Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày: Việt Nam làm gì trong "thời gian vàng”?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chuyên gia kinh tế cho rằng giai đoạn “trì hoãn 90 ngày” không chỉ là thời gian chạy đua về sản lượng xuất khẩu, mà còn là lúc Việt Nam cần chứng minh vai trò một đối tác thương mại có trách nhiệm, đáng tin cậy và có tư duy chiến lược.

Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày với một số đối tác trong đó có Việt Nam được chuyên gia Nguyễn Quang Huy coi là thời gian quý báu để tăng tốc xuất khẩu.
Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày với một số đối tác trong đó có Việt Nam được chuyên gia Nguyễn Quang Huy coi là thời gian quý báu để tăng tốc xuất khẩu.

Khung thời gian quý báu để tăng tốc xuất khẩu

Rạng sáng 10/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố giảm thuế nhập khẩu về mức 10% và tạm hoãn áp dụng trong 90 ngày đối với các quốc gia không có hành động “trả đũa” thương mại với Mỹ, còn Trung Quốc bị tăng thuế lên 125%. Động thái này của Mỹ mở ra “cửa sổ đối thoại” với các đối tác thương mại.

Bình luận về thông tin này với VietTimes, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng Việt Nam, trong thời điểm này, đang đứng trước một “khoảng lặng quý giá” - không chỉ là cơ hội xuất khẩu, mà là cơ hội để khẳng định năng lực tự cường của nền kinh tế. Nhưng để nắm bắt cơ hội ấy, điều kiện tiên quyết không phải là giá lao động rẻ, mà là khả năng tư duy chiến lược, quản trị rủi ro, và nâng cấp vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Huy, việc Mỹ tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày với một số đối tác, trong đó có Việt Nam phản ánh một cách tiếp cận mới của Washington: Chọn đối tác dựa trên hành vi thương mại có trách nhiệm. Đây là thời gian “tạm nghỉ chiến lược” để các nước rà soát chính sách nội tại, củng cố lòng tin và chứng minh mình là mắt xích đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với Việt Nam, ông Huy nhìn nhận điều này mở ra một khung thời gian quý báu để tăng tốc xuất khẩu trong các ngành có thế mạnh: dệt may, điện tử, nội thất, nông thủy sản; đẩy mạnh thu hút FDI dịch chuyển từ các quốc gia đang bị áp thuế hoặc có rủi ro địa chính trị cao; tái cơ cấu chuỗi cung ứng nội địa để giảm phụ thuộc vào một số thị trường đầu vào truyền thống.

3 điểm nghẽn lớn cần được giải quyết ngay trong "thời gian vàng"

Ông Nguyễn Quang Huy cho rằng song hành với cơ hội là những phép thử khắt khe về năng lực ứng phó và chuẩn bị dài hạn. Cơ hội mở ra khi các quốc gia khác đang đối mặt với rào cản thương mại. Nhưng nếu không chủ động củng cố nội lực, Việt Nam dễ rơi vào trạng thái “được hưởng lợi thụ động”, thiếu bền vững.

Vị chuyên gia chỉ ra 3 điểm nghẽn lớn cần được giải quyết ngay trong "thời gian vàng" này.

Một là, rủi ro trung chuyển và gian lận thương mại. Việt Nam từng bị cảnh báo là điểm đến của hàng hóa đội lốt xuất xứ để tránh thuế. Trong bối cảnh giám sát thương mại toàn cầu đang siết chặt, việc đảm bảo tính minh bạch, tuân thủ xuất xứ và chứng từ là điều kiện tiên quyết để duy trì niềm tin của các thị trường cao cấp như Mỹ và EU.

Hai là, phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu các ngành mũi nhọn như dệt may, da giày, điện tử của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào từ một số quốc gia châu Á. Điều này làm suy giảm lợi thế khi giá đầu vào tăng hoặc bị gián đoạn chuỗi cung ứng. Chính phủ và doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn cung, xây dựng vùng nguyên liệu nội địa và tăng liên kết khu vực.

Ba là, xây dựng hệ thống quản trị rủi ro thương mại kết nối từ quốc gia tới doanh nghiệp Việt Nam, hoàn thiện hơn nữa một hệ sinh thái quản trị rủi ro thương mại có tổ chức, có khả năng: phân tích tình huống giả định (scenario planning), cảnh báo sớm về rủi ro địa kinh tế, xây dựng các công cụ phòng vệ thương mại tiên tiến. Điều này khiến Việt Nam dễ bị động trước những cú sốc bất ngờ từ chính sách thuế, tỷ giá, vận tải và địa chính trị.

Thanh lọc "cái bóng" gia công, lắp ráp

Theo ông Nguyễn Quang Huy, giai đoạn “trì hoãn 90 ngày” không chỉ là thời gian chạy đua về sản lượng xuất khẩu, mà còn là lúc Việt Nam cần chứng minh vai trò một đối tác thương mại có trách nhiệm, đáng tin cậy và có tư duy chiến lược.

gia-cong-lap-rap-h8-6577-4719.jpg
Cơ hội vàng để Việt Nam thanh lọc hoạt động đầu tư sản xuất với phương thức coi Việt Nam là một nơi chỉ để gia công, lắp ráp thành phẩm.

Thứ nhất, cần chủ động đối thoại và tái định vị quan hệ thương mại song phương với Mỹ trên cơ sở minh bạch, ổn định và cùng có lợi.

