Việt Nam làm gì để phá thế “xuất siêu ảo, nhập siêu thật”?

Trước làn sóng thuế đối ứng từ Mỹ và nguy cơ mất cân bằng thương mại kéo dài, Việt Nam cần nâng cao tự chủ công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ thực sự, xây dựng chiến lược FDI để tránh rơi vào vòng xoáy “xuất siêu ảo – nhập siêu thật”...
Việt Nam cần tái cấu trúc theo hướng nâng cao nội lực sản xuất quốc gia, giảm lệ thuộc vào FDI. Ảnh: Thaco.

"Trước làn sóng thuế đối ứng từ Mỹ và nguy cơ mất cân bằng thương mại kéo dài, Việt Nam cần nhìn lại mô hình công nghiệp hóa phụ thuộc, tái cấu trúc nền kinh tế với trọng tâm là nâng cao tự chủ công nghệ, tăng nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ thực sự và xây dựng chiến lược FDI toàn diện – nhằm tránh rơi vào vòng xoáy “xuất siêu ảo – nhập siêu thật”- Luật sư Nguyễn Tiến Lập, chuyên gia phân tích về kinh tế, đầu tư chia sẻ với VietTimes.

Khu vực FDI tham gia chủ yếu của Việt Nam là sức lao động

- Thưa ông, năm 2024, GDP của Việt Nam đạt khoảng 476 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ lên tới 136,6 tỷ USD, tương đương 28,7% GDP. Tuy nhiên, giá trị thật của hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu của khối doanh nghiệp FDI, còn Việt Nam chỉ đóng góp chủ yếu là công lao động, cho thuê mặt bằng, làm gia công. Nên khi Mỹ đưa ra mức thuế nhập khẩu áp cho Việt Nam đến 46% sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế. Ông đánh giá thế nào về mô hình công nghiệp hóa của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là vai trò của FDI trong cơ cấu sản xuất và xuất khẩu?

- Là người quan tâm, nghiên cứu về môi trường chính sách vĩ mô, theo tôi công nghiệp hoá là nói về sản xuất, chế tạo. Nó cần ít nhất bốn yếu tố cơ bản, đó là: Vốn, công nghệ, sức lao động và thị trường đầu vào và đầu ra. Trong các yếu tố đó, chúng ta dường như chỉ làm chủ một thứ, đó là sức lao động, còn lại đều phụ thuộc nước ngoài, nền kinh tế gia công.

Tôi nhớ ở thời bao cấp hay kinh tế kế hoạch tập trung, chúng ta có vốn và công nghệ được các nước XHCN anh em hỗ trợ và chuyển giao, nhưng với chủ trương xây dựng một nền kinh tế quốc dân độc lập, tự chủ, không chỉ sức lao động, mà ít nhất thị trường đầu ra thuộc về trong nước.

Dần dần, một đội ngũ kỹ sư và công nhân kỹ thuật được hình thành để làm chủ các quá trình sản xuất, đồng thời các nhà quản lý nhà máy cũng trở thành những người am hiểu nhất nhu cầu của người dân, để sau đó sự phụ thuộc vào nước ngoài có cơ hội và chiều hướng giảm dần.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập

Còn so sánh với Trung Quốc của thời kỳ sau cải cách, nhìn bên ngoài thì có vẻ họ cũng giống với chúng ta. Tuy nhiên, đi sâu vào thì thấy có hai điểm khác quan trọng.

Thứ nhất, Trung Quốc có một thị trường tiêu thụ hơn một tỷ dân cho nên các nhà đầu tư nước ngoài không thể bỏ qua, tức tìm mọi cách để khai thác nó mà rõ nhất là chúng ta thấy trong hai ngành điện tử và ô tô.

Thứ hai, Chính phủ Trung Quốc kiên trì thực thi một chính sách hà khắc, bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho đối tác địa phương trong các liên doanh với họ. Với quá trình đó, Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới, thay thế nhiều quốc gia phát triển phương Tây.

