Việt Nam mời tàu Trung Quốc vào Cam Ranh, Hoàn Cầu “ngạc nhiên“

Tờ báo dân tộc chủ nghĩa nhiều lần chỉ trích Việt Nam xích gần Mỹ bình luận rằng đây là động thái “khiến dư luận ít nhiều cảm thấy ngạc nhiên”, đồng thời đặt câu hỏi “phải chăng Việt Nam đã thực sự tận dụng tối đa Cam Ranh trên cả lĩnh vực quân sự, ngoại giao và kinh tế?”.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tại Đối thoại Shangri-La 2016
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tại Đối thoại Shangri-La 2016

Bên lề diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La tuần trước, Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho biết rằng Việt Nam không chỉ mời tàu Trung Quốc mà còn cả tàu của các nước khác. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: “Về lâu dài, cảng Cam Ranh sẽ được sử dụng trong mục đích kinh tế, vừa để phục vụ mục tiêu đối ngoại nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước”.

Về vấn đề liệu Việt Nam có kế hoạch mở cửa các căn cứ quân sự cho nước ngoài sử dụng hay không, ông Vịnh khẳng định: “Việt Nam không có các căn cứ quân sự để nước khác sử dụng”. “Tất cả các căn cứ quân sự đều do Việt Nam quản lý và sử dụng. Khi những tàu các nước đến thăm đều là các chuyến thăm hữu nghị trong khuôn khổ những chương trình hợp tác”, ông Vịnh nói.

Trước phát biểu của tướng Nguyễn Chí Vịnh, tờ Hoàn Cầu cho rằng “sau Nhật, Nga, Pháp và Ấn Độ, chiến hạm Trung Quốc nhận được lời mời của Việt Nam thăm cảng Cam Ranh, một con bài vạn năng của ngoại giao Việt Nam”.

Tờ báo dân tộc chủ nghĩa khét tiếng từng nhiều lần chỉ trích Việt Nam xích lại gần Mỹ bình luận thêm rằng đây là động thái “khiến dư luận ít nhiều cảm thấy ngạc nhiên”, đồng thời đặt câu hỏi “phải chăng Việt Nam đã thực sự tận dụng tối đa Cam Ranh trên cả lĩnh vực quân sự, ngoại giao và kinh tế?”

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La cuối tuần trước, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh không cụ thể đề cập tới biển Đông và Trung Quốc, nhưng nói rằng “tất cả các quốc gia cần phải “hợp tác và đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột”, cũng như “tăng cường hợp tác cùng phát triển, xây dựng lòng tin, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; đồng thời, thẳng thắn đấu tranh để tìm ra tiếng nói chung, lợi ích chung trong giải quyết tranh chấp, bất đồng”.