Thứ hai, khẩn trương thiết kế lại bản đồ rủi ro thương mại quốc gia, xác định các thị trường ưu tiên, điểm nghẽn nguyên liệu, và vùng dễ tổn thương trước cú sốc chính sách.

Thứ ba, tận dụng làn sóng FDI đang tái cơ cấu toàn cầu để thu hút đầu tư có chọn lọc, đi kèm điều kiện chuyển giao công nghệ, đào tạo lao động và phát triển chuỗi cung ứng nội địa.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng sản xuất công nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là lắp ráp, gia công, làm thuê cho nước ngoài. Chất lượng công nghệ sản xuất lạc hậu, thậm chí công nghệ hỗ trợ cũng không phát triển vì hầu hết là nhập khẩu. Quản trị kinh tế hưởng thụ qua các khu công nghiệp thấp, chủ yếu thu được từ tiền lương thấp và thuế, do ít doanh nghiệp trong nước phát triển được thông qua các khu công nghiệp.

Vì vậy, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận đây sẽ là cơ hội vàng để Việt Nam thanh lọc hoạt động đầu tư sản xuất với phương thức coi Việt Nam là một nơi chỉ để gia công, lắp ráp thành phẩm; tạo động lực khai thác thị trường mới bên cạnh thị trường Mỹ; kêu gọi đầu tư chất lượng và giá trị cao từ chính nước Mỹ, những mặt hàng mà Mỹ không khuyến khích đầu tư trong nước; thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nội địa, trên cơ sở lắp ráp vào chỗ trống của các doanh nghiệp nước ngoài, khi họ rút khỏi Việt Nam.

Cần chính sách kích thích doanh nghiệp nội địa không thua doanh nghiệp xuất khẩu

Là một doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu số 1 vào Mỹ, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh, phân tích nếu muốn doanh nghiệp Việt quay về, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp vừa phát triển sân nhà, vừa mở rộng “sân khách”, thì càng cần các chính sách hỗ trợ kích thích các doanh nghiệp sản xuất nội địa không thua gì với doanh nghiệp xuất khẩu.

“Thẳng thắn là khi doanh nghiệp xuất khẩu có thời điểm vay USD lãi suất chỉ khoảng hơn 1%, doanh nghiệp sản xuất nội địa vay tiền đồng 9-10% thì chưa thể xem là cơ chế thúc đẩy công bằng.

Nếu thị trường sản xuất nội địa có những gói vay lãi suất hấp dẫn, tôi tin rằng có thể tạo ra một thị trường giàu có hơn nữa các sản phẩm”, ông Thông nói VietTimes.

hinh2-1723549027486405400986.jpg
"Cần các chính sách hỗ trợ kích thích các doanh nghiệp sản xuất nội địa không thua gì với doanh nghiệp xuất khẩu", ông Phan Minh Thông nói.

Bên cạnh đó, để tăng sức mua cho nền kinh tế ở giai đoạn hiện nay, ông cho rằng rất cần những gói hỗ trợ tiêu dùng; đi cùng là chính sách quản lý có định hướng về chất lượng hàng hóa nhằm thúc đẩy “người Việt yêu hàng Việt” một cách thực chất.

“Vua hồ tiêu” Phan Minh Thông cho rằng chỉ khi chất lượng hàng hóa nội địa "Made in Viet Nam" vượt trội, doanh nghiệp nội địa mới có thể ứng phó với hàng giá rẻ nhập ngoại bao gồm cả hàng tiêu chuẩn thấp nhập ngoại đổ bộ trong nay mai.

Ông Thông bày tỏ không lo ngại về về việc chúng ta dỡ bỏ thuế quan hàng nhập khẩu (như Mỹ) về 0% sẽ khiến hàng Mỹ về Việt Nam rẻ gây cạnh tranh với các doanh nghiệp nội. Ông Thông phân tích với tiêu chuẩn cao của hàng hóa Mỹ, cộng các chi phí phi thuế quan, ví dụ logistic, để vào thị trường, doanh nghiệp nội vẫn có lợi thế để cạnh tranh về giá. Sau cùng thì người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi thụ hưởng các sản phẩm tiêu chuẩn chất lượng cao.

Tuy nhiên, nếu không kiểm soát và để Việt Nam thành đích đến của các mặt hàng giá rẻ, kém chất lượng, thì đây là thách thức lớn hơn. Doanh nghiệp cần chủ động trong các đối sách để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống như vậy.

Ngoài ra, ông cũng kiến nghị cần một sàn giao dịch hàng hóa đủ tầm quốc tế được thiết lập, xây dựng sớm ngay tại trung tâm tài chính quốc tế. Sàn giao dịch hàng hóa chính là một phần của trung tâm tài chính. Sàn giao dịch xây dựng từ cơ sở lợi thế hàng hóa của Việt Nam nhưng để nâng tầm, thu hút được dòng tiền, giá trị giao dịch, phải sẵn sàng chú trọng đào tạo nhân sự ngay từ bây giờ cũng như phải dựa vào kinh nghiệm lẫn thất bại của một số quốc gia.

“Tác động thuế quan của riêng thị trường Mỹ đối với hàng hóa nếu giao dịch qua sàn sẽ giảm đáng kể khi dòng chảy từ đây đi khắp thế giới chứ không phụ thuộc vào một thị trường lớn nhất”, ông Thông cho hay.