WSJ: TPP sẽ kéo nhà đầu tư ào ạt đổ bộ vào Việt Nam

Giám đốc điều hành của Trung tâm thương mại châu Á cho rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ "ồ ạt đổ bộ vào Đông Nam Á" khi các văn bản cuối cùng của thỏa thuận được công bố. 
TPP sẽ mang đến cho các nền kinh tế thành viên nhiều ưu đãi, gỡ bỏ hoặc miễn giảm một số loại thuế quan đối với hầu hết các lĩnh vực xuất nhập khẩu.
TPP sẽ mang đến cho các nền kinh tế thành viên nhiều ưu đãi, gỡ bỏ hoặc miễn giảm một số loại thuế quan đối với hầu hết các lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Thậm chí trước khi Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, các công ty đã rốt ráo chuẩn bị kế hoạch mở rộng tới Việt Nam và Malaysia.

Đây được xem như hai nền kinh tế phát triển tại châu Á, phụ thuộc mạnh vào hoạt động ngoại thương, Nhật báo phố Wall nhận định.

Theo Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson của Mỹ, hiệp định thương mại khổng lồ đã thay đổi thế cờ của các nền kinh tế quốc dân này, với GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng thêm 29% tính đến 2025 nhờ TPP, tỷ lệ này của Malaysia là khoảng 12%.

Ồ ạt đổ bộ

"Thỏa thuận vừa đạt được là hiệp định tự do thương mại tuyệt vời nhất trong vòng 20 năm qua", Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á nhận định.

Ông cho rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ "ồ ạt đổ bộ vào Đông Nam Á" khi các văn bản cuối cùng của thỏa thuận được công bố.

Mặc dù quy mô của một số nền kinh tế tham gia TPP thuộc top đầu thế giới, những quốc gia nhỏ hơn mới là phía được lợi nhiều nhất, tờ báo nhận định.

Ví dụ, Malaysia và Việt Nam là hai quốc gia hiện không có FTA với Mỹ - thị trường tiêu thụ mạnh cả nguyên liệu thô và sản phẩm cuối cùng. Mỹ đánh thuế 10% hoặc cao hơn đối với hàng may mặc từ những nước tương tự.  

TPP sẽ mang đến cho các nền kinh tế thành viên nhiều  ưu đãi, gỡ bỏ hoặc miễn giảm một số loại thuế quan đối với hầu hết các lĩnh vực xuất nhập khẩu, mang lại lợi thế so với các nước không tham gia như Trung Quốc, Thái Lan hay Indonesia.

Thuế quan đối với hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ dự kiến sẽ được giảm từ 17% xuống 0%.

Tính đến tháng 7/2015, Mỹ đã nhập khẩu 10,8 tỷ USD hàng may mặc từ Việt Nam. Đối với hàng hóa xuất xứ từ Malaysia, Mỹ tiêu thụ tổng trị giá 30 tỷ USD hàng hóa trong cả năm 2014.

“Chúng tôi đã chờ đợi điều này từ rất lâu rồi. Sau vài năm, tôi tin rằng bức tranh ngành sản xuất toàn cầu sẽ hoàn toàn đổi khác”, ông Tang Chong Chin, Giám đốc điều hành công ty dệt may Malaysia United Sweethearts cho hay.

United Sweethearts đang lên kế hoạch mở một nhà máy thứ hai tại Việt Nam, và TPP sẽ đẩy nhanh dự án này, ông Tang cho biết.

Ông dự kiến doanh thu công ty có thể tăng gấp đôi trong vòng 5 năm nếu thuế quan được gỡ bỏ.

Cân nhắc giữa lợi ích và thực tế

David Hon, Giám đốc điều hành của công ty sản xuất xe đạp Duarte của Mỹ, bày tỏ ý định cắt giảm sản xuất Trung Quốc và châu Âu để chuyển sang Việt Nam hay Malaysia. Tuy nhiên trước đó, ông muốn chứng kiến các nước thành viên TPP nhận được nhiều ưu đãi hơn nữa.

Ngoài ra, ông cho biết phải cân nhắc giữa lợi ích về thuế quan do TPP mang lại so với điều kiện kinh doanh tại nước nhận đầu tư.

Ví dụ, ông chỉ ra rằng chuỗi cung ứng đối với mặt hàng xe đạp ở Malaysia và Việt Nam không phát triển như Trung Quốc.

"Tuy nhiên nếu TPP diễn ra suôn sẻ, lượng đơn đặt hàng từ các nước thành viên sẽ tăng lên một cách tự nhiên, lúc đó chúng tôi sẽ chuyển nhà máy sản xuất tới đó", ông Hon nói.

Theo Bizlive