Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 25/8 dẫn tờ The Times of India Ấn Độ ngày 24/8 cho rằng "mặc dù chưa phát hiện ra bất cứ nguồn dầu khí nào, nhưng công ty Ấn Độ vẫn sẽ tiếp tục thăm dò ở khu vực Biển Đông".
Bài báo cho biết Chính phủ Việt Nam lần thứ tư kéo dài thời hạn giấy phép thăm dò lô 128 cho Công ty Dầu khí Ấn Độ, tiếp tục cho phép công ty Ấn Độ hoạt động ở vùng biển này đơn thuần là xuất phát từ sự "cân nhắc chiến lược".
Thực ra, báo chí Trung Quốc thường xuyên tạc, thêm mắm thêm muối vào các thông tin đưa ra từ nước khác để cộng đồng quốc tế hiểu nhầm, từ đó dẫn đến hiểu sai và hành động sai. Họ làm như vậy tất cả là vì lợi ích hẹp hòi, vì tham vọng bành trướng của Bắc Kinh (PV).
Mặc dù phía Trung Quốc từng "cảnh cáo" vô lối đối với hoạt động thăm dò dầu khí của các nước liên quan tại khu vực Việt Nam cho phép, nhưng Công ty dầu khí Ấn Độ vẫn lựa chọn lần thứ tư cùng Việt Nam kéo dài thời gian thăm dò, hợp đồng mới được kéo dài đến tháng 6/2017.
Năm 2006, Công ty Dầu khí Ấn Độ được Việt Nam cấp giấy phép thăm dò lô 127 và lô 128 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Báo Trung Quốc tự tiện coi đó là "khu vực tranh chấp". Ấn Độ sau đó đã từ bỏ lô 127 vì không phát hiện có dầu khí, nhưng tiếp tục thăm dò ở lô 128.
Đối với vấn đề này, Trung Quốc cũng lên tiếng dị nghị vô lối cho rằng "nếu việc hợp tác dầu khí của các nước liên quan gây thiệt hại cho cái gọi là "chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc".
Một hành vi ngang ngược của Bắc Kinh là mấy năm trước họ từng cho mời thầu dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Phán quyết của Tòa trọng tài ở The Hague ngày 12/7/2016 đã bác bỏ hoàn toàn cái gọi là "quyền lợi lịch sử" và yêu sách bành trướng "đường chín đoạn" vô lý, phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Báo chí Ấn Độ cho biết, lô 128 rộng hơn 7.000 km2. Đến nay, công ty Ấn Độ đã đầu tư trên 50 triệu USD. Mặc dù chưa phát hiện được bất cứ hydrocarbon nào, nhưng Ấn Độ vẫn tiếp tục ở lại.
Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, mặc dù công tác thăm dò dầu khí của công ty Ấn Độ hiện chưa có hiệu ích kinh tế, nhưng Ấn Độ hoàn toàn không có ý định từ bỏ, cho thấy Ấn Độ có thái độ cứng rắn trong vấn đề Biển Đông.
Ấn Độ luôn cho rằng khu vực Jammu và Kashmir liên tiếp bị Pakistan gây phiền phức, trong khi đó, Trung Quốc lại có thái độ coi thường đối với vấn đề này. Kế hoạch hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan đi qua khu vực này, động chạm đến lợi ích chủ quyền lãnh thổ của Ấn Độ.
Tờ The Times of India cho rằng chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiếp tục đóng vai trò người tham gia trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, được cho là có lợi cho làm giảm tình hình khó khăn từ việc Ấn Độ bị Trung Quốc phản đối gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG).
The Times of India còn cho rằng, trong vài năm gần đây, Việt Nam dần trở thành quốc gia "điểm tựa" cho "chính sách Đông tiến" của Ấn Độ. Ấn Độ đã cấp 100 triệu USD để Việt Nam đổi mới trang bị tuần tra, hợp tác quân sự Ấn-Việt đã triển khai trên nhiều lĩnh vực.
Sự coi trọng của Ấn Độ đối với Việt Nam không chỉ xuất phát từ việc Ấn Độ tham gia vào các vấn đề Đông Á hoặc tăng cường tiếng nói trong các nước ASEAN, mà còn nỗ lực đóng vai trò rộng lớn hơn ở toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tháng 9/2016, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ đến thăm Việt Nam trước khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc. Đây là chuyến thăm lần thứ ba của Thủ tướng Ấn Độ tới Việt Nam trong mấy chục năm qua. Hai lần trước là vào các năm 2001 và năm 2010.