Việt Nam tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng của Liên hiệp quốc về Chính phủ điện tử

VietTimes – Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020 do Liên hợp quốc công bố, Việt Nam tăng nhẹ 2 bậc so với năm 2018.
Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2018 về Chính phủ điện tử
Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2018 về Chính phủ điện tử

Việt Nam liên tục tăng hạng


Báo cáo khảo sát chính phủ điện tử (E-Government Development Index - EGDI) năm 2020 do Liên hợp quốc vừa công bố, Việt Nam có vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, tăng 2 bậc so với năm 2018. Và với kết quả này, Việt Nam đã liên tục tăng hạng kể từ năm 2014 đến nay từ vị trí 99 lên vị trí 86.  

Cụ thể, về giá trị, chỉ số EGDI của Việt Nam năm 2020 đạt 0,6667 điểm, được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử có EGDI ở mức cao và cao hơn so với Chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0,5988), của khu vực Châu Á (0,6373) cũng như khu vực Đông Nam Á (0,6321). 

Đối với các chỉ số thành phần, chỉ số EGDI được tổng hợp từ 3 chỉ số: Chỉ số hạ tầng viễn thông (TII); chỉ số nguồn nhân lực (HCI); chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI). Vị trí xếp hạng về các chỉ số thành phần của Việt Nam năm 2020 có sự thay đổi tương đối lớn. Chỉ số hạ tầng viễn thông tăng mạnh, xếp thứ 69, tăng 31 bậc so với năm 2018; chỉ số nguồn nhân lực xếp thứ 117, tăng 3 bậc so với năm 2018; chỉ số dịch vụ trực tuyến xếp thứ 81, bị giảm 22 bậc so với năm 2018 (xếp thứ 59).

Báo cáo khảo sát chính phủ điện tử năm 2020 có chủ đề "Chính phủ số trong thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững" thể hiện xu thế mới của năm nay là Chính phủ số. Đây là lần đầu báo cáo EGDI lấy chủ đề là Chính phủ số, trong đó đã hướng đến phân tích những đặc điểm phát triển Chính phủ số như: Dữ liệu là trung tâm; Quyết định dựa trên dữ liệu; Mở dữ liệu; Dữ liệu là nguồn lực chủ chốt, tài sản chiến lược. 

Đáng lưu ý, báo cáo cho thấy vai trò quan trọng của Chính phủ số khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Cụ thể là trong những hoàn cảnh khó khăn vẫn cung cấp các dịch vụ trực tuyến, duy trì sự lãnh đạo của Chính phủ, tạo sự gắn kết xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế; vai trò Chính phủ số được tiếp tục sau dịch bệnh. Con đường phía trước là “trạng thái bình thường số mới” đáp ứng với các thách thức toàn cầu và theo đuổi sự phát triển bền vững.

“Đột phá” chuyển đổi số ở tất cả Bộ, ngành, địa phương


Theo chuyên gia của VNPT, mặc dù chỉ số dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam năm 2019 giảm khá mạnh nhưng tại thời điểm hiện nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc, nỗ lực của các cơ quan nhà nước, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao đã được các bộ, ngành, địa phương cung cấp tăng mạnh.

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Các Bộ TT&TT, Bộ Y tế đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và nếu nhân rộng mô hình thành công này, thời gian tới sẽ có nhiều bộ, ngành, địa phương đạt được chỉ tiêu tương tự.

Đặc biệt, giai đoạn 2018-2019, một số sản phẩm về chính quyền điện tử của VNPT như: eOffice, trục liên thông văn bản (VXP) được giới thiệu và triển khai tại các quốc gia khác như Lào, Cam-pu-chia, Myanmar. Cùng với Chính phủ điện tử, VNPT hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số Bộ, ngành, địa phương.

Đã có 28 tỉnh, TP trong cả nước hợp tác với VNPT để xây dựng và triển khai TP thông minh
Đã có 28 tỉnh, TP trong cả nước hợp tác với VNPT để xây dựng và triển khai TP thông minh

Trong lĩnh vực Đô thị thông minh (Smart City), 28 tỉnh, thành phố đã hợp tác với VNPT để xây dựng đề án và triển khai thành phố thông minh. Trong lĩnh vực Y tế, hơn 7.560 cơ sở y tế đã sử dụng sản phẩm VNPT HIS; hệ thống VNPT-LIS đã có 1.326 thiết bị được kết nối sử dụng; có 4.446 nhà thuốc sử dụng chính và 6.733 nhà thuốc đang thử nghiệm sản phẩm VNPT-Pharmacy…

Không những vậy, trong lĩnh vực giáo dục, giải pháp vnEdu đã triển khai trên 21.000 trường học, cung cấp hơn 4,1 triệu sổ liên lạc điện tử với 6, 2 triệu hồ sơ học sinh trên hệ thống và gần 465 nghìn giáo viên sử dụng tại khắp 63 tỉnh/thành phố trên cả nước…

“Những nỗ lực trong triển khai ứng dụng CNTT vào các ngành, trong nhiều lĩnh vực, nhất là nỗ lực triển khai nhiều dự án Chính phủ điện tử, chuyển đổi số ở các Bộ, ngành Trung ương, địa phương đã góp phần duy trì tăng thứ hạng liên tục của Việt Nam trong các kỳ báo cáo của Liên hợp quốc” - chuyên gia VNPT chia sẻ.