Giúp Nhà sản xuất hiểu vấn đề cho đúng với sự thật
Gần đây dư luận đặc biệt là Việt kiều ở Kiev (Ukraine) phản ánh về việc quả địa cầu "hô biến" một số vùng lãnh thổ của Việt Nam được bày bán tại các cửa hàng thiết bị, đồ dùng dạy học ở nước này. Ông có bình luận gì về việc này?
- Tôi được biết thông tin này cách đây không lâu và dư luận cũng như các hãng thông tấn nước ngoài rất tâm sự việc này. Trước hết tôi đánh giá rất cao về trách nhiệm và sự quan tâm của bà con ở Kiev và cơ quan ngoại giao đã thông tin về Việt Nam, thậm chí đã làm việc với cơ quan xuất bản quả cầu này.
Tuy nhiên, cần xem xét một cách khách quan và tìm ra được nguyên nhân có sự xuất hiện của quả địa cầu không chuẩn xác này cũng như tác hại của nó. Đó là vấn đề cần nên đặt ra để cùng nhau tìm hiểu.
Theo nghiên cứu của tôi, một quả địa cầu mang tính chất biểu tượng, như là sơ đồ để chỉ ra vị trí về hình dáng của lãnh thổ. Do đó, chưa đủ thông tin để khẳng định lãnh thổ đó bị mất hay bị xâm chiếm. Tất nhiên, về cảm nhận thì dễ dàng nhận ra phần lãnh thổ bị vẽ thiếu hay trên biển Đông không ghi Hoàng Sa, Trường Sa. Người Việt vốn nhạy cảm về vấn đề này.
Quả địa cầu sai lệch là sự thiếu tôn trọng của những người sử dụng. Đó là trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, các nhà xuất bản, bởi đã cung cấp thông tin cho công chúng thì phải chính xác, khách quan nhất có thể chứ không thể làm bừa bãi.
Ta nên có ý kiến với họ về việc liên quan đến biên giới lãnh thổ không chuẩn xác, sai lệch so với kết quả thực tế giữa các nước. Họ nên sửa lại cho chuẩn xác bởi vì công cụ giáo dục cho học sinh và người nghiên cứu đặt yêu cầu tiên quyết về sự chính xác. Nếu chúng ta để thông tin sai thì sẽ làm hại cho kiến thức của thế hệ trẻ và cả người nghiên cứu.
Trao đổi với VietTimes, ĐSQ Việt Nam tại Ukraine cho rằng quả địa cầu chỉ là giáo cụ trực quan, có tính chất mô phỏng, không phải bản đồ hành chính hay chính trị, nên chấp nhận tỷ lệ sai số nhất định. Ông có chia sẻ quan điểm này?
- Chúng ta có các loại bản đồ khác nhau, cách thể hiện khác nhau và những cơ quan xuất bản khác nhau, có thể là nhà nước hay tư nhân. Vậy có rất nhiều loại bản đồ và cái giá trị pháp lý ở mức độ khác nhau chứ không phải tất cả bản đồ đều có giá trị pháp lý.
Theo tôi, với các bản đồ vẽ sai lệch lãnh thổ Việt Nam, có thể quốc gia nào đó có những tính toán nhất định, nhưng bản đồ không có giá trị pháp lý gì, ngoại trừ nó kèm theo văn bản chính thức của nhà nước. Loại bản đồ của các nhà xuất bản tư nhân xuất bản thì chỉ là tài liệu tham khảo. Cho nên, quả địa cầu này chỉ là công cụ giảng dạy cho học sinh, có tính chất mô phỏng và không chi tiết.
Theo ông, những vụ việc này nên được xử lý thế nào, mà cụ thể là Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện tại Ukraine nên có phản ứng thế nào trong tình huống này, thưa ông?
- Trên tinh thần khách quan, cầu thị, thiện chí, các cơ quan chức năng của Việt Nam, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nên có trao đổi về mặt chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp thông tin chuẩn xác để họ sửa đổi.
Tất nhiên, ở đây chúng ta muốn đóng góp và xây dựng trên tinh thần khách quan cầu thị. Chúng ta nên đóng góp ý kiến cho các nhà khoa học, nhà xuất bản, đặc biệt phải cung cấp thông tin với độ chính xác càng cao càng tốt. Nếu để phát tán những thông tin không được chuẩn xác này, sẽ tạo ra suy nghĩ sai lệch cho thế hệ trẻ, nguy cơ tạo ra điều bất lợi.
Theo tôi đó là cách làm hết sức xây dựng, tích cực. Chúng ta không nên đao to búa lớn. Có thể họ có lấy từ nguồn thông tin nào đó chưa chính xác thì chúng ta cần giúp họ hiểu vấn đề cho đúng với sự thật.
"Trên tinh thần khách quan, cầu thị, thiện chí, các cơ quan chức năng của Việt Nam, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nên có trao đổi về mặt chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp thông tin chuẩn xác để họ sửa đổi" - Tiến sỹ Trần Công Trực
|
Ông có cho rằng các cơ quan khác nên cùng đồng hành với Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện của Việt Nam trong việc giải quyết vụ việc này?