Về Việt Nam, chúng ta tự hào đã trở thành một khâu hay mắt xích quan trọng của các chuỗi cung ứng toàn cầu với kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, năm 2023 tới 683 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong giá trị xuất khẩu, khu vực FDI chiếm tới 73%, còn trong nhập khẩu, giá trị tương ứng đó là 65%. Mà trong khu vực FDI như đã nói, sự tham gia chủ yếu của chúng ta là sức lao động, và ngay trong khu vực sản xuất trong nước phục vụ xuất khẩu thì hoạt động gia công là chính.

Do đó, có thể khái quát rằng mặc dù chúng ta đã xây dựng được một nền công nghiệp thực sự, nhưng chủ yếu là sản xuất gia công với sự phụ thuộc lớn vào nước ngoài.

Việt Nam trở thành một khâu hay mắt xích quan trọng của các chuỗi cung ứng toàn cầu với kim ngạch xuất nhập khẩu lớn. Ảnh minh họa.

- Trong chuỗi giá trị toàn cầu thì Việt Nam như một “cầu nối gia công” giữa Trung Quốc, Hàn Quốc (nhà cung cấp linh kiện, nguyên liệu) và Mỹ (thị trường tiêu thụ). Tức là Việt Nam nằm ở khâu có giá trị thấp nhất. Điều này dẫn tới những hệ lụy gì về mặt địa chính trị và thương mại quốc tế, thưa ông?

- Đúng là với quá trình hội nhập sâu rộng và độ mở của nền kinh tế hiện tại tới gần 200% trong bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế, vị thế của Việt Nam đã trở nên khá quan trọng về mặt địa chính trị.

Nói cách khác, chúng ta luôn luôn được nước ngoài đánh giá cao. Tuy nhiên, hệ luỵ của cái được gọi là “cầu nối gia công” đó cũng rất đáng quan ngại.

Cụ thể, cái vị thế quan trọng của chúng ta là do người nước ngoài quyết định, tức chúng ta quan trọng hay thậm chí rất quan trọng với họ chỉ khi họ cần đến.

Chẳng hạn, cho mục tiêu xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Mỹ, Việt Nam trở thành nơi đặt nhà máy lý tưởng của các doanh nghiệp FDI do giá nhân công rẻ, chính sách tài chính ưu đãi và tiêu chuẩn kiểm soát môi trường thấp.

Với thời gian, nếu cả ba yếu tố ấy không còn nữa thì nước ngoài có thể di dời nhà máy của họ đến nơi khác có các điều kiện thuận lợi hơn. Hậu quả theo đó là chúng ta sẽ không còn ở vị thế quan trọng.

Còn xét về khía cạnh thương mại quốc tế, tức nói về giao thương hàng hoá, thì bản chất chúng ta không xuất khẩu hàng hoá mà chủ yếu xuất khẩu sức lao động. Ai cũng biết trong thương mại ngày nay, khi hàng hoá trở nên dư thừa thì cái quyết định để người mua lựa chọn không phải là ai sản xuất ra nó mà chính là nó mang thương hiệu nào.

Nên sau mấy chục năm cần mẫn xuất khẩu hàng hoá ra thế giới, có mấy thương hiệu Việt Nam được người tiêu dùng toàn cầu biết đến và vì nó mà sẵn sàng trả giá mua cao? Có nghĩa rằng nó đồng nghĩa với nguy cơ vào một ngày mà tất cả các hợp đồng sản xuất gia công cho nước ngoài ngừng lại, thì thân phận của hàng triệu lao động Việt Nam vốn thông minh, cần cù và chịu khó sẽ ra sao?

