Vụ quy định “kiểm dịch” làm khổ doanh nghiệp da giày: Vì sao “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược“?

Quyết định 4758/QĐ-BNN-TY ngày 18.11.2015 của Bộ NN-PTNT, quy định “kiểm dịch” đối với da thuộc xuất – nhập khẩu có nguồn gốc động vật, gây khó khăn cho hàng trăm doanh nghiệp ngành da giày… Tuy nhiên, ngay sau quyết định trên, một văn bản của Cục Thú y, thuộc Bộ NN-PTNT lại có phản hồi ngược lại (?!). 
Sản xuất giày da xuất khẩu tại Cty giày Thánh Bình (Bình Phước)
Sản xuất giày da xuất khẩu tại Cty giày Thánh Bình (Bình Phước)

Ngày 30.11.2015, ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y - đã ban  hành văn bản số 2379/TY-KD, gửi Cty cổ phàn ICD Tân Cảng – Long Bình, sau khi  Cty này gửi văn bản thắc mắc, xin được trả lời xung quanh quy định “kiểm dịch” mới đây. 

Theo Cục Thú y: Căn cứ quyết định số 45/2005/QĐ-BNN ngày 25.7.2005 của Bộ NN-PTNT, về việc ban hành danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch và các quy định hiện hành, Cục Thú y cho rằng: “Đối với sản phẩm da thành phẩm (da trâu, bò, lợn… đã được thuộc để làm nguyên liệu sản xuất giày, dép, túi, cặp…), khi nhập khẩu vào Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc theo hình thức kho ngoại quan, thì không phải thực hiện việc kiểm dịch.

Doanh nhân da giày VN đang tìm kiếm nguyên liệu da thuộc tại tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc để nhập khẩu về VN.
Doanh nhân da giày VN đang tìm kiếm nguyên liệu da thuộc tại tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc để nhập khẩu về VN.

Đối với sản phẩm da sơ chế (da trâu, bò, lợn…đã được thuộc sơ bộ, chưa là thành phẩm để làm nguyên liệu sản xuất giày, dép, túi, cặp…): - Đối với sản phẩm da được nhập khẩu vào Việt Nam để tiếp tục tiến hành các công đoạn thuộc da để tạo ra sản phẩm da thành phẩm, đề nghị đăng ký kiểm dịch nhập khẩu theo quy định hiện hành – Đối với sản phẩm da được vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam, theo hình thức kho ngoại quan thì không phải thực hiện việc kiểm dịch”.

Ngoài ra, theo Cục Thú y: “Đối với sản phẩm da thành phẩm sơ chế nêu trên; Cty có nhu cầu xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước, cơ quan thú y cửa khẩu sẽ thực hiện việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất nhập khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo yêu cầu của chủ hàng”.

Hàng năm, các DN da giày VN nhập khẩu khoảng 500 triệu squara feet da thuộc về làm nguyên liệu sản xuất
Hàng năm, các DN da giày VN nhập khẩu khoảng 500 triệu squara feet da thuộc về làm nguyên liệu sản xuất

Như vậy, vấn nạn mà hàng trăm doanh nghiệp da giày kêu “khổ” gần đây đã được Cục Thú y giải tỏa. Da thuộc thành phẩm mà doanh nghiệp ngành da giày nhập khẩu về làm nguyên liệu sản xuất sẽ “không phải thực hiện việc kiểm dịch”.

 Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây, khẳng định “không kiểm dịch” trên của Cục Thú y lại trái ngược với quyết định 4758 của Bộ NN-PTNT ban hành ngày 18.11.2015 là quy định “phải kiểm dịch”.Không thể một vấn đề mà “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như vậy. 

Một chủ trương, một chính sách từ cơ quan hành chính nhà nước ảnh hưởng đến cả nước, hàng trăm ngàn DN…, đòi hỏi phải nhất quán, thống nhất từ các bộ, ngành trung ướng cho đến các cấp trực thuộc.

Thế nhưng, trong sự vụ này lại xảy ra hiện tượng lạ lùng, Bộ NN-PTNT quy định là vậy, nhưng Cục Thú y lại giải thích một nẻo. Lẽ đương nhiên, trả lời của Cục Thú y là sự “giải tỏa” hết sức quý báu cho hàng trăm DN da giày đang kêu “khổ” vì quy định bất hợp lý của Bộ NN-PTNT. Hàng trăm DN biết nghe theo cơ quan nào cho đúng, trong khi Bộ NN-PTNT lại là cơ quan chủ quản của Cục Thú y ?

Theo Lao động