Việc Mỹ hoàn toàn dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí gây sát thương kéo dài vài thập kỷ với Việt Nam đã đánh dấu một cột mốc lịch sử trong quan hệ Việt – Mỹ, mở đường cho mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong quá khứ từng là kẻ thù của nhau. Vậy điều này trên thực tế có ý nghĩa như thế nào với an ninh và nền chính trị của Việt Nam?
Eastasiaforum nhận định, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận không ngay lập tức khiến Việt Nam mua sắm một lượng lớn vũ khí. Thay vào đó, Việt Nam sẽ tập trung vào việc mua sắm các công nghệ giám sát và viễn thám liên quan đến an ninh hàng hải, đồng thời hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc và trinh sát tinh vi. Thách thức chính của Việt Nam là liệu Hà Nội có đủ sức chi trả cho các công nghệ đó hay không.
Theo Eastasiaforum, cho dù những khác biệt trong ý thức hệ hay rào cản về nhân quyền vẫn là trở ngại cho sự tiến bộ trong quan hệ Việt – Mỹ, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí được cho là vì lợi ích chiến lược của siêu cường Mỹ. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là một kênh hiệu quả hơn để gây ảnh hưởng tới Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực quyền lao động.
Một vài chuyên gia Trung Quốc võ đoán một cách vô lối rằng Mỹ quyết định dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận với Việt Nam sẽ thổi bùng sự đối kháng hiện hành giữa cả hai nước với Trung Quốc. Cả Mỹ và Việt Nam đều nhận thức rõ bất kỳ bước phát triển lớn nào trong việc thúc đẩy sâu sắc hơn mối quan hệ song phương sẽ không thể tránh khỏi việc khiến Bắc Kinh không vui. Nhưng cả hai nước đều không muốn ‘nhân tố Trung Quốc’ cản trở sự phát triển của quan hệ song phương, Eastasiaforum nhận định.
Theo Eastasiaforum, Hà Nội không muốn dính líu quá sâu vào cuộc tranh giành quyền lực Mỹ - Trung. Việt Nam muốn tránh cả hai viễn cảnh cực đoan: một là Mỹ và Trung Quốc sẽ trực tiếp đối đầu quân sự, điều này sẽ gây tổn hại tới lợi ích quốc gia của Việt Nam và hai là Mỹ và Trung Quốc thỏa hiệp trên lưng các nước nhỏ trong khu vực.
Cách tốt nhất để tránh những viễn cảnh này là tranh thủ tình hình để củng cố sức mạnh quân sự (khả năng tự đứng vững) trong trật tự quốc tế nhiều biến động. Duy trì vị thế hiện tại sẽ giúp phát đi thông điệp rằng Việt Nam không phải là nước thân Trung Quốc, nhờ đó giảm thiểu khả năng Mỹ có thể thỏa hiệp với Trung Quốc sau lưng Việt Nam.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận khiến Việt Nam mất nhiều thời gian để củng cố khả năng phòng thủ mà không làm sai lệch chính sách quốc phòng dựa trên nguyên tắc “ba không”: không liên minh quân sự với nước khác, không cho phép nước nào thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước mình và không phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự từ nước ngoài...
Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp quốc phòng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và trở thành một nước có trách nhiệm trong ASEAN về vấn đề an ninh khu vực chứ không phải là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận cũng tạo điều kiện cho chiến lược đa dạng hóa các nguồn vũ khí và thiết bị quân sự cho quân đội và giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào nguồn cung vũ khí từ Nga.
Vào tháng 3/2016, cảng biển quốc tế ở Vịnh Cam Ranh được khánh thành có khả năng tiếp nhận các tàu sân bay và tàu ngầm nước ngoài tìm kiếm dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và tiếp nhiên liệu. Trước lễ khai mạc, Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được một thỏa thuận cho phép tàu thuyền Nhật Bản được phép ghé cảng.
Về phía Mỹ, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí tạo ra một cơ hội mới cho tàu chiến hải quân nước này có thể ghé cảng hoặc thậm chí bảo đảm quyền qua lại Vịnh Cam Ranh như điều kiện trao đổi. Eastasiaforum nhận định, cho dù Mỹ đã tuyên bố nước này không có ý định sử dụng cảng biển vào thời điểm này, nếu họ muốn đối trọng với Trung Quốc trên Biển Đông, vị trí chiến lược của vịnh Cam Ranh sẽ cung cấp sự phòng thủ tự nhiên chống lại các cuộc tấn công và cung cấp nguồn lực dồi dào để tiếp nhiên liệu và sửa chữa các hạm đội của Mỹ.
Theo Eastasiaforum, về lâu dài Việt Nam có thể sẽ hội nhập vào mạng lưới phòng thủ khu vực (dạng trục bánh xe- nan hoa), bao gồm đồng minh của Mỹ và các nước đối tác chiến lược của Mỹ. Nhóm khu vực đặc biệt này sẽ cho phép Mỹ thực hiện mục tiêu lớn hơn nhiều: thể chế hóa các hoạt động quốc phòng đa phương, nâng cấp khả năng huấn luyện và thúc đẩy cam kết hợp tác ở châu Á -Thái Bình Dương.