- Theo ông, điểm yếu lớn nhất trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam hiện nay là gì? Vì sao doanh nghiệp nội địa vẫn chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như Tổng Bí thư Tô Lâm từng chỉ ra “làm một cái áo mà từ thiết kế, nhuộm vải, cúc áo cũng đều là nước ngoài. Ta chỉ tham gia được khâu cung cấp bữa ăn, dịch vụ bảo vệ, gia công sản phẩm. Cái nhận được là ô nhiễm môi trường”?

- Trước hết cần phải khẳng định rằng dù có đánh giá thế nào thì cũng phải thừa nhận Việt Nam là một điểm sáng toàn cầu về thu hút FDI, đó là một bài học thành công mà tôi tin rằng nhiều nước muốn học tập.

Tuy nhiên, vừa qua khi Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra một cách nhìn khác để có đánh giá như trên, theo cách nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật, thì tôi xin mạnh dạn nêu ra điểm yếu lớn nhất từ góc nhìn của mình.

Đó là về chính sách, chúng ta có chính sách tốt để thu hút FDI nhưng chưa có một chiến lược tổng thể và nhất quán về xây dựng nền kinh tế quốc dân dựa trên nền tảng FDI.

Là người tham gia vào quá trình kêu gọi FDI ngay từ ban đầu, những năm 90 của thế kỷ trước, tôi còn nhớ ông Đậu Ngọc Xuân, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gọi cách tiếp cận chính sách lúc đó là “dò đá qua sông”.

Chúng ta vừa mở cửa cho FDI vừa thăm dò và nghiên cứu các tác động của nó nên rất thận trọng theo cách tất cả được quyết định từ Trung ương. Tuy nhiên, sau khi đã gặt hái được những thành công ban đầu thì việc quản lý tập trung được nới dần, thậm chí bung ra bằng phân cấp, phân quyền cho các địa phương, dẫn đến tình trạng trăm hoa đua nở, các tỉnh cạnh tranh nhau bằng các chính sách ưu đãi cao nhất để thu hút được nhiều dự án FDI.

Ví dụ điển hình của thời kỳ này là các khu công nghiệp và dự án sân golf mọc lên khắp nơi. Để rồi sau đó lại trở lại xu hướng kiểm soát tập trung một lần nữa.

Việc kiểm soát tập trung này, tuy nhiên không đồng nghĩa với thắt chặt đầu tư như trước mà mở ra các kênh đàm phán và cam kết ưu đãi căn bản hơn với các tập đoàn kinh doanh đa quốc gia.

Trong giai đoạn gần đây, chúng ta lại có thêm các chính sách thu hút đặc thù để tranh thủ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nhằm đón các dòng vốn FDI chuyển dịch vào Việt Nam.

Kết quả là Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng GDP khá cao và ổn định nhiều năm so với bối cảnh chung của thế giới, tuy nhiên sự tăng trưởng đó lại phụ thuộc quá lớn vào hoạt động xuất nhập khẩu.

Tỷ trọng đóng góp của thương mại xuất nhập khẩu (XNK) trong GDP của Việt Nam cao hơn mức trung bình toàn cầu. Ảnh: Cảng vụ Hải phòng.

Chúng ta có thể thấy sự đặc biệt và khác thường trong mô hình tăng trưởng Việt Nam trong Báo cáo của Ngân hàng thế giới về độ mở của nền kinh tế các nước được tính dựa trên tỷ trọng đóng góp của thương mại xuất nhập khẩu (XNK) trong GDP. Theo đó, năm 2023, nếu độ mở trung bình của 195 nước được tính là 57,93% thì Việt Nam là 183.79%, trong khi ngay với Trung Quốc, dù là “công xưởng thế giới”, nhưng tỷ lệ này chỉ là 37,32%.

Phân tích như thế nói lên điều gì ? Thứ nhất, chúng ta có chủ trương nhất quán về thu hút FDI, tuy nhiên cách tiếp cận chính sách dường như phần nhiều mang tính phản ứng tình thế hơn là sự cân nhắc bài bản, có hệ thống trong tổng thể chiến lược phát triển quốc gia.

