Hiện khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng phình to và chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ngược lại, DN nội địa đang bị cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà, nhất là khi Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Xuất khẩu “giùm”
Vài năm nay, xuất khẩu của khối DN FDI ngày càng phình to và lấn át trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 50,1 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó các DN nội chỉ chiếm 15 tỉ USD, còn lại là thành tích của DN FDI và xuất khẩu dầu thô.
Ngay trong những thời điểm khó khăn của nền kinh tế do ảnh hưởng khủng hoảng toàn cầu và trong nước phải thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát, tốc độ nhập siêu của DN trong nước có chậm lại nhưng khối FDI vẫn tiếp tục xuất siêu.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong 10 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên, phần lớn mặt hàng có “công” đóng góp của DN FDI như điện thoại các loại và linh kiện, máy tính các loại và linh kiện...
Ngay một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực vốn là thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ… kim ngạch của khối FDI cũng chiếm từ 60%-70%.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Việt Đức nhận xét trong 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu thường tăng nhanh hơn nhập khẩu và nền kinh tế bắt đầu xuất siêu từ năm 2012 đến nay. Có điều, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu liên tục giảm kể từ năm 2012, đến năm 2014 nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì xuất khẩu chỉ tăng 9,1%, thay vì tăng 13,6% so với năm trước.
“Khu vực FDI tiếp tục có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhiều so với khu vực trong nước, ngày càng nắm vị thế áp đảo, ngay các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, đạt hiệu quả kinh tế cao cũng đều thuộc các DN FDI” - TS Lê Việt Đức nhận xét.
Với ngành dệt may, theo Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,5 tỉ USD nhưng trong số này, hơn 60% thuộc về DN FDI. Với ngành đồ gỗ, tổng số DN FDI chỉ khoảng hơn 420 (trong tổng số hơn 3.600 DN ngành chế biến gỗ) nhưng trong tổng số 6,2 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2014 thì có đến 50,1% thuộc về khối FDI. Da giày cũng không ngoại lệ, hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành nằm trong tay các DN FDI.
Riêng các ngành ứng dụng công nghệ cao như sản xuất điện thoại các loại và linh kiện, máy tính các loại và linh kiện, máy ảnh... gần như là độc quyền của khối FDI.
Làm thuê trên sân nhà
Ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Gỗ xuất khẩu Mifaco, cho rằng xu hướng khối FDI lấn lướt và cạnh tranh về đơn hàng với DN trong nước sẽ ngày càng tăng. DN trong nước vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ không thể bằng các DN khối ngoại, lợi nhuận lại càng không.
Chẳng hạn, cùng một đơn hàng gia công đồ gỗ xuất khẩu ở Việt Nam nhưng nếu là DN trong nước, giá chắc chắn thấp hơn DN FDI dù yêu cầu về chất lượng là như nhau. “DN nội luôn trong tình trạng thiếu đơn hàng, năm nay ngành đồ gỗ được dự báo đơn hàng sẽ nhiều hơn nhưng so với khối FDI vẫn thua xa” - ông Hiệp nhìn nhận.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam ở lĩnh vực dệt may đang gia tăng nhằm đón đầu các FTA. Dự báo ngành dệt may sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do nhiều dòng thuế giảm về 0% nhưng đang có một diễn biến rất lạ là lượng đơn hàng xuất khẩu không như kỳ vọng.
“Đã có làn sóng dịch chuyển đơn hàng từ các DN trong nước sang DN FDI do cạnh tranh và khối ngoại có lợi thế về nguồn khách hàng, đơn hàng từ công ty mẹ. Làn sóng này chưa lớn nhưng trong bối cảnh cộng đồng DN đang khó khăn thì là vấn đề đáng lo. Đáng lo hơn là trong bối cảnh này, DN trong nước có giữ chân được nguồn lao động hay họ sẽ chạy sang DN FDI?” - ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Vitas, nói.
Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4-2015, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng xuất khẩu dù vẫn cao so với tiêu chuẩn khu vực nhưng đã giảm xuống mức 6,4% so với cùng kỳ quý I năm ngoái.
Các lô hàng từ DN trong nước tiếp tục giảm cho thấy DN Việt đang mất dần năng lực cạnh tranh, không tận dụng được nguồn lao động giá rẻ, xuất khẩu hằng quý chỉ dừng ở mức 10,6 tỉ USD. “Trong quý I, thâm hụt thương mại của các DN trong nước mở rộng lên 3,8 tỉ USD, còn khối DN FDI tiếp tục thặng dư ở mức rất cao” - HSBC Việt Nam nhận xét.
Đừng vội mừng!
Theo TS Bùi Trinh, bản chất của kinh tế Việt Nam là hoàn toàn gia công nhưng chúng ta không nhìn thẳng vào để tìm cách thay đổi mà vui mừng trên những con số tăng trưởng đơn thuần. Mới đây, nhiều DN lớn chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp là điểm sáng nhưng phải nhìn lại mình, vì sao bầu Đức qua Lào sản xuất được đường giá rẻ nhưng trong nước không làm được? Vai trò của các hiệp hội cũng cần xem lại, hiệp hội trở thành rào cản hoặc bắt tay với DN để “bóp chết” nông dân và người tiêu dùng, trong khi người sản xuất ra hàng hóa lẽ ra phải được quyền định giá bán...
“Khi lợi nhuận của DN làm ra chỉ vài phần trăm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động và cho vay thì không ai dại gì mạo hiểm đầu tư, phải kéo lãi suất xuống để lấy lại niềm tin của DN” - TS Bùi Trinh nhấn mạnh.
Kỳ tới: Lợi nhuận teo tóp
Theo NLĐ