Với mục tiêu giữ vững và mở rộng thị phần, tạo thuận lợi cho mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU), Chính phủ Việt Nam đang tiến hành đàm phán để đi đến ký kết với EU “Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản” (gọi tắt là VPA/FLEGT).
VPA/FLEGT là Hiệp định thương mại song phương giữa hai bên để tháo gỡ hàng rào kỹ thuật về yêu cầu trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp, đối với ngành đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường 28 nước châu Âu.
Tháo gỡ rào cản kỹ thuật cho gỗ Việt
“Tăng cường thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản” (FLEGT) là chương trình hành động của EU nhằm đối phó với tình trạng khai thác, buôn bán gỗ, các sản phẩm gỗ bất hợp pháp trên thị trường EU và ra khỏi các quốc gia ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) với EU.
Theo thống kê của EU, những năm qua, nạn phá rừng trên thế giới không chỉ khiến ngân sách của các quốc gia thất thu khoảng 10 tỉ USD một năm mà còn là một trong những tác nhân chính gây biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững. Để thực hiện kế hoạch của mình, tháng 5/2003, EU đưa ra dự thảo đầu tiên về chương trình hành động FLEGT. Một trong những nội dung quan trọng nhất của chương trình này là ký kết VPA với các quốc gia đối tác xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ vào EU.
Trên thực tế, nếu quốc gia nào chưa ký VPA/FLEGT, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của quốc gia đó vào EU vẫn phải tuân theo quy chế gỗ 995/2010 của EU có hiệu lực từ tháng 3/2013. Theo quy chế này, nhà nhập khẩu gỗ vào EU phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ, phải trả lời rõ câu hỏi “Ai là nhà cung ứng gỗ cho doanh nghiệp? Các sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU có nguồn gốc hợp pháp không?”.
Để giải trình đầy đủ các nhà nhập khẩu gỗ vào EU phải chứng mình bằng nhiều giấy tờ, thủ tục, liên quan đến các cơ quan quản lý trong và ngoài nước mà khả năng rủi ro pháp lý vẫn có thể xảy ra. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào EU vẫn đang phải thực thi quy chế này.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, cơ quan đầu mối đàm phán VPA, Chính phủ Việt Nam và EU bắt đầu tiến hành đàm phán để tiến tới ký kết VPA/FLEGT từ cuối năm 2010. Hai bên thỏa thuận, Việt Nam sẽ thiết lập một hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp trên cơ sở pháp luật Việt Nam (gọi tắt là VNTLAS) để xác minh và cấp phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU.
Dự kiến hai bên sẽ kết thúc đàm phán Hiệp định vào cuối năm 2015. Khi các doanh nghiệp được cấp phép FLEGT, thì các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU không phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy chế gỗ 995 - một “rào cản kỹ thuật” khắt khe đối với sản phẩm gỗ Việt sẽ được tháo gỡ.
Tạo cơ hội không chỉ với doanh nghiệp
Việt Nam là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á và thứ hai châu Á về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt tại thị trường hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ với 4 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và EU. Ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trong 10 năm qua tăng trưởng mạnh, bình quân giai đoạn 2007- 2013 tăng gần 16% và là một trong 5 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất.
Chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, EU là thị trường lớn thứ tư (sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản) có sức hút đối với các doanh nghiệp Việt Nam, tiềm năng xuất khẩu đồ gỗ vào EU còn rất lớn. Nếu VPA được ký kết, các doanh nghiệp Việt có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh do không phải giải trình theo quy chế 995 của EU so với những doanh nghiệp ở những quốc gia chưa ký hiệp định này. Nghĩa là tiết kiệm được thời gian, chi phí hành chính, chi phí cơ hội và đạt tiêu chuẩn khắt khe đầu tiên của EU về gỗ hợp pháp.
Bà Nguyễn Tường Vân, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo FLEGT và Lacey, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng: “Khi đã có giấy phép VPA/FLEGT, sản phẩm gỗ của doanh nghiệp xuất khẩu vào EU sẽ tránh được các rủi ro pháp lý so với hiện nay.”
Bên cạnh đó, nếu Việt Nam ký VPA với EU sẽ tăng niềm tin với các khách hàng Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản là những thị trường đã áp dụng các qui chế tương tự như EU về nguồn gốc gỗ hợp pháp, qua đó góp phần mở rộng các thị trường xuất khẩu quan trọng này cho ngành gỗ Việt Nam.
Với trên 3.500 doanh nghiệp, sử dụng khoảng 300.000 lao động, Việt Nam đã hình thành 5 trung tâm chế biến gỗ lớn. Tuy nhiên, giá trị gia tăng các sản phẩm còn thấp (tỉ trọng xuất khẩu dăm còn cao, chủ yếu xuất qua nhà nhập khẩu EU), nhiều sản phẩm gỗ chưa có thương hiệu nổi tiếng.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM Huỳnh Văn Hạnh, phân tích: “VPA/FLEGT sẽ khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải năng động hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, từng bước sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém hoặc làm ăn phi pháp theo quy luật đào thải của thị trường. Từ đó tạo thêm nhiều thương hiệu gỗ tầm cỡ mang tên Việt Nam”.
Không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị phần, các chuyên gia kinh tế còn cho rằng: VPA/FLEGT là một trong những Hiệp định để Việt Nam thực hiện chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, từng bước nâng cao năng lực thích ứng của các cơ quan quản lý nhà nước.
Cùng với việc ký kết các hiệp định khác, đây cũng là dịp để các cơ quan của Chính phủ rà soát hệ thống pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, về môi trường và đặc biệt là hệ thống các quy định về xuất, nhập khẩu, thuế, hải quan, cải cách thủ tục hành chính… cho phù hợp với các thông lệ và cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, VPA/FLEGT sẽ góp phần thúc đẩy quản lý rừng bền vững chống biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức cho hàng triệu hộ dân trong việc trồng, bảo vệ, khai thác và chế biến các sản phẩm từ rừng trồng, rừng tự nhiên./.
“Hiện có 6 nước đã ký VPA với EU bao gồm Indonesia, Ghana, Cameroon, Liberia, Cộng hòa Congo và Cộng hòa Trung Phi. Các nước này được gọi là “các nước đối tác của VPA” đang tiến hành xây dựng các hệ thống nhằm kiểm tra, xác minh và cấp phép FLEGT cho gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp. Chín quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, Lào, Thái Lan và Malaysia, đang tiến hành đàm phán với EU và 11 quốc gia khác ở châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm đối với VPA”.
Theo VOV