ấn Độ, gây ra các vụ đụng độ đẫm máu, giết hại nhiều binh sĩ Ấn Độ.

Một tranh cổ động về cuộc xung đột biên giới của Ấn Độ có vẽ hình 20 binh sĩ bị Trung Quốc sát hại (Ảnh: Dwnews).

Một tranh cổ động về cuộc xung đột biên giới của Ấn Độ có vẽ hình 20 binh sĩ bị Trung Quốc sát hại (Ảnh: Dwnews).

Theo báo cáo, ghi chép về một trận đánh của Trần Tường Dung viết: "Đối mặt với quân đội nước ngoài đông hơn nhiều so với quân đội của chúng ta, chúng tôi không những không rút lui mà còn chịu đựng cuộc tấn công bằng đá, đánh đuổi chúng ra khỏi lãnh thổ”.

Trước những hành động vượt biên gây sự của quân đội Ấn Độ, Trần Tường Dung, người được khẩn cấp điều đến để xử lý tình huống, đã trả lời câu hỏi “Là người sắp ra tiền tuyến, anh có sợ không” bằng lời đáp “Đó sứ mạng và nhiệm vụ không thể thoái thác".

Tân Hoa xã viết, vào tháng 6 năm 2020, quân đội Ấn Độ đã vi phạm thỏa thuận đã đạt được với PLA, vượt qua đường biên dựng lều. Theo như đã hẹn trước, Kỳ Phát Bảo chỉ dẫn một số ít sĩ quan và binh sĩ qua sông để thương lượng. Tuy nhiên, quân đội Ấn Độ đã ẩn nấp sẵn từ trước và huy động một số lượng lớn quân đội nhằm tìm cách buộc quân đội Trung Quốc phải rút lui trước số lượng đông áp đảo của họ.

Ảnh vệ tinh chụp một doanh trại PLA ven hồ Panggong

Ảnh vệ tinh chụp một doanh trại PLA ven hồ Panggong

Ảnh vệ tinh chụp ngày 16/2 cho thấy doanh trại đã bị dỡ bỏ (Ảnh: Reuters).

Ảnh vệ tinh chụp ngày 16/2 cho thấy doanh trại đã bị dỡ bỏ (Ảnh: Reuters).

Sĩ quan tham mưu Trần Hồng Vũ kể lại: “Người của họ dần dần xuất hiện từ phía sau những vách đá, đen đặc cả bãi sông. Người của chúng ta tuy ít, nhưng dù có mất mạng cũng không thể rút lui. Khi đó, Kỳ Phát Bảo đã khiển trách quân đội Ấn Độ ‘các người đã phá hoại sự đồng thuận, phải gánh chịu mọi hậu quả’ ”.

Tân Hoa xã viết, “trong cuộc xung đột, quân đội Ấn Độ đã sử dụng ống thép, dùi cui và đá để tấn công, tập trung nhằm vào Trung đoàn trưởng Kỳ Phát Bảo. Sau đó, Trần Hồng Quân dẫn người đến cứu Kỳ Phát Bảo, quân tiếp viện đã đánh đuổi quân Ấn Độ và giành được thắng lợi lớn, quân Ấn Độ bị đánh tan tác và bỏ chạy, bỏ lại một số lớn người vượt biên và thương vong. Họ phải trả một cái giá quá đắt”.

Theo bài báo, phía bên trái trán của Kỳ Phát Bảo bị rách và vết thương dài hơn 10 cm. Khi Vương Trác Nhiễm đang vượt qua sông, một chân bị kẹt vào kẽ hở của tảng đá, trước khi chết vẫn còn đẩy được ba đồng đội lên bờ sông.

Theo báo Ấn Độ Hindustan Times ngày 18/2, cuộc đối đầu trên biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ kéo dài hơn 9 tháng, đã mở ra một bước đột phá vào ngày 10/2. Cuộc đàm phán lần thứ 10 giữa chỉ huy cấp quân đoàn hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc quân hai bên triệt thoái. Vào tối ngày 10 tháng 2, Ngô Khiêm, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, thông báo rằng theo nhất trí đạt được tại vòng 9 của cuộc đàm phán cấp quân đoàn, các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Ấn Độ trên tuyến đầu ở bờ phía nam và phía bắc của hồ Pangong từ ngày 10 tháng 2 bắt đầu đồng bộ việc cách ly tiếp xúc theo kế hoạch.

Lính Trung Quốc và Ấn Độ bắt tay nhau sau khi ký biên bản cùng rút quân (Ảnh: Hindustan Times).

Lính Trung Quốc và Ấn Độ bắt tay nhau sau khi ký biên bản cùng rút quân (Ảnh: Hindustan Times).

