Phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030”, sáng nay (10/6/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng ta nói phải xây dựng công dân số, ứng dụng công nghệ thông tin nhưng không có sóng, không có điện thì không làm được gì”.
Khẳng định đây là các hạ tầng nền tảng rất quan trọng, Thủ tướng khẳng định Chính phủ đang thống kê lại, rà soát, dứt khoát phải "xóa" tình trạng còn những nơi không có điện, không có sóng.
Nhắc lại giai đoạn khó khăn do COVID-19, người đứng đầu Chính phủ nhắc tới những ngày tháng phải đóng cửa trường học và tự hào rằng, cùng với khoa học, công nghệ phát triển, Việt Nam đã mở ra cơ hội học tập thông qua internet, thông qua trực tuyến.
“Chúng ta phát huy được tinh thần tự học, thông qua khoa học công nghệ để học tập. Đây được xem là kinh nghiệm quý, khi chúng ta có khó khăn thì ló cái khôn”, Thủ tướng nói và bày tỏ tâm đắc với câu ca dao: “Non cao còn có đường trèo/ Đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi”, để thấy trong khó khăn thách thức, dân tộc ta lúc nào cũng tìm được con đường đi phù hợp để đi đến đích, đi đến chiến thắng.
Nói về việc đẩy mạnh việc học tập suốt đời, Thủ tướng cho rằng chúng ta cần tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và phát triển xã hội học tập, ứng dụng công nghệ đào tạo mở, từ xa, xây dựng thành phố học tập, nông thôn học tập; tiếp thu và phát triển những kiến thức mới trong các lĩnh vực khoa học công nghệ đã và đang thực sự là xu thế của thế giới.
Thúc đẩy việc học tập của người dân trong điều kiện mới
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, ngành Giáo dục và Đào tạo quyết tâm cao, tin tưởng chắc chắn phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” vừa được phát động sẽ tạo khí thế mới mới để thúc đẩy việc học tập của toàn thể người dân trong bối cảnh, yêu cầu và điều kiện mới.
Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” với mục đích tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến học Việt Nam, mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội, các doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi công dân cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và hiệu quả của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong điều kiện nền kinh tế số, xã hội số. Cùng với đó là việc thi đua thực hiện Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời; phát huy sáng kiến, giải pháp khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập
“Thi đua thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; thi đua đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và xây dựng mô hình công dân học tập; vận động toàn dân tham gia xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh học tập suốt đời; thi đua tăng cường thông tin về kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực giáo dục người lớn, công nghệ đào tạo mở, từ xa; xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh học tập suốt đời đối với mọi công dân”, TS. Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 4 mục tiêu chính, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” đã đạt được 2 mục tiêu lớn là “Xoá mù chữ và phổ cập giáo dục”, “Học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn”.
Đến nay, 63/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, trong đó 46/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. 63/63 tỉnh/thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.
Một kết quả quan trọng khi thực hiện Đề án là hình thành được mô hình xã hội học tập ở cấp xã. Đây là bước đi chiến lược chỉ có ở Việt Nam. Trong khi các nước xây dựng xã hội học tập ở cấp thành phố trở lên thì Việt Nam đã tiếp cận tới cấp nhỏ hơn là cơ sở và tạo động lực, huy động được người dân tham gia học tập. Cách làm riêng này đã được UNESCO và các quốc gia công nhận.