Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ hôm thứ Hai (1/11) cho biết chiếc tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Seawolf, USS Connecticut, bị hư hại bởi vật thể lạ khi đang di chuyển ngầm ở Biển Đông vào ngày 2/10. Kết quả điều tra phán đoán tàu USS Connecticut đã đâm vào một ngọn núi ngầm dưới đáy biển không được đánh dấu trên hải đồ. Con tàu này hiện vẫn đang neo đậu ở Guam để sửa chữa, và bức ảnh chính thức đầu tiên về nó sau vụ tai nạn cũng đã lộ diện.
Thông tin về thông báo của Hạm đội 7 trên USNI News. |
Hayley Sims, người phát ngôn của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, cho biết: “Cuộc điều tra xác định rằng tàu Connecticut đã mắc cạn trong khi hành trình trong vùng biển quốc tế ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và đâm vào một ngọn núi ngầm không được đánh dấu trên hải đồ”. Kết luận của cuộc điều tra đã được đệ trình lên Phó Đô đốc Karl Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 để quyết định có thực hiện các hành động tiếp theo, bao gồm cả truy cứu trách nhiệm. .v.v.; nhưng thông báo của Hạm đội 7 vẫn không tiết lộ tình hình thiệt hại của tàu USS Connecticut.
Về lý do tại sao tàu USS Connecticut không thể phát hiện ra núi ngầm dưới đáy biển, giới quan sát bên ngoài suy đoán rằng chiếc tàu ngầm đã sử dụng "sonar thụ động" khi di chuyển vào lúc xảy ra sự cố; tức là nó không chủ động phát ra bất kỳ tín hiệu sonar nào khi đang lặn dưới nước, mà chỉ đánh giá và xác định các vật thể xung quanh bằng cách nhận các tín hiệu âm thanh khác nhau từ môi trường xung quanh. Mặc dù cách hành trình này đảm bảo được khả năng che giấu chiếc tàu ngầm, nhưng đồng thời cũng làm tăng nguy cơ đâm va phải vật thể lạ.
Tàu ngầm USS Connecticut (Ảnh: Sina). |
Đồng thời, căn cứ theo các bức ảnh do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, Bộ trưởng Hải quân Carlos Del Toro hôm 30/10 đã lên tàu hỗ trợ tàu ngầm Emory S. Rand tại Căn cứ Hải quân Guam để thị sát. Trong bức ảnh chụp ông Toro có thể thấy, tàu Connecticut đang đậu ở một cầu tàu gần đó, vỏ ngoài không có thiệt hại nào, nhưng xuất hiện một số dây cáp, và một cấu trúc màu đen không xác định xuất hiện trên bề mặt của thân tàu. Tuy nhiên, phần mũi tàu có thể bị hư hại nghiêm trọng do va chạm với núi, đặc biệt là bên trong có mảng sonar hình cầu khổng lồ.
Do ở Guam không có ụ đà tàu lớn nên rất có thể tàu Connecticut sẽ được sửa chữa bước đầu ở đó để đảm bảo có thể ra biển an toàn để đến Hawaii và cả những xưởng đóng tàu lớn ở Bờ Tây để sửa chữa thêm. Ngoài Connecticut, còn có hai tàu ngầm cùng lớp là Seawolf và Jimmy Carter. Tàu ngầm lớp này có tính năng rất tiên tiến và chuyên làm nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, quân đội Mỹ có thể phải tốn thêm nguồn lực và thời gian để sửa chữa tàu Connecticut.
Vị trí tàu USS Connecticut nổi lên ở phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa (Ảnh: SCSPI). |
Theo trang tin Dwnews ngày 2/11, sau khi phía Mỹ công bố kết quả điều tra vụ tai nạn va chạm tàu ngầm hạt nhân trên Biển Đông, nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc bày tỏ sự thất vọng và nghi ngờ Mỹ chưa trả lời 3 vấn đề quan trọng mà cộng đồng quốc tế quan tâm nhất và không loại trừ khả năng rò rỉ hạt nhân.
