Hai vụ việc xảy ra gần đây liên quan đến thầy cô giáo khiến dư luận không khỏi buồn lòng.
Chuyện thứ nhất, cô Võ Thị Thảo. - giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Tà Cạ (Kỳ Sơn, Nghệ An) - bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. (1)
Lý do: Cô Thảo – thành viên tham dự hội đồng chọn sách của trường - đã chụp hình ảnh buổi làm việc, đăng lên Facebook kèm theo nội dung phê phán chương trình thay sách giáo khoa.
“Nội dung mà cô Thảo viết là trái với đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và của ngành giáo dục", hội đồng kỷ luật trường Tà Cạ kết luận.
Nghiêm trọng hơn, Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn còn đề nghị UBND huyện xem xét điều chuyển công tác cô Thảo tới một trường khác thuộc vùng khó khăn hơn trong thời gian tới.
Chuyện thứ hai, cô L.T.P. (cán bộ thiết bị, thư viện, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phà Đánh) bị Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) phê bình trong thông báo kỉ luật công chức, viên chức ngày 19/2/2020. (2)
Lý do: Cô P đã chụp và đăng ảnh học sinh lớp 6B của trường mình đeo khẩu trang bằng giấy lên Facebook. Sự việc nghiêm trọng đến mức, theo Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn, "làm ảnh hưởng đến uy tín của huyện cũng như của ngành và trái ngược với những gì huyện Kỳ Sơn và ngành đặc biệt quan tâm và chỉ đạo".
Thấy gì từ hai vụ kỷ luật trên?
Cả hai cô giáo đều làm cái việc chúng ta vẫn nghĩ là bình thường: Phản biện bằng cách bày tỏ ý kiến của mình (lời nói, văn bản, hình ảnh, thái độ,…). Ý kiến phản biện có thể đúng sai tùy thuộc vào nhận thức, trình độ hiểu biết của mỗi người; đúng thì tiếp thu, sai thì góp ý chứ không thể nghiêm trọng hóa vấn đề để rồi chụp mũ, quy kết vi phạm này nọ. Quản trị nhà nước mà áp đặt, độc đoán như thế thì không còn dân chủ, dân không thể “mở miệng” (Lời Hồ Chí Minh: Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra).
Hình ảnh cô Phim chụp học sinh đeo khẩu trang giấy ngày 6/02/2020 (Ảnh của VNexpress) |
Việc làm của hai cô giáo cũng chính là việc “mở miệng” của người dân. Ý kiến của cô giáo Thảo ở “tầm vĩ mô”, không phải không đáng để chúng ta suy ngẫm. Giáo dục mấy chục năm qua đã bao lần cải cách, thay sách, ngốn của ngân sách hàng trăm ngàn tỷ đồng nhưng vẫn chưa thoát khỏi tư duy dự án để giáo dục được bứt phá.
Còn hình ảnh học trò vùng sâu vùng xa do không có khẩu trang thật mà phải đeo khẩu trang giấy do cô P phản ánh là một hình ảnh gây xúc động sâu xa dư luận, không hề có chuyện "làm ảnh hưởng đến uy tín của huyện cũng như của ngành”.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phà Đánh có 323 học sinh, trong đó có 182 học sinh ở bán trú và phần lớn là con em các gia đình dân tộc, hoàn cảnh khó khăn. "Có thể các em tự làm khẩu trang giấy cho vui nhưng thực tế các em không có khẩu trang để sử dụng phòng dịch”, thầy Hiệu trưởng nói (Chính thầy cũng bị vạ lây, bị hội đồng kỷ luật Phòng GD-ĐT huyện “phê bình, nhắc nhở”).
Lẽ ra, nếu nhạy bén bằng tâm sáng, trí ngời của mình, lãnh đạo phòng GD-ĐT, chính quyền và các phòng ban chức năng của huyện khi nhận được thông tin này thì ngay lập tức xuống cơ sở kiểm tra thực tế, hỗ trợ nhà trường, phát miễn phí khẩu trang cho học sinh.
