Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Trả hồ sơ vụ để điều tra bổ sung, yêu cầu xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế

VietTimes - Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã tuyên như vậy chiều 5/6. Theo đó, HĐXX yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung thêm một số nội dung, và xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế trong vụ án chạy thận nhân tạo làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại bệnh viện đa khoa tỉnh.
Các bị cáo trong vụ án. Ảnh: VOV
Các bị cáo trong vụ án. Ảnh: VOV

Điều đó có nghĩa, bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn chưa được tuyên vô tội, mà tiếp tục phải chờ tới phiên tòa sẽ mở lại, sau khi có kết luận điều tra bổ sung.

Lưu ý là, Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, chứ không tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội.

Trước đó, VKS nhân dân tỉnh Hòa Bình cũng đã đề nghị HĐXX cho trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, làm rõ một số vấn đề.  

Theo HĐXX, trong quá trình tiến hành phiên tòa đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy có sự vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố. Đặc biệt là có có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.  Quá trình xét xử cũng xuất hiện nhiều tài liệu mới chưa được kiểm chứng và làm rõ.

Đồng thời, các chứng cứ buộc tội, chứng cứ vô tội với bị cáo là bác sĩ Hoàng Công Lương chưa được thu thập đầy đủ - tuyên bố trả hồ sơ vụ án của HĐXX cho biết.

Cụ thể, HĐXX kiến nghị làm rõ lỗi của bác sĩ Lương trong việc ra y lệnh đưa máy vào chạy thận vào chạy thận làm 9 người chết. HĐXX yêu cầu làm rõ bác sĩ Lương có báo cáo lãnh đạo khoa trước khi ra y lệnh hay không?, ai cho bác sĩ Lương biết hệ thống lọc nước RO đã đảm bảo an toàn để chạy thận, việc thay đổi lời khai của bác sĩ này và một số người liên quan khác…

Đáng chú ý, HĐXX kiến nghị khởi tố ông Hoàng Đình Khiếu - nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực, Phó giám đốc, ông Trần Văn Thắng - nguyên Trưởng phòng Vật tư Bệnh viện đa khoa Hòa Bình tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, HĐXX chỉ kiến nghị cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm của ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình và ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc công ty Thiên Sơn.

Việc xem xét trách nhiệm của các cá nhân này là để xác định có sai phạm hay không trong việc ký hợp đồng liên danh sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị y tế, các căn cứ để thu và sử dụng nguồn tiền từ chạy thận nhân tạo ?.

Nói cách khác, HĐXX vẫn chưa nhận thấy các dấu hiệu về trách nhiệm hình sự của hai cá nhân này trong sự cố chạy thận nhân tạo làm 9 bệnh nhân thiệt mạng.

Ngoài ra, HĐXX cũng kiến nghị làm rõ trách nhiệm của các bác sĩ Hoàng Đình Khiếu, Nguyễn Mạnh Linh, Đặng Thị Huyền, Hoàng Công Tình, các điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng, Đỗ Thị Điệp, Nguyễn Thị Hậu vì những liên quan trong vụ việc.

Benh cạnh đó, HĐXX đề nghị xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế đối với việc ban hành 2 công văn gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình và công ty luật sư có nội dung mâu thuẫn nhau về quy trình xét nghiệm mẫu nước RO theo tiêu chuẩn AAMI; làm rõ chủ trương của Bộ Y tế trong việc cho phép các cơ sở y tế công lập phục vụ hoạt động dịch vụ liên quan thận nhân tạo.

Phiên tòa xét xử sự cố chạy thận nhân tạo xảy ra tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình được mở từ ngày 15/5, trước khi tuyên trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, phiên tòa đã dừng 6 ngày để chờ nghị án.