Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Giám đốc viện ký hợp đồng, bác sĩ chịu tội

VietTimes – Phiên xét xử vụ án 8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục phần thẩm vấn. Từ câu hỏi của hội đồng xét xử và các luật sư, không ít vấn đề tưởng chặt, mà lại rất lỏng lẻo, trong “quy trình” xã hội hóa khám chữa bệnh tại các bệnh viện công đã dần bộc lộ.
Bác sĩ Hoàng Công Lương tại tòa. Nguồn: Tuổi trẻ
Bác sĩ Hoàng Công Lương tại tòa. Nguồn: Tuổi trẻ

Tại tòa, trả lời câu hỏi của luật sư, ông Đỗ Đình Vận - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình – cho biết bệnh viện này thực hiện việc xã hội hóa trong chạy thận từ năm 2010. Theo đó, bệnh viện ký hợp đồng với doanh nghiệp để cùng kinh doanh việc chạy thận.

Tuy nhiên, ông Vận cho biết không được Giám đốc bệnh viện thời điểm đó - ông Trương Quý Dương – thông báo về các thông tin chi tiết trong hợp đồng giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn.

Vị Phó giám đốc bệnh viện cấp tỉnh này cho biết thông tin về hợp đồng chỉ vài điểm cơ bản liên quan tới tỷ lệ ăn chia chi phí, lợi nhuận từ hợp đồng này.

Tức là, ông chỉ biết vài thông tin liên quan tới nội dung kinh doanh của hợp đồng, mà không biết nhiều thông tin liên quan tới nội dung thiết bị chữa bệnh – vốn  thường nội dung một cán bộ chuyên ngành cứu người như ông sẽ chú ý, theo thói quen nghề nghiệp.   

"Công ty Thiên Sơn có trách nhiệm thanh toán chi phí, lợi nhuận cho bệnh viện vào ngày 25 hàng tháng. Còn lại tôi không được biết các chi tiết trong hợp đồng" – ông Vận khai trước tòa.

Luật sư Hoàng Ngọc Biên - bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ trực) – công bố hợp đồng giữa bệnh viện đa khoa Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn (doanh nghiệp thầu máy chạy thận). Theo đó, tỷ lệ ăn chia là Công ty Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu, bệnh viện hưởng 10% còn lại.

Theo luật sư Biên, số tiền Công ty Thiên Sơn sẽ nhận là 7,7 USD mỗi ca chạy thận, tương đương khoảng hơn 160.000 đồng/ca.

Đáp lại, ông Vận khẳng định không biết những thông tin mà luật sư Biên công bố.

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh – doanh nghiệp được Công ty Thiên Sơn thuê bảo dưỡng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2, đơn nguyên thận nhân tạo tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình – cho biết ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc công ty Thiên Sơn nói việc xét nghiệm mẫu nước sau khi sửa chữa hệ thống lọc nước mất 15 ngày.

Do bệnh nhân nhiều, việc xét nghiệm có có thể ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp, ông Tuấn dặn ông Quốc cứ đưa thiết bị vào hoạt động, rồi lấy mẫu nước xét nghiệm sau.

Bị cáo Quốc cũng khai thêm đã từng đề xuất thay cả 4 màng lọc thẩm thấu ngược RO. Nếu đề xuất này được chấp thuận thì không cần dùng hóa chất để bảo dưỡng lại 2 màng lọc còn lại, nhưng sẽ tốn thêm khoảng 12 triệu đồng.

“Bắt” lấy trả lời này, luật sư hỏi tiếp bị cáo Quốc, "tức là chỉ cần bỏ ra thêm 12 triệu là có thể cứu sống 8 mạng người"?. Bị cáo Quốc đồng ý với câu hỏi của luật sư.

Bị cáo Quốc nói báo giá đã gồm phí xét nghiệm tiêu chuẩn lọc nước dành cho máy chạy thận. Trước khi bàn giao phải lấy mẫu nước xét nghiệm có sự chứng kiến của 3 bên gồm Phòng vật tư, đơn vị sửa chữa và Công ty Thiên Sơn (công ty thuê Trâm Anh thực hiện hợp đồng).

Bị cáo Hoàng Công Lương – bác sĩ trực ca chạy thận có 8 bệnh nhân tử vong – khai trước tòa, rằng ông chưa từng nhận lương hay phụ cấp trách nhiệm về việc quản lý đơn nguyên thận nhân tạo.

Theo bị cáo Lương, trong tư cách bác sĩ cứu người, ông đã thực hiện đúng quy định bệnh viện, quy chế khám chữa bệnh của Bộ Y tế.

Liên quan tới sự cố xảy ra do tồn dư hóa chất trong hệ thống lọc nước RO trong quá trình sửa chữa – nguyên nhân trực tiếp gây nên cái chết của 8 bệnh nhân chạy thận – bác sĩ Lương khẳng định không thuộc trách nhiệm của kíp y bác sĩ đơn nguyên thận nhân tạo.

Mặt khác, bác sĩ này khẳng định ngày 29/5/2017, ông không nhận thông tin hay cảnh báo của lãnh đạo bệnh viện và đơn vị sửa chữa về thiết bị máy móc chạy thận.

Như vậy, những lời khai trước tòa tòa cho thấy có đến 3 “lớp” thông tin liên quan tới hoạt động xã hội hóa trang thiết bị khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình – một bệnh công cấp tỉnh.

Theo đó, Giám đốc bệnh viện ký hợp đồng xã hội hóa, nhưng từ Phó giám đốc bệnh viện, rồi xuống tới bác sĩ điều trị đều không nắm rõ được nội dung hợp đồng sử dụng các thiết bị liên quan tới sinh mạng con người này.