- Tôi cho rằng, quả cầu không có giá trị về mặt pháp lý mà chỉ là sai sót về mặt kỹ thuật. Do đó, các cơ quan làm bản đồ nên có trao đổi về mặt khoa học, nên cung cấp các thông tin chính xác về lãnh thổ Việt Nam, đường biên giữa Việt Nam và Trung Quốc, Lào và Campuchia và kể cả các vấn đề trên biển.
Chúng ta phải giải thích để người ta hiểu rõ bởi nếu những thông tin sai lệch xuất phát từ bất kỳ quốc gia nào khác đều có thể gây khó khăn cho chúng ta trong việc tập hợp một tiếng nói chung để ủng hộ cho lập trường chính đáng để bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta. Tôi muốn nhấn mạnh về điều đó chứ không phải vấn đề vì mục đích nào khác.
Cẩn trọng trước các thủ đoạn xuất bản
Như ở trên ông có đề cập, người Việt rất nhạy cảm với những thông tin về chủ quyền, về những bản đồ in sai lệch lãnh thổ. Ông lý giải thế nào về việc này?
- Tôi cho rằng sở dĩ người Việt Nam và người nước ngoài nhạy cảm về vấn đề này rõ ràng là có nguyên nhân sâu xa của nó. Trong quá trình Trung Quốc tìm mọi cách để bành trướng về vấn đề lãnh thổ biên giới, đặc biệt trên biển Đông thì họ có rất nhiều thủ đoạn, trong đó có việc sử dụng các loại bản đồ. Thậm chí các học giả quốc tế cho rằng, Trung Quốc thực hiện ý đồ của bành trướng của họ bằng cuộc chiến tranh về bản đồ.
Họ dùng bản đồ để chí ít tuyên bố với thế giới rằng Trung Quốc đã có phạm vi lãnh thổ mở rộng như thế này đây. Chẳng hạn, chúng ta đã thấy, họ vẽ bản đồ đường biên giới trên biển theo hình lưỡi bò (phi pháp), lãnh thổ Trung Quốc chiếm tới 90% biển Đông. Và bản đồ đó phát hành rất rộng rãi thậm chí được đưa lên chính thức, xuất hiện trên áo của khách du lịch và cả trong hộ chiếu; rồi xuất hiện các bản đồ khác mà hầu hết khu vực Đông Nam Á đều thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Điều đó cho thấy như đang có một cuộc xâm lược bằng bản đồ. Cũng vì thế, dư luận của Việt Nam và cả quốc tế nữa rất rất nhạy cảm về vấn đề này.
Tiến sỹ Trần Công Trục nói rằng sở dĩ người Việt Nam nhạy cảm với vấn đề này là có nguyên nhân sâu xa của nó
|
Là một chuyên gia có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với công tác biên giới lãnh thổ quốc gia, đặc biệt là chủ quyền trên biển, ông có nghĩ rằng có âm mưu hay thế lực nào đó đứng sau việc này không?
- Tôi cho rằng không thể có việc cơ quan chính thức của nhà nước Trung Quốc cung cấp bản đồ sai sự thật như vậy, bởi giữa Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết tranh chấp đường biên giới trên bộ theo đúng luật pháp. Năm 2008, chúng ta đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc tới toàn bộ đường biên giới rồi, đã có hệ thống mốc quốc giới rồi. Hai bên đã có thỏa thuận rõ ràng và ổn định, thậm chí làm bản đồ rõ ràng để thể hiện đường biên giới.
Chúng ta nên thông báo với nhà xuất bản của Ukraine. Chúng ta có thể cung cấp thông tin về đường biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia để các nhà xuất bản có thông tin chính xác, tránh thu thập những thông tin sai lệch.
Xin cảm ơn ông!
Trao đổi về việc ĐSQ Việt Nam tại Ukraine cho rằng khó thu hồi quả địa cầu in sai lệch bản đồ Việt Nam, ông Nguyễn Kiểm - Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, lưu ý, trước hết, cơ quan ĐSQ cần tìm hiểu, nghiên cứu Luật của Ukraine bởi sản phẩm này trái với sự thật quốc tế được công nhận và cần được ứng xử như một sản phẩm độc hại. Theo đó, sản phẩm độc hại khi được phát tán ra xã hội thị nhà chức trách có trách nhiệm thu hồi. Đối với ĐSQ Việt Nam tại Ukraine, ít nhất ĐSQ có thể liên hệ với cơ quan hữu trách ở Việt Nam, chẳng hạn như NXB Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam để được cung cấp quả địa cầu với thông tin chính xác và yêu cầu nhà sản xuất của Ukraine sử dụng trong những lần xuất bản tới. Cùng với đó, trong tình huống chưa thể thu hồi ngay được quả địa cầu in sai lệch này, cơ quan ngoại giao cũng có thể viết bài cung cấp đầy đủ thông tin về sự việc này và tổ chức đăng tải trên một tờ báo nào đó có lượng độc giả lớn tại Ukraine để thông báo cho người dân tại đây nắm được sự việc, tránh những hệ quả nhầm lẫn không đáng có. |