Sẽ bỏ Ngoại hạng Anh nếu giá bản quyền quá cao

Trong tuần này, VNPayTV sẽ có văn bản báo cáo Bộ TT&TT và Chính phủ về việc mua bản quyền Ngoại hạng Anh. Theo đó, sẽ đề nghị nhà nước ủng hộ chủ trương: Nếu bên bán bản quyền không chấp thuận mức giá mà Ban đàm phán đưa ra thì Việt Nam sẽ kiên quyết không có Ngoại hạng Anh nữa.
Việt Nam có thể sẽ không có Ngoại hạng Anh nữa.
Việt Nam có thể sẽ không có Ngoại hạng Anh nữa.

Chiều ngày 6/4/2016, ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPayTV), Trưởng Ban đàm phán mua bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh mùa giải 2016 – 2019 cho biết: Vào chiều thứ Sáu 8/6/2016 tới đây, Ban đàm phán sẽ tiếp tục có cuộc họp về việc mua và phân phối bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh.

Trong tuần này, VNPayTV sẽ có văn bản báo cáo Bộ TT&TT và Chính phủ, đồng thời đề nghị các cơ quan nhà nước ủng hộ chủ trương: Nếu bên bán bản quyền không chấp thuận mức giá mà Ban đàm phán đưa ra thì Việt Nam sẽ kiên quyết không có Ngoại hạng Anh nữa.

Trước đó, vào ngày 29/3/2016, VNPayTV đã có công văn báo cáo Bộ TT&TT về việc “một số rất ít đơn vị hoạt động dịch vụ truyền hình trả tiền Việt Nam có xu hướng muốn tách khỏi Ban đàm phán để tự mua bản quyền vì lợi ích riêng của họ”. VNPayTV đã đề nghị Bộ TT&TT tăng cường hỗ trợ và chỉ đạo VNPayTV trong việc mua bản quyền.

Theo ông Cường, hiện tại phía MP&Silva đang chần chừ muốn chờ đợi một sự thay đổi ý chí của phía Việt Nam, hy vọng đặt giá cung cấp bản quyền tăng cao hơn những mùa giải trước một cách quá đáng.

Vào ngày 1/4/2016, MP&Silva cũng có văn bản gửi VNPayTV, trong đó MP&Silva nhấn mạnh việc: "Trong quá trình đấu thầu giải bóng đá Ngoại hạng Anh nghiêm cấm việc hình thành các tập đoàn đấu thầu và tìm các cách thức để đảm bảo rằng quyền nghe nhìn của cuộc cạnh tranh được phân phối tự do. Như vậy, MP&Silva không thể tuân theo bất kỳ khía cạnh nào được nêu trong các bức thư của VNPayTV gửi do các hạn chế thương mại áp dụng cho MP&Silva theo quy tắc phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh".

MP&Silva cũng cho hay, hãng truyền thông này đang tìm cách đa dạng hóa các gói bản quyền để có thể đáp ứng được đông đảo khán giả nhất của các đài truyền hình ở Việt Nam, và hy vọng sẽ bán được bản quyền cho Việt Nam trong vài tuần tới.

Với quan điểm này có thể thấy, MP&Silva cho rằng, Ban đàm phán đại diện cho nhiều doanh nghiệp đứng ra đàm phán mua bản quyền là không phù hợp.

Ông Cường cho hay, MP&Silva đã hẹn sẽ làm việc với VNPayTV vào ngày 10/4/2016, tuy nhiên sau đó hãng này đã dời cuộc hẹn lên sớm hơn vài ngày nên hai bên vẫn chưa gặp nhau để làm việc được.   

“Quan điểm của Hiệp hội là sẽ cố gắng để có được giải Ngoại hạng Anh, nhưng không phải bằng mọi giá. Nếu giá cao hơn mức mà Ban đàm phán đề xuất thì Việt Nam kiên quyết sẽ không có Ngoại hạng Anh nữa”, ông Cường cho biết.

Trước đó vào cuối năm 2015, VNPayTV gửi văn bản cho Ban tổ chức Ngoại hạng Anh và MP&Silva thông báo nguyên tắc đàm phán mua bản quyền đã được thống nhất giữa các đơn vị truyền hình ở Việt Nam là: Không mua bản quyền truyền hình Giải bóng đá Ngoại hạng Anh mùa giải 2016-2019 bằng mọi giá mà chỉ mua với giá không quá 20% so với mức giá của các mùa giải 2013-2016. Ban đàm phán sẽ đứng ra mua bản quyền và phân phối quyền phát sóng cho các đơn vị truyền hình ở Việt Nam.

Ở mùa giải trước, tổng cộng các đơn vị truyền hình đã phải bỏ ra 38 triệu USD để mua bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh 3 mùa giải 2013-2016. Với nguyên tắc mà VNPayTV đưa ra, ở mùa giải mới các doanh nghiệp của Việt Nam chỉ được phép trả không cao hơn quá 20% của số tiền 38 triệu USD (tức là dưới 45,6 triệu USD). Trong khi đó MP&Silva đã chào bán gói bản quyền lên tới 80 triệu USD. Do không có tiếng nói chung trong việc đàm phán mua bán, cho nên đến nay, sau 5 tháng qua đi, hai bên vẫn chưa thể cùng ngồi để thương thảo với nhau.

Do sốt ruột vì chưa có kết quả mua bản quyền, vào ngày 31/3/2016, K+ đã có văn bản gửi VNPayTV xin phép cho K+ tự đàm phán để mua bản quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh mùa giải 2016 – 2019, chứ không chờ đợi Hiệp hội mua và chia sẻ bản quyền dùng chung như đã ký cam kết trước đây. K+ cam kết sẽ mua bản quyền theo đúng  nguyên tắc chỉ đạo của nhà nước về việc tiết kiệm ngoại tệ, không mua bản quyền bằng mọi giá.

Trong số 11 đơn vị truyền hình có đại diện trong Ban đàm phán, chỉ có K+ là sốt sắng nhất với việc mua bán bản quyền. Còn các đơn vị truyền hình có “máu mặt” khác như SCTV, VTVcab cho biết, vẫn chờ đợi kết quả mua bán của Hiệp hội và không có ý định tách ra để tự đi mua. Tuy nhiên, VNPayTV đã cực lực phản đối đề nghị này của K+ và dự kiến sẽ đề nghị Bộ TT&TT và Chính phủ có ý kiến chỉ đạo.

Theo ICT News