Thứ hai, trong khi một chiến lược phát triển tổng thể quốc gia về nguyên tắc phải bảo đảm tiêu chí ổn định, bền vững hướng tới mục tiêu độc lập, tự chủ thì với cách tiếp cận chính sách về FDI nói trên, đặc biệt qua diễn biến những ngày gần đây liên quan đến hàng rào bảo hộ thuế quan của Mỹ, chúng ta có thể thấy nền kinh tế nói riêng và triển vọng phát triển của đất nước nói chung đã rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương như thế nào.

Vì sao công nghiệp phụ trợ chưa mạnh?

- Chúng ta đã nói nhiều về “công nghiệp phụ trợ”, nhưng tại sao đến nay vẫn chưa hình thành được hệ sinh thái đủ mạnh? Kết quả là không có lực lượng sản xuất nội địa nào mạnh đủ để nâng cấp vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi không có thông tin đầy đủ hay chính thức về ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, tuy nhiên qua những gì được biết về ngành ô tô, là khu vực điển hình nhất để phát triển công nghiệp phụ trợ, đồng thời so sánh giữa Việt Nam và Thái Lan, thì thấy rằng chúng ta yếu kém và tụt hậu khá xa so với họ.

Chẳng hạn, nếu xét công nghiệp hỗ trợ là nhằm để tăng tỷ lệ nội địa hoá thì sau gần 40 năm phát triển ngành công nghiệp này, tỷ lệ đó ở Việt Nam mới đạt trung bình từ 7- 10% với 250 nhà cung cấp. Trong khi đó, chỉ sau 12 năm thực thi chính sách nội địa hoá ngành ô tô từ 1971 đến 1983, Thái Lan đã đạt được tỷ lệ 45 – 50% với ít nhất 2.400 nhà cung cấp sở tại.

Vậy, nguyên nhân là gì ? Chắc chắn không phải vì lý do địa kinh tế hay tại năng lực của người dân vì học sinh phổ thông của Việt Nam luôn luôn được thế giới đánh giá cao về mức độ thông minh, hiểu biết, còn người dân nói chung thì chăm chỉ và giàu sáng kiến. Có nghĩa rằng, giống như bất cứ nước nào từng vươn mình từ nghèo nàn, lạc hậu, yếu tố chính sách luôn luôn đóng vai trò quyết định.

Tôi cũng không có điều kiện để bình luận về chính sách của các nước nổi tiếng về công nghiệp phụ trợ như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái lan ở đây, nhưng xin có ba ý kiến về phương diện chính sách của Việt Nam.

Một là, Nhà nước thể hiện sự quan tâm nhưng chính sách đề ra rất chung chung, thiếu thiết thực, cụ thể nên tính khả thi thấp.

Chẳng hạn, các nhà cung ứng trong công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng ta có Luật hỗ trợ phát triển loại doanh nghiệp này nhưng đó chỉ là khung pháp lý chung như cái móng nhà, còn các chính sách cụ thể như toàn bộ ngôi nhà trên đó, bao gồm từng gian, buồng với chức năng cụ thể thì lại thiếu. Chẳng hạn cần phải có các chính sách thế nào cho riêng các doanh nghiệp trong ngành ô tô, đi kèm với các cơ chế và kế hoạch triển khai cụ thể,

Hai là, chính sách đề ra không trúng vấn đề để đáp ứng nhu cầu thật sự của doanh nghiệp và thị trường.

Căn cứ Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi thấy có chủ trương hỗ trợ về tài chính thông qua các Quỹ đầu tư hỗ trợ, tuy nhiên các doanh nghiệp ví dụ trong ngành cụ thể là ô tô cần nhiều hơn thế, như hỗ trợ sáng tạo công nghệ hay chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, hỗ trợ về chuỗi liên kết cung ứng nguyên, vật liệu và linh kiện, hỗ trợ về đất đai và mặt bằng sản xuất v.v..

