Bài toán trên được ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) đặt ra với các doanh nghiệp tại Hội nghị Sơ kết ngành TT&TT, diễn ra mới đây với sự tham dự của hàng trăm đại biểu đến từ các đơn vị của Bộ TT&TT, các bộ - ngành, doanh nghiệp,...
Giải pháp cho những vấn đề nhức nhối
Theo nhận định của Cục trưởng Nguyễn Huy Dũng, đề án Chuyển đổi số quốc gia ưu tiên đến 8 lĩnh vực tác động đến cuộc sống của người dân nhiều nhất. Đó là y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài chính, giao thông, năng lượng, môi trường và sản xuất công nghiệp.
"Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần tìm ra giải pháp giải quyết những "nỗi đau", vấn đề nhức nhối của xã hội thông qua những công nghệ 'Make in Vietnam'” - Cục trưởng đề xuất.
Ông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng vai trò quan trọng, giúp quá trình chuyển đổi số thông qua các nền tảng, đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên số.
Sự phát triển của các nền tảng trong giai đoạn hiện nay đã rút ngắn đáng kể thời gian và công sức cho chuyển đổi số. So với khoảng thời gian 3-5 năm để triển khai các dự án đầu tư hệ thống CNTT như trước đây, sự trợ giúp của nền tảng giải quyết quá trình chỉ tính bằng ngày, bằng tuần. Điều thuận lợi nhất là các tổ chức, doanh nghiệp không có đơn vị chuyên trách về CNTT vẫn có thể chuyển đổi số thông qua các nền tảng “Make in Vietnam”.
Phải chấp nhận cái mới, tư duy mới
Cục trưởng nhận định: “Chuyển đổi số là chuyển từ không gian truyền thống sang không gian số, cần phải chấp nhận cái mới, tư duy mới. Điều này vẫn phụ thuộc nhiều vào thể chế và chính sách hơn là công nghệ”.
Các cơ quan, tổ chức có thể chủ động trong việc đưa ra quyết định triển khai chuyển đổi số nhanh hay chậm.
|
Bàn luận về tầm quan trọng của thể chế, chính sách trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, Cục trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, chuyển đổi số muốn nhanh phải thay đổi nhận thức, thúc đẩy hành động. Song song với đó, muốn hành động, triển khai hiệu quả thì thể chế và chính sách phải đi trước một bước.
Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ đóng vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng cho chuyển đổi số. Những yếu tố tạo nền tảng như nguồn nhân lực, R&D, đổi mới sáng tạo, cơ sở dữ liệu quốc gia được coi là những yếu tố hạ tầng cho công cuộc chuyển đổi số, tham gia vào việc xây dựng và hình thành văn hóa số, chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, "nhận thức vẫn đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số, liên quan đến tư duy chấp nhận cái mới. Quá trình chuyển đổi số bước đầu phải thông qua việc chuyển đổi nhận thức, đặc biệt là nhận thức của lãnh đạo", ông Dũng đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, nhận thức cũng đóng vai trò quan trọng quyết định tốc độ của quá trình chuyển đổi số. Với thế mạnh không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý trong không gian số, các cơ quan, tổ chức có thể đưa ra quyết định triển khai chuyển đổi số nhanh hay chậm.
“Chuyển đổi số càng nhanh thì thuận lợi càng lớn vì chúng ta đi nhanh, đi trước thì dễ dàng thu hút nguồn lực, thu hút đầu tư. Còn khi đi sau, cơ hội sẽ giảm đi nhiều” - ông Huy Dũng nói và bày tỏ mong muốn, các cơ quan, tổ chức bắt tay vào chuyển đổi số ngay khi có thể để không bỏ lỡ thời cơ.