Hình ảnh do vệ tinh Sentinel-2 chụp vào lúc 02h51 UTC (tức 10h21 giờ địa phương) ngày 29/11/2021. Mặc dù ảnh của Sentinel-2 có độ phân giải thấp, nhưng các đặc trưng của tàu ngầm với mũi tàu tròn điển hình và chiều dài cho thấy đây là một chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094.
Có ba luồng ý kiến khác nhau xung quanh vụ việc này: Thứ nhất, chiếc tàu ngầm từ căn cứ Du Lâm ở đảo Hải Nam quay về phía bắc để bảo dưỡng bình thường; Thứ hai, Trung Quốc muốn thông qua đây gửi tín hiệu đe dọa đến Mỹ và Đài Loan; Thứ ba, chiếc tàu ngầm Trung Quốc gặp sự cố, buộc phải nổi lên, di chuyển theo đường ngắn nhất và an toàn nhất để về xưởng sửa chữa. (Được biết, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc hoạt động ở các nơi nhưng thường phải quay trở lại Nhà máy ở Bột Hải để sửa chữa và đại tu).
Hình ảnh vệ tinh cho thấy chiếc Type-094 đang di chuyển trên mặt eo biển Đài Loan, phía trước là một tàu mặt nước (Ảnh: Covertshores). |
Những nhà phân tích theo ý kiến thứ ba cho rằng, việc tàu ngầm Trung Quốc băng qua eo biển Đài Loan trong trạng thái nổi lên mặt biển không phải là một sự kiện bình thường. Có thể chiếc Type-094 này đã gặp phải một sự cố nào đó và buộc phải di chuyển về xưởng để sửa chữa trong trạng thái nổi. Sự cố này nghiêm trọng nên các cơ sở ở Hải Nam không thể xử lý được. Vì thế, nó phải nổi lên và di chuyển theo đường ngắn nhất đến cơ sở sửa chữa ở phía bắc.
Các nguồn tin trước đó đề cập rằng các bức ảnh vệ tinh cho thấy chiếc tàu ngầm hạt nhân Type-094 của Trung Quốc đại lục đang hành trình theo hướng Bắc - Nam trong eo biển Đài Loan. Chuyên gia quân sự nổi tiếng H.I Sutton tại Viện Nghiên cứu Hải quân Mỹ đã nhanh nhảu đưa tin này dưới hình thức “BREAKING News” khiến một số cơ quan truyền thông đưa ra các phỏng đoán khác nhau. Ông Sutton sau đó đã thanh minh rằng động thái của chiếc tàu ngầm Type-094 chỉ là một chuyến đi bình thường và bài viết của ông trước đó chỉ có tính chất “đùa vui”.
Sutton đã mô tả lại về hành trình của chiếc Type-094 trên trang web Covert Shores và Twitter của ông ta, nói rằng chiếc tàu ngầm chiến lược này đi về phía bắc từ căn cứ tàu ngầm ở Yulin (Du Lâm) ở đảo Hải Nam trên Biển Đông qua eo biển Đài Loan được sự hộ tống của một tàu chiến khác cho thấy chiếc tàu ngầm không có ý định sẵn sàng chiến đấu hay thực hiện nhiệm vụ quân sự.
Ông Sutton nhiều lần thanh minh khi trả lời bình luận của cư dân mạng trên Twitter của mình rằng ụ đốc tàu ngầm chính của Hải quân Trung Quốc là ở ven Bột Hải, việc đi qua eo biển Đài Loan chỉ là chuyện bình thường; nếu bài viết trước đó của ông gây nên sự kinh động cho mọi người thì cho ông xin lỗi (!).
Tàu ngầm Type-094 là loại tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược (SSBN) thế hệ thứ hai của Trung Quốc đại lục, được NATO gọi là "lớp Tấn" (Jin class), có lượng choán nước dưới nước là 11.000 tấn, tổng chiều dài 133 mét và chiều rộng 13 mét. Nó được trang bị một lò phản ứng hạt nhân kiểu điều áp, chuyển động một trục, tốc độ tối đa của tàu ngầm là 26 hải lý/giờ. Do tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm loại JL-2 có chiều dài tới 13 mét, lớn hơn kích thước của vỏ áp lực nên khoang tên lửa của nó vẫn được thiết kế với phần "lưng rùa" nhô ra khỏi vỏ tàu, nên lực cản dưới nước là tương đối lớn.
Theo trang tin Dwnews ngày 1/12, hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy tàu ngầm hạt nhân Type-094 của Trung Quốc đại lục đã đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 29/11 di chuyển theo hướng bắc từ Biển Đông đến Bột Hải. Cùng ngày, các máy bay quân sự của Mỹ đã bay qua vùng trời eo biển Đài Loan để giám sát trên không.
Mỹ cho máy bay chống ngầm P-8A giám sát chiếc Type-094 phía trên eo biển Đài Loan hôm 29/11 (Ảnh: Đông Phương). |
Trang tin Hồng Kông Đông Phương viết, hình ảnh do vệ tinh Sentinel-2 chụp cho thấy, chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094 của PLA đã đi về phía bắc từ căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở Vịnh Á Long (Yalong), đảo Hải Nam, với một tàu chiến mặt nước không rõ kiểu dáng chạy "mở đường" ở phía trước. Tổ chức tư vấn Chương trình Nhận thức Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) của Trung Quốc dẫn nguồn ảnh vệ tinh cho biết một máy bay tuần tra chống tàu ngầm loại P-8A của Hải quân Mỹ đã cất cánh từ căn cứ Misawa ở tỉnh Aomori của Nhật Bản cùng ngày thứ Hai 29/11), bay từ không phận phía đông xuống phía nam Đài Loan, sau đó bay xuyên qua eo biển Đài Loan từ phía nam lên bắc trong một dịp được cho là hiếm khi xảy ra.
Đông Phương cho biết, ông Lã Lễ Thi, cựu thuyền trưởng hạm tàu Tân Giang của Đài Loan, một chuyên gia khác nêu ý kiến cho rằng nếu tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094 của Đại Lục phải đi lên phía bắc để sửa chữa thì tại sao nó lại phải nổi lên đi qua vùng biển có nhiều tàu thuyền của cả hai bên eo biển qua lại nhất. Vì vậy, ông nghi ngờ nó chạy lên phía bắc có liên quan đến vụ va chạm với tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Connecticut của Mỹ trên Biển Đông hồi đầu tháng 10(?).