Ba là, Phát triển công nghiệp hỗ trợ rất cần năng lực lĩnh hội tri thức công nghệ và đổi mới sáng tạo, tức là vấn đề nhân lực. Việc này không thể thực hiện trong một sớm, một chiều mà đòi hỏi quá trình đào tạo lâu dài bắt đầu từ phổ thông nhưng đặc biệt quan trọng ở khâu dạy nghề và đại học.

Cả ba lĩnh vực này ở nước ta, xin thưa còn khá yếu kém xét từ góc độ xây dựng nguồn lực con người cho đổi mới sáng tạo, do đó theo tôi cần thiết có một công cuộc cải cách và nâng cấp thực sự.

- Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đã thành công trong việc chuyển từ lắp ráp sang sản xuất công nghệ cao. Việt Nam có thể học gì từ những mô hình này?

- Nếu nhìn sang hai nền kinh tế từng được gọi là những con hổ hay con rồng châu Á đó thì có nhiều điều có thể học. Tuy nhiên, đặc điểm chung lớn nhất của cả Hàn Quốc và Đài Loan là hầu như không tồn tại kinh tế nhà nước, hay ít nhất Nhà nước ngay từ ban đầu đã lấy kinh tế tư nhân làm trụ cột phát triển để hỗ trợ và đầu tư.

Rất tiếc trong khía cạnh này thì Việt Nam lại không thể học được, chúng ta vẫn tiếp tục coi kinh tế quốc doanh là chủ đạo, dẫn đến hậu quả là sau gần 40 năm Đổi mới mà quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa xong.

Tiếp đến, khi can thiệp hay tác động vào nền kinh tế, Chính phủ ở Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều xác định các mục tiêu rất cụ thể. Chẳng hạn như các Chaebol hay Tập đoàn doanh nghiệp lớn ở Hàn quốc phải hướng đến mục tiêu xây dựng nền công nghiệp nặng tự chủ có năng lực cạnh tranh quốc tế; còn ở Đài Loan hỗ trợ quá trình đổi mới sáng tạo của tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt lớn hay nhỏ. Tôi nghĩ chúng ta có thể hy vọng việc học tập các kinh nghiệm đó bắt đầu từ bây giờ.

Tái cấu trúc nền kinh tế như thế nào?

- Để tái cấu trúc thương mại với Mỹ theo hướng bền vững, Việt Nam nên bắt đầu từ đâu: Đàm phán song phương, nâng nội địa hóa, hay chuyển đổi ngành hàng xuất khẩu? Theo ông, đâu là chính sách cấp bách mà Chính phủ cần triển khai ngay trong 2–3 năm tới để tránh rơi vào vòng xoáy “xuất siêu ảo – nhập siêu thật”?

- Việc đầu tiên theo tôi là cần nhận thức đúng những gì đang diễn ra. Đáng chú ý là ngay sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố áp thuế bảo hộ lên tất các các quốc gia, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã có thông điệp đến người dân cảnh báo thời đại toàn cầu hoá dựa trên luật lệ và tự do thương mại đã chấm dứt, theo đó các nền kinh tế nhỏ lấy tăng trưởng dựa trên thương mại quốc tế sẽ bị tổn thương và gánh chịu khó khăn nhiều nhất.

Như vậy, cho dù có thể đàm phán thành công với Mỹ để trì hoãn mức thuế đối ứng cao tới 46% lên hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam thì chúng ta cũng không giải quyết được căn bản vấn đề, đó là sự thâm hụt hay mất cân bằng trong quan hệ thương mại với quốc gia có thị trường lớn nhất thế giới này.

Các vấn đề hay hệ luỵ tiếp theo tôi đáng quan tâm hơn nhiều. Đó là sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu mà Việt Nam đang là một khâu dính liền đi kèm với nguy cơ các doanh nghiệp FDI sản xuất hàng xuất khẩu có thể di dời công xưởng khỏi Việt Nam để sang Mỹ hay các thị trường khác chịu mức thuế đối ứng thấp hơn.