Tôi tin nếu hành sự như thế, người dân hoan hỉ, dư luận đồng tình. Đằng này, các vị chỉ chăm chắm “vạch lá tìm sâu”, động tí là kỉ luật, là tìm cách chẹt đường sống của giáo viên – đối tượng “mong manh” nhất trong nhà trường hiện nay.
Nếu cô giáo Thảo bị điều chuyển sang vùng khó thì không chỉ đối mặt với những khó khăn về vật chất, mà còn bị áp lực rất lớn về tinh thần. Điệp khúc “điều chuyển” hay “thuyên chuyển” bấy lâu nay vẫn là nỗi ám ảnh đáng sợ nhất đối với giáo viên nếu không may cuối năm, cuối kỳ hay khi mắc lỗi bị đưa vào tầm ngắm. Đã từng xảy ra chuyện, có cô giáo ở Quỳ Châu (Nghệ An) phải treo cổ tự tử, vì liên quan đến việc “điều chuyển” này).
Còn cô giáo P bị phê bình tuy không phải là hình thức kỷ luật (như ông Trưởng phòng nói) nhưng “bêu” tên (thông báo toàn ngành giáo dục huyện) thì thiếu nỗi “nạn nhân” phải lấy mo che mặt. Ai cũng trọng danh dự, thầy cô giáo càng hơn thế.
Họ kỷ luật cấp dưới nhân danh ai?
Rõ ràng chuyện Phòng GD-ĐT Kỳ Sơn kỷ luật hai cô giáo thuộc thẩm quyền của mình là không thuyết phục, không đáng có. Lãnh đạo Sở GD ĐT Nghệ An cũng đã cho rằng cách xử lý như vậy là “hoàn toàn sai", một cán bộ Sở Nội vụ thì khẳng định, đấy là thứ “lệ làng” trái pháp luật. (3)
Tuy nhiên, sự việc nhỏ như con kiến lại bị phù phép thành con voi. Cả hai đều xảy ra ở Kỳ Sơn chỉ trong vòng một tuần. Dường như ở đây, người ta thích chỉ trích ai là chỉ trích, thích kỷ luật ai là kỷ luật?
Họ tự "sáng tác" ra các hình thức kỷ luật hoàn toàn không có trong các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý kỷ luật công chức, viên chức hiện hành: Điều chuyển, thông báo toàn ngành.
Nhiều cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu chỉ muốn tìm mọi cách ràng buộc, răn đe nhằm triệt tiêu dân chủ, bịt miệng cấp dưới, biến họ thành “rô bốt” chỉ biết thực thi mệnh lệnh; để đơn vị mình quản lý luôn “yên ắng”, để bản thân mình không tuột mất các danh hiệu thi đua.
Bởi thế, giáo viên dưới quyền họ chỉ còn mỗi cách là co mình mình lại trước quyền lực, chấp nhận an phận, an toàn, đâu còn chỗ cho tâm huyết, sáng tạo hay đổi mới?
Điều khó hiểu là, những cán bộ quản lý giáo dục như thế cũng đã từng là giáo viên đứng trên bục giảng nhưng thật nguy tai, quyền lực khi vào tay họ đã tha hóa không ít người. Khi đã là lãnh đạo, họ quay quắt, sẵn sàng “đì” những người đã từng chia sẻ với mình bài giảng, kinh nghiệm chuyện môn hay cuộc sống gia đình.
Họ nhân danh ai, chứ không thể nhân danh người thầy để xử lý đồng nghiệp trong một môi trường mà lẽ ra cả việc phê bình, kỷ luật cũng phải lấy sự tôn trọng, nhân văn làm đầu.
Nguồn tham khảo:
(1). https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/co-giao-bi-ky-luat-vi-phe-phan-thay-sach-giao-khoa-618197.html
(2). https://tuoitre.vn/phe-binh-giao-vien-va-hieu-truong-vi-tam-anh-hoc-sinh-deo-khau-trang-bang-giay-20200220162710619.htm
(3). https://laodong.vn/xa-hoi/giao-vien-bi-dieu-chuyen-vi-che-sach-giao-khoa-moi-xu-ly-kieu-le-lang-785986.ldo