Australia tài trợ hơn 156 tỷ đồng phát triển hành chính công tại Việt Nam

VietTimes – Đại sứ quán Australia cho biết, số tiền trị giá 9,7 triệu đô la Australia (AUD) - tương đương 156,6 tỷ đồng sẽ được đóng góp trong 4 năm (2021 – 2025) cho chương trình nghiên cứu “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công ở Việt Nam” (PAPI).

Đây là nội dung chính trong Hiệp định đồng tài trợ bên thứ ba, do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ký kết ngày 13/7 vừa qua.

Trong khuôn khổ Lễ ký kết, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie bày tỏ ấn tượng với sự thay đổi tích cực của “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công ở Việt Nam” (PAPI) trong thời gian qua. Đồng thời, bà khẳng định sự hỗ trợ của Australia trong việc thúc đẩy quản trị và hành chính công cấp tỉnh, đặc biệt trong ứng phó với đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.

UNDP sẽ phối hợp với các đối tác để hỗ trợ các tỉnh, thành phố ở Việt Nam cải thiện hiệu quả quản trị công và thúc đẩy trách nhiệm giải trình và hướng tới chính quyền phục vụ nhân dân.

Bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam - nhấn mạnh: “Đóng góp đáng kể của Australia sẽ giúp PAPI thúc đẩy hơn nữa hiệu quả quản trị và hành chính công ở Việt Nam, nhất là trong thời điểm bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19”.

Lễ ký kết Hiệp định đồng tài trợ bên thứ ba của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Lễ ký kết Hiệp định đồng tài trợ bên thứ ba của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Được biết, Australia trở thành nhà tài trợ chính cho PAPI từ năm 2018 đến nay. Hàng năm, tất cả 63 tỉnh, thành phố trên lãnh thổ Việt Nam đều tổ chức hội thảo phân tích kết quả khảo sát PAPI. Từ đó, các cơ quan đề ra nghị quyết, kế hoạch hành động hoặc chỉ thị hướng dẫn, thực hiện các biện pháp cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công, nâng cao chỉ số PAPI của địa phương.

PAPI là công cụ phản ánh tiếng nói chung của người dân về mức độ hiệu quả của bộ máy nhà nước cũng như chất lượng cung ứng dịch vụ của chính quyền các cấp. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm có khoảng 14.000 lượt người dân thuộc các nhóm dân số khác nhau đóng góp ý kiến phản hồi về hiệu quả quản trị và hành chính công ở địa phương.

Bên cạnh đó, PAPI cũng góp phần cung cấp dữ liệu thực chứng, đo lường hiệu quả thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực quản trị dân chủ và thể chế có sự tham gia của người dân.