Thứ nữa, trong thực hiện hợp đồng, tính chuyên nghiệp hóa cao độ theo nguyên tắc “ai biết việc người đó” lại trở thành nguyên nhân dẫn tới kết quả máy lọc thận được đưa vào sử dụng mà – theo các lời khai tại tòa - không có bộ phận nào trong quy trình vận hành máy – biết được máy đã đủ điều kiện lọc thận cho bệnh nhân hay chưa.

Và nếu như lời bị cáo Hoàng Công Lương nói, nhiệm vụ của bác sĩ này không phải là theo dõi quá trình, kết quả sửa chữa máy, mà là nhận máy từ bộ phận vật tư để từ đó đưa vào chạy thận, thì sự “bí mật” của hợp đồng liên kết kinh doanh máy chạy thận thực tế đã trở thành nguyên nhân đầu tiên gây nên cái chết của 8 bệnh nhân.

Vì sao chủ trương đúng đắn xã hội hóa hoạt động khám chữa bệnh qua hợp đồng liên kết này lại bí mật, mà vẫn lỏng lẻo đến vậy, chắc chỉ có người trực tiếp ký - ở đây là nguyên giám đốc bệnh viện, ông Trương Quý Dương – được biết.

Ông Trương Quý Dương lại không có mặt khi tòa đưa các cựu cán bộ của ông ra xét xử, vì giờ ông không còn là Giám đốc bệnh viện. Nhưng tỷ lệ ăn chia 90% doanh thu chạy thận thuộc về công ty Thiên Sơn có thể là gợi ý nhỏ để giải thích vấn đề ấy.

Nếu không có chuyện ông Dương được chia thêm tiền “ngoài” từ 90% doanh thu chạy thận mà Công ty Thiên Sơn nhận, thì dường như 10% mà bệnh viện đa khoa Hòa Bình nhận, lại không đủ nhiều để ông tổ chức giám sát chặt chẽ đối tác thực hiện hợp đồng.

Đó chỉ là phỏng đoán, còn về thực chất, kết luận điều tra đã loại trách nhiệm hình sự của ông Dương khỏi vụ cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng làm chết 8 bệnh nhân này. Ông Dương chỉ bị cách chức, một cách xử lý quá nhẹ nhàng với cái chết oan uổng của 8 bệnh nhân chạy thận.

Trách nhiệm cố ý làm trái ấy làm 8 bệnh nhân thiệt mạng, hóa ra, lại là do bác sĩ Hoàng Công Lương chịu. 

Ngày 29/5/2017, một sự cố nghiêm trọng đã xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình khiến 8 người lần lượt tử vong sau khi chạy thận nhân tạo. Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân do nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo không đảm bảo, các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình.

Do vụ án có tính chất phức tạp, nghiêm trọng, liên quan đến nhiều người, phải đến ngày 22/2/2018, VKSND Hoàn Bình mới hoàn thành cáo trạng và truy tố 3 bị can gồm: Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, thường trú tại Khu 6, Phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) - Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh; Trần Văn Sơn (SN 1990, thường trú tại Tổ 5, Phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) - Cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Hoàng Công Lương (SN 1986; HKTT Quốc Oai, Hà Nội; đang ở: xóm 9, xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình, Hòa Bình) - Bác sĩ Khoa hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo – BVĐK tỉnh Hòa Bình. 3 bị can này bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vô ý làm chết người”.

Bùi Mạnh Quốc là người trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Trong quá trình thực hiện, Quốc sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axit Clohydric (HCL) để sục rửa các vỏ màng lọc. Trong lúc thực hiện, do cẩu thả đã để tồn dư 1 lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước.

Đồng thời, ngày 29/5/2017, Quốc bỏ mặc hệ thống lọc nước RO số 2 đưa vào sử dụng mà không thực hiện lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn AAMI như hợp đồng ký kết, sự việc khiến 8 người tử vong.

Trần Văn Sơn bỏ bê công việc khi là người được giao kiểm tra, giám sát việc thay thế, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Nhưng trong quá trình làm nhiệm vụ, Sơn không trực tiếp có mặt, không theo dõi, giám sát theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chiều 28/5/2017, khi trao đổi với Bùi Mạnh Quốc qua điện thoại, Sơn biết Quốc chưa làm xét nghiệm nước nhưng đã giao lại qua điện thoại cho điều dưỡng viên, không báo cáo cụ thể sự việc với lãnh đạo phòng.

Cáo trạng cũng xác định, Hoàng Công Lương được giao trách nhiệm phụ trách chuyên môn và các hoạt động tại đơn nguyên thận nhân tạo.

Ngày 20/4/2017, Hoàng Công Lương thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất và biết rõ việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 diễn ra vào ngày 28/5/2017.

Cáo trạng truy tố cho rằng, với trình độ, nhận thức vai trò và trách nhiệm được giao, bị can Lương buộc phải biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định. Nhưng sáng 29/5/2017, khi nghe điều dưỡng viên nói về việc Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong, Lương đã không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với Trưởng khoa theo trách nhiệm được giao.

Hoàng Công Lương sau đó ra lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 8 người tử vong.

Ngay trong ngày xét xử đầu tiên (15/5/2018), sau khi VKS đọc xong cáo trạng vụ án, HĐXX hỏi các bị cáo có đồng ý với cáo trạng hay không thì bác sĩ Hoàng Công Lương ngay lập tức đã nói không đồng ý với các cáo buộc của VKS vì cho rằng cáo trạng chưa đúng tội với bản thân mình. Hiện, phiên tòa xét xử vẫn đang được diễn ra.