Trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 5/11 cho biết, theo tuyên bố của Hạm đội 7, Trung tá Cameron Aljilani đã bị cách chức Hạm trưởng, cùng bị cách chức còn có Thiếu tá Hạm phó Patrick Cashin và Thủy thủ trưởng Cory Rodgers.
Tuyên bố nói rằng Phó Đô đốc Karl Thomas, Tư lệnh của Hạm đội 7, đã "mất niềm tin" vào họ. Ông Thomas cho rằng chỉ cần đưa ra những phán đoán và quyết định đúng đắn, chú ý đến việc chấp hành của đội ngũ thủy thủ và làm tốt công tác quản lý rủi ro thì sự cố đâm va vào núi ngầm của chiếc USS Connecticut có thể tránh được.
Bộ Tư lệnh Hạm đội 7 cũng quyết định thay thế họ bằng một kíp chỉ huy mới gồm Đại tá John Witte, Trung tá Joe Sammur và Quân sĩ trưởng Paul Walters đã được bổ nhiệm làm Hạm trưởng lâm thời, Hạm phó lâm thời và Thủy thủ trưởng lâm thời.
Ngoài ra, do thiếu cơ sở ụ tàu để sửa chữa tàu ngầm ở Guam, tuyên bố của Bộ Tư lệnh Hạm đội 7 cũng tiết lộ rằng tàu USS Connecticut sau khi sửa chữa ban đầu ở Guam sẽ được đưa trở lại cảng Hải quân Bremerton ở bang Washington để tiếp tục sửa chữa duy tu.
Thông báo kỷ luật các chỉ huy tàu USS Connecticut của Bộ Tư lệnh Hạm đội 7. |
Cách đây một tháng, vào ngày 2/10, tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut đã va chạm với một vật thể không xác định khi đang cơ động trong trạng thái lặn ở Biển Đông, khiến hơn một chục thủy thủ trên tàu bị thương. Quân đội Mỹ đã không xác nhận tin này cho đến ngày 8/10 sau khi USS Connecticut đã đến Guam. Điều này sau đó đã làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng từ Trung Quốc và các quốc gia ven biển khác, nhiều lần yêu cầu Mỹ phải làm rõ về vụ việc.
Ngày 1/11, gần một tháng sau khi vụ tai nạn xảy ra, quân đội Mỹ mới công bố báo cáo điều tra, cho biết tàu USS Connecticut bị mắc cạn trên một dãy núi ngầm không xác định dưới đáy biển khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng không tiết lộ về thiệt hại. Theo một nguồn tin được trích dẫn trên trang web của Hiệp hội Hải quân Hoa Kỳ, khoang chứa nước ở phía trước tàu ngầm đã bị hư hỏng trong vụ tai nạn, điều này khiến tàu USS Connecticut buộc phải nổi lên di chuyển trên mặt nước với tốc độ thấp và mất một tuần để đi từ Biển Đông đến Guam. Nhưng trước đó, quân đội Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng lò phản ứng hạt nhân và hệ thống đẩy của tàu ngầm không hề bị hư hại.
Hai nơi có thể bị hư hại ở đầu con tàu sau vụ va đập (Ảnh: CCTV). |
Phía Trung Quốc trước đó đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về vụ tai nạn và yêu cầu Mỹ làm rõ các chi tiết. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 2/11: “Phía Mỹ chỉ đưa ra một tuyên bố mập mờ một tuần sau vụ tai nạn, nói rằng chiếc tàu ngầm hạt nhân đã va phải một vật thể không xác định. Gần một tháng sau khi vụ tai nạn xảy ra, Mỹ nói rằng nó đã đâm vào một ngọn núi chưa được đánh dấu dưới đáy biển, và cố tình bỏ qua vị trí cụ thể của vụ tai nạn là, gọi nơi đó là ‘vùng biển quốc tế ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương’; không giải trình rõ về ý đồ hành trình của con tàu, địa điểm cụ thể con tàu xảy ra sự cố, có nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thậm chí là lãnh hải của các quốc gia khác hay không? liệu có mối lo ngại và nghi ngờ nghiêm trọng nào về sự cố rò rỉ hạt nhân và gây thiệt hại đối với môi trường biển hay không?... Điều này đã phơi bày hoàn toàn sự không minh bạch và vô trách nhiệm của Mỹ”..
Ông Uông Văn Bân nói: “Chúng tôi một lần nữa thúc giục phía Mỹ giải thích chi tiết hoàn cảnh của vụ tai nạn và trả lời đầy đủ những lo ngại và nghi ngờ của các nước trong khu vực. Điều then chốt là Mỹ ngừng đưa tàu chiến, máy bay quân sự đến gây rối, phô trương vũ lực và dừng các hành động gây tổn hại đến chủ quyền và an ninh của các quốc gia khác. Nếu không, những vụ tai nạn như vậy e rằng sẽ không ít đi, mà chỉ nhiều hơn”.