Trong bối cảnh đó, e rằng các biện pháp cụ thể về chính sách, dù có được triển khai quyết liệt, như thúc đẩy tỷ lệ nội địa hoá hay chuyển đổi ngành hàng xuất khẩu để tránh “xuất siêu ảo - nhập siêu thật” không còn mấy ý nghĩa. Lý do bởi vấn đề không còn nằm ở các chính sách mà chính cấu trúc nội tại của nền kinh tế.

Có nghĩa rằng chúng ta phải thức tỉnh và kêu gọi toàn dân chấp nhận và dám đương đầu với sự thật, khơi dậy tinh thần đoàn kết, cùng nhau tiết kiệm mọi nguồn lực, yêu nước và sáng tạo trong sự nghiệp tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế cho mục tiêu xây dựng Tổ quốc Việt Nam độc lập, tự chủ và thịnh vượng.

- Ông nói cần sáng tạo trong sự nghiệp tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế. Vậy tái cấu trúc như thế nào, thưa ông?

- Thực ra trong các nghị quyết của Đảng vừa rồi đã đề ra các chủ trương và định hướng liên quan đến tái cấu trúc nền kinh tế, được người dân hoan nghênh, ủng hộ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của một thế giới vừa thay đổi mới đây sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump ở Mỹ áp đặt hàng rào thuế quan bảo hộ, và Việt Nam đã trở thành nước chịu tác động sâu sắc theo hướng bất lợi hàng đầu, tôi xin được nêu lên một vài ý kiến, vừa là trăn trở cá nhân, vừa có tính chất gợi mở từ góc độ cân nhắc chính sách.

Trước hết, cần tiếp cận nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng toàn diện, bao gồm cả mục tiêu, mô hình phát triển và các biện pháp giải quyết vấn đề.

Về mục tiêu, chắc chắn đó sẽ là xây dựng một nền kinh tế có nội lực mạnh mẽ để có thể độc lập, tự chủ. Nội lực đó phải đến từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước mà không phải doanh nghiệp nhà nước và càng không phải doanh nghiệp FDI.

Về mô hình phát triển, rất có thể chúng ta cần hay thậm chí buộc phải đi theo hướng tăng trưởng bền vững, lấy phát triển bao trùm làm mục tiêu, hơn là tăng trưởng nhanh.

Theo đó, cần tiến tới bổ sung hay thay thế chỉ tiêu GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) bằng GNP (Tổng sản phẩm quốc dân, tức sản phẩm do người Việt tạo ra), trên cơ sở đó, coi mức tăng thu nhập của người dân là một chỉ số cơ bản cần phấn đấu.

Về biện pháp tăng trưởng, cho tới nay để phục vụ mục tiêu hội nhập quốc tế sâu rộng và thúc đẩy tăng trưởng GDP ở mức nhanh nhất có thể, chúng ta chủ trương đặt trọng tâm vào thu hút FDI và trở thành bộ phận cấu thành của chuỗi cung ứng toàn cầu, theo đó dựa vào hai trụ cột chính là xuất khẩu và đầu tư.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, rất có thể chúng ta phải chuyển hướng sang coi tiêu dùng là chủ đạo, bằng việc phát triển thị trường trong nước thông qua các biện pháp khác nhau nhằm tăng sức mua của người dân.

Trong khía cạnh này, tôi cho rằng các nghị quyết vừa qua của Đảng đã đề ra chủ trương rất phù hợp và sáng suốt, đó là lấy đổi mới sáng tạo trên nền tảng chuyển đổi số làm giải pháp trọng tâm.

Cuối cùng, tôi muốn nói thêm rằng lãnh đạo cao nhất của Đảng đã khởi xướng một cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi căn bản đất nước, và tất cả chúng ta cần tin tưởng và kiên nhẫn đi theo con đường đó.

- Xin cảm ơn ông!