Xuất sắc bị tinh giản, yếu kém thì được giữ lại

"Nhiều trường hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bị đưa vào đối tượng tinh giản biên chế trong khi có người không hoàn thành thì nằm ngoài danh sách", Thứ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.
Xuất sắc bị tinh giản, yếu kém thì được giữ lại

Ngày 12/1, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội nghị  triển khai kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế cho các Bộ, ngành và địa phương.

Tỉnh cắt biên chế, trung ương có ý kiến ngay

Ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, ngành tư pháp coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Một số cơ quan thuộc Bộ đã được xã hội hóa nên bộ máy gọn nhẹ hơn.

Theo ông Tụng, Nghị quyết 39 (Bộ Chính trị) có nêu cả hệ thống chính trị quyết tâm tinh giản biên chế nhưng không ảnh hưởng đến tổ chức, bảo đảm công việc được giao. Điều này này có mâu thuẫn với công việc, nhiệm vụ mới của Bộ Tư pháp.

“Ngành tư pháp ngày càng được giao nhiều nhiệm vụ hơn, thành lập thêm một số đơn vị mới. Trong trường hợp này không thể không tăng thêm biên chế, tổ chức bộ máy kể cả trung ương và địa phương”, ông Tụng băn khoăn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay, tỉnh đã lập danh sách thẩm định tinh giảm biên chế. Năm 2015, 200 trường hợp đưa vào danh sách tinh giản, cùng với đó là giải thể những đơn vị hoạt động không hiệu quả.

“Nhưng cứ đụng nhân sự cấp sở thì các bộ, ngành Trung ương có ý kiến ngay vì bị mất chân rết. Có đơn vị sự nghiệp công lập thừa hơn 20 người, không có việc làm”, ông Linh chia sẻ.

Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì hội nghị
Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì hội nghị

Cùng chung quan điểm với ông Linh, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đề nghị các bộ, ngành, ủng hộ việc giảm bớt đầu mối ở các sở ngành.

“Chúng tôi thấy các sở ngành có quá nhiều đơn vị sự nghiệp như trong ngành y tế, giáo dục. Chúng tôi rà soát để giảm bớt thì không nhận được sự ủng hộ của các bộ ngành, nên làm sao mà tinh giản biên chế được” – bà Hoa kiến nghị.

Tới 2021 tinh giản 10% biên chế

Theo ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc tinh giản là cần thiết nhưng nếu làm không cẩn thận sẽ mất đoàn kết nội bộ. Tinh giản biên chế không phải đưa số lượng người ra, mà bao gồm nhiều biện pháp khác để nâng cao chất lượng công chức, viên chức. Làm sao vừa tinh giản mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Tuấn giải thích, các địa phương cần linh hoạt. Đến năm 2021, cả nước phấn đấu tinh giản 10% biên chế (mỗi năm 1,5%) thì không đáng là mấy.

Hiện, 11 địa phương vượt quá biên chế được giao, cái đó là vi phạm trong việc quản lý chặt chẽ biên chế.

"Nhiều trường hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng vẫn bị đưa vào đối tượng tinh giản biên chế nên chúng tôi không đồng ý trong khi có người không hoàn thành nhiệm vụ thì nằm ngoài danh sách”, ông Tuấn nói.

Vị Thứ trưởng nhận định, nếu các bộ, ngành, địa phương thực hiện không thận trọng thì nhiệm vụ tinh giản thất bại.

"Tinh giản biên chế mà vẫn thành lập thêm các đơn vị thì không phù hợp, một số công việc nên xã hội hóa", ông nói.

Vị Thứ trưởng cho biế, Bộ Nội vụ sau khi lấy ý kiến sẽ báo cáo và trình Chính phủ. Bộ Tư pháp có nhiệm vụ ra soát các văn bản quy phạm pháp luật để tránh những thông tin chồng chéo trong việc tinh giản biên chế.

Ngày 10/12/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định 2218 về kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 39 ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm ngân sách.

Tính đến ngày 30/11/2015, 14 Bộ, ngành, 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tinh giản biên chế năm 2015. Một Bộ, ngành, 13 tỉnh, thành phố đề nghị giải quyết tinh giản biên chế đợt I năm 2016 với số tinh giản là 5.433 người.

Theo Zing