Sau khi đơn phương tách ra khỏi Ban đàm phán và tuyên bố tự mua bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh, chỉ vài ngày sau đó, K+ đã có được gói bản quyền độc quyền duy nhất vô cùng đắt đỏ này trong 3 mùa giải tới. Một nguồn tin riêng của ICTnews cũng cho hay, hiện VTVcab và SCTV cũng đang xúc tiến đàm phán để mua gói không độc quyền của giải đấu này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, K+ có ý kiến thế nào khi trước đó, tại cuộc họp Ban đàm phán vào ngày 8/4/2016, Chủ tịch Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã tuyên bố nếu K+ có tự mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh cũng không phát sóng được ở Việt Nam. Vì Hiệp hội sẽ báo cáo với Chính phủ, với Bộ TT&TT can thiệp theo hướng dùng quyền phát sóng hoặc không cho phát sóng. Nếu như đơn vị nào thực hiện không đúng định hướng có mua về cũng không cho phát sóng.
Ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc K+ cho biết: “Chúng tôi cũng chả trách hay giận gì các anh Hiệp hội cả”.
Ông Công cho hay, có thể nói Hiệp hội đã có mong muốn tốt là mua được bản quyền với giá rẻ rồi cùng chia sẻ để phát sóng, Hiệp hội cũng đã rất quyết tâm điều đó rất tốt, không ai chê được. Nhưng trong số 10 đơn vị tham gia Ban đàm phán chắc chắn có nhiều người chưa đọc hồ sơ mời thầu, bởi nếu ai đã đọc rồi thì đều hiểu là không có chuyện đi đấu thầu tập thể. Hơn nữa nhu cầu mua bản quyền của mỗi đơn vị khác nhau, có những đơn vị họ không có nhu cầu mua, hoặc không có khả năng mua.
“Hiệp hội đã rất quyết tâm điều đó rất tốt, nhưng do không có người làm, cũng không có luật sư tư vấn giúp nên đã không nghiên cứu kỹ. Căn cứ theo pháp luật không ai có thể nói thay hàng triệu khán giả, không ai có quyền cho xem hoặc không cho xem được vì đấy là quyền của khán giả”, ông Công nói.
Trước đó, việc mua bản quyền Ngoại hạng Anh được 11 đơn vị truyền hình ký thỏa thống nhất là sẽ do Ban đàm phán đứng ra mua sau đó phân phối, sử dụng chung giữa các đơn vị tham gia mua. Ban đàm phán do VNPayTV chủ trì.
Sau khi K+ đã mua được gói độc quyền duy nhất bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh, ông Lê Đình Cường, Trưởng Ban đàm phán cho biết, vai trò của ban đàm phán coi như đã chấm hết.
Cũng theo ông Cường, vào ngày 19/4/2016, Bộ TT&TT đã có công văn chỉ đạo về vấn đề bản quyền Ngoại hạng Anh, trong đó Bộ TTT&TT có mở cho các đài hướng có thể chủ động đứng ra mua, nếu như không thực hiện được những cam kết mà Ban đàm phán đã thống nhất. Trên cơ sở đó, K+ đã tự mua và công bố bản quyền Ngoại hạng Anh.
Bộ TT&TT đã có chỉ đạo, K+ cũng đã mua rồi nên VNPayTV đã thông báo cho các thành viên tham gia Ban đàm phán để các đơn vị chủ động thực hiện theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc thực hiện tiết kiệm trong mua bản quyền Ngoại hạng Anh. Vai trò của Ban đàm phán bản quyền Ngoại hạng Anh coi như cũng chấm hết và giải tán để các đài chủ động mua bán.
Mặc dù không thể đứng ra làm đầu mối duy nhất để đàm phán và mua bản quyền Ngoại hạng Anh về cho các đơn vị thành viên, nhưng trong 3 mùa giải liên tiếp trở lại đây, VNPayTV đã rất tích cực đưa ra các giải pháp để kiềm chế sự tăng giá phi mã của gói bản quyền đắt đỏ nhất hành tinh này.
Đặc biệt trong mùa giải 2016-2019, VNPayTV đã đề xuất với Chính phủ và Bộ TT&TT về khung giá mua không được cao quá 20% so với giá mua của mùa giải 2013-2016. Chính đề xuất này cũng đã tạo thuận lợi để K+ mua được bản quyền với giá rẻ hơn dự kiến.
Tuy K+ không tiết lộ về giá mua nhưng theo ông Lê Chí Công, giá mà K+ phải trả còn tốt hơn mức giá trần mà VNPayTV đề xuất với nhà nước. K+ đã thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ khi đàm phán về giá.
Ở mùa giải 2013-2016, ngoài K+ bỏ khoảng 33,5 triệu USD để mua gói độc quyền, một số nhà đài Việt Nam bao gồm: VTVcab, SCTV, Đài PT-TH Hà Nội, Đài Truyền hình TP.HCM và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC cũng đã bỏ tiền ra mua quyền phát sóng gói không độc quyền. Tổng cộng số tiền mà các nhà đài Việt Nam phải chi cho bản quyền Ngoại hạng Anh ở mùa giải trước được đồn đoán lên đến 41 triệu USD.
Theo ICT News