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh ngày 11 tháng 2 nói trước quốc hội rằng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ rút quân khỏi bờ bắc và nam của hồ Pangong ở đông Ladakh theo từng giai đoạn, có phối hợp và kiểm tra. Quân Trung Quốc sẽ rút về Khu vực Số 8 trên bờ phía bắc của hồ Pangong, trong khi lực lượng của Ấn Độ sẽ rút về căn cứ ở Dhan Singh Thapa Post gần Khu vực Số 3 trên bờ phía bắc của hồ Pangong.

Theo ông Rajnath Singh, Trung Quốc và Ấn Độ cũng thực hiện hành động rút quân tương tự ở bờ nam của hồ Pangong và tháo dỡ mọi cơ sở, cấu trúc được xây dựng trên bờ nam và bắc của hồ Pangong kể từ tháng 4 năm 2020 trở lại đây. Ngoài ra, Trung Quốc và Ấn Độ đã nhất trí tạm dừng các hoạt động quân sự ở bờ phía bắc của hồ Pangong và sẽ chỉ nối lại các cuộc tuần tra sau khi hai bên đạt được thỏa thuận thông qua đàm phán ngoại giao và quân sự.

Tờ Hindustan Times ngày 17/2 đưa tin, quá trình rút quân giữa Trung Quốc và Ấn Độ diễn ra nhanh hơn dự kiến ​​ban đầu trong 15 ngày, có thể kết thúc vào khoảng ngày 21/2. Các chỉ huy cấp cao của hai quân đội có thể sớm gặp lại để thảo luận về việc rút quân tại các điểm va chạm khác.

Đồng thời, quân đội Ấn Độ cũng đã công chiếu nhiều hình ảnh quân đội Trung Quốc và Ấn Độ rút quân tại hồ Pangong, bao gồm việc rút xe tăng và tháo dỡ một số cơ sở quân sự.

Lính Trung Quốc phá dỡ công sự trước khi rút (Ảnh: Dwnews).

Lính Trung Quốc phá dỡ công sự trước khi rút (Ảnh: Dwnews).

Truyền hình Ấn Độ ngày 16 tháng 2 đưa tin, các nguồn tin nói với truyền hình Ấn Độ rằng Trung Quốc đã bắt đầu tháo dỡ các boong-ke và lều quân sự được xây dựng tại các Khu vực Số 5, 6, 7 và 8 dọc theo bờ hồ Pangong trong năm 2020, đẩy nhanh quá trình cách ly tiếp xúc giữa quân hai bên.

Hãng Reuters của Anh cũng đưa tin vào ngày 17 tháng 2 rằng các hình ảnh vệ tinh về các khu vực bờ phía bắc của hồ Pangong do công ty ảnh vệ tinh Maxar của Mỹ cung cấp vào ngày 16 tháng 2 cho thấy nhiều doanh trại quân sự Trung Quốc có thể nhìn thấy ở đó vào cuối tháng 1 đã bị dỡ bỏ. Một quan chức Ấn Độ nói với Reuters rằng, phía Ấn Độ cũng đã có hành động tương tự.

Trong khi đó, Thư ký Bộ Ngoại giao Ấn Độ Harsh Shringla ngày 17 tháng 2 năm 2021 tuyên bố rằng nếu lại có hành vi vượt biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước không thể có quan hệ song phương bình thường.

Truyền thông Ấn Độ Times Now ngày 18/2 đưa tin, ông Shringla nói tại cuộc hội nghị do Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga chủ trì, quá trình cách ly tiếp xúc giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới phía đông Ladakh dự kiến ​​sẽ hoàn tất trong vòng 3 ngày. Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước lớn nhất châu Á, phụ thuộc vào tình hình bình thường ở biên giới.

Lính Trung Quốc rút khỏi khu vực ven hồ Pangong (Ảnh: Dwnews).

Lính Trung Quốc rút khỏi khu vực ven hồ Pangong (Ảnh: Dwnews).

Ông Shringla nói: "Ấn Độ không thể để những người lính trong quân đội mình bị chết. Chúng tôi không thể duy trì quan hệ bình thường khi đối mặt với xung đột. Như tôi đã nói với những người bạn Trung Quốc của tôi, nếu không có hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới của chúng tôi, chúng tôi không thể thiết lập quan hệ song phương bình thường. Việc này phải xem xét hành động của hai nước trên biên giới”.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc rất phức tạp và vẫn có khả năng thay đổi trong tương lai.

Khi được hỏi về việc Mỹ liên minh đồng minh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương để cô lập Trung Quốc, ông Shringla trả lời rằng tầm nhìn của Ấn Độ đối với khu vực là tự do, cởi mở và bao dung; tất cả các nước trong khu vực cần duy trì thúc đẩy hợp tác, kết nối, tự do hàng hải và đảm bảo một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Khi nói về mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ, ông Shringla nói rằng Ấn Độ tin rằng họ đã đặt nền tảng để hai đảng ở Mỹ cùng ủng hộ quan hệ song phương. Nói cách khác, cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều ủng hộ mối quan hệ bền chặt giữa Ấn Độ và Mỹ.