Theo trang web của Hiệp hội Hải quân Mỹ (USNI News) ngày 1/11, Hạm đội 7 của Mỹ ngày 1/11 đã đưa ra tuyên bố liên quan đến vụ va chạm của tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf USS Connecticut trên Biển Đông.
Tuyên bố nói rằng cuộc điều tra của họ đã kết luận rằng tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của Mỹ vào ngày 2/10 đã đâm vào một "vỉa núi không xác định" ở Biển Đông chứ không phải một tàu khác.
Ảnh vệ tinh chụp tàu USS Connecticut neo đậu ở Guam sau khi va chạm. |
Theo tin của Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc ngày 2/11, các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng tuyên bố điều tra tai nạn quân sự của Mỹ thiếu chân thành, không minh bạch và thiếu chuyên nghiệp, không đáp ứng được những quan ngại và nghi ngờ của cộng đồng quốc tế, mong quân đội Mỹ sẽ giải trình chi tiết về vụ va chạm của tàu ngầm hạt nhân này.
Ông Trương Quân Xã, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, ngày 2/11 cho biết qua xem xét tuyên bố chính thức của Hạm đội 7, “thấy vẫn giấu diếm và không phản hồi về 3 vấn đề quan trọng mà cộng đồng quốc tế quan tâm nhất khiến người ta thất vọng".
Trương Quân Xã chỉ ra rằng 3 vấn đề quan trọng này bao gồm: Vị trí cụ thể của vụ va chạm của tàu ngầm hạt nhân xảy ra ở đâu? Tàu ngầm hạt nhân đã thực hiện nhiệm vụ gì vào thời điểm va chạm? Vụ va chạm của tàu ngầm hạt nhân có làm rò rỉ hạt nhân và gây ô nhiễm môi trường biển không?
Hai vị trí ở đầu tàu USS Connecticut được cho là bị hư hại sau vụ va đập (Ảnh: CCTV) |
Một chuyên gia quân sự khác là Tống Trung Bình cũng cho rằng nếu tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut thực sự va vào núi ngầm, thì có thể có sự cố rò rỉ hạt nhân; hơn nữa sau vụ tai nạn, quân đội Mỹ đã cử một máy bay trinh sát hạt nhân WC-135w tới Biển Đông để quan trắc; điều này khiến mối nghi ngờ càng đáng được suy đoán.
Tống Trung Bình chỉ ra rằng, do đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc yêu cầu quân đội Mỹ công bố vị trí xảy ra vụ tai nạn, nguyên nhân vụ va chạm và liệu có rò rỉ hạt nhân hay không là rất hợp lý.
Ngoài ra, ông Tống Trung Bình cũng nhắc nhở sẽ không loại trừ việc Mỹ đổ vấy vụ tai nạn cho Trung Quốc, “chỉ trích tàu đánh cá của Trung Quốc ở Biển Đông quấy rối hoạt động của tàu trinh sát của quân đội Mỹ, khiến Mỹ không thể vẽ được hải đồ chính xác".
Bức ảnh chính thức đầu tiên về con tàu lộ diện sau sự cố (Ảnh: Sina). |
Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên vào tháng trước đã tuyên bố, Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về vụ việc liên quan và yêu cầu Mỹ làm rõ. Ông Triệu Lập Kiên nói: “Từ lâu, Mỹ đã gây sóng gió ở Biển Đông dưới chiêu bài ‘tự do hàng hải’, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng và nguy cơ lớn đối với hòa bình và ổn định khu vực. Trung Quốc và các nước ven Biển Đông có lý do để yêu cầu Mỹ trả lời: Nhiệm vụ cử tàu ngầm hạt nhân đi chìm lặng lẽ ở Biển Đông lần này là gì? Rốt cục tàu đã đâm phải cái gì? Tại sao lại bị đâm? Vụ đâm có gây ra rò rỉ hạt nhân và mang lại ô nhiễm hạt nhân cho môi trường biển không? Với tư cách là bên liên quan, Mỹ có trách nhiệm và nghĩa vụ trình bày cụ thể các tình huống liên quan của vụ việc và trả lời những lo ngại và nghi ngờ của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế”.