Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng: Trong thời gian vừa qua, sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) đang thực sự là xu thế nóng, được áp dụng trong hầu hết các ngành nghề. Lĩnh vực an toàn an ninh mạng cũng không ngoại lệ. Hiện nay, thế giới đang bước vào nền kinh tế số nên các doanh nghiệp buộc phải tiến hành chuyển đổi số để thích ứng và tồn tại bằng cách đưa hầu hết các hoạt động của mình lên không gian mạng.
Hầu hết các hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp và cơ quan tổ chức đều kết nối Internet, hacker từ đó sẽ nhìn thấy cơ hội tấn công vào các hệ thống này. Các thành phần hệ sinh thái số hiện nay như hạ tầng mạng, cloud computing, phần mềm theo yêu cầu (SaaS), mạng lưới thiết bị IoT,... là mảnh đất màu mỡ để giới tội phạm mạng hoạt động.
Với nhiều mô hình công nghệ mới, Thứ trưởng cho rằng nhiều phương án bảo vệ an toàn thông tin truyền thống trước đây hiện không còn hiệu quả. “An toàn thông tin là cuộc đua marathon chứ không phải cuộc đua nước rút. Đây là cuộc chiến không có hồi kết, bất kỳ công nghệ tiên tiến nào cũng sẽ được sử dụng tích cực hay tiêu cực. Trong lĩnh vực an toàn thông tin, sự xuất hiện của AI sẽ khiến chúng ta thay đổi một số quan niệm và cách thức tiếp cận các vấn đề an toàn mạng", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hưng cho biết.
Các doanh nghiệp an toàn an ninh mạng hiện nay đều đang dựa vào AI để tăng cường sức mạnh cho sản phẩm của mình nhằm giảm thiểu sai sót của con người. Một cuộc tấn công mạng quy mô lớn đôi khi cũng chỉ bắt đầu bằng một hành động bình thường, hành động này có thể qua mắt được quan sát của con người nhưng nếu áp dụng AI thì tập hợp hành vi đó lại bất thường, và có thể dự đoán được dựa trên dữ liệu lớn mà hệ thống AI thu thập được.Tuy vậy, xét về khía cạnh ngược lại thì AI cũng đang được giới hacker mũ đen sử dụng.
Chẳng hạn, mạng botnet hiện nay đang dần trở nên thông minh và khó định đoán hơn bình thường. Đầu năm 2018 đã xuất hiện những mạng botnet tự tìm cách tấn công được vào các thiết bị IoT, tự trao đổi với nhau qua giao thức riêng. Một số chuyên gia dự đoán năm 2019 có thể kỹ thuật này sẽ khá phổ biến để tấn công vào các thiết bị IoT.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng dẫn số liệu cho biết, trên thế giới hiện nay có khoảng 7 tỷ thiết bị IoT, đến 2015 ước tính có 21 tỷ thiết bị, chiếm tổng số 65% thiết bị kết nối mạng trên toàn cầu. Việt Nam hiện nay có khoảng 350 ngàn thiết bị IoT công khai trên mạng Internet, hầu hết là thiết bị camera giám sát, router, trong đó có khoảng 40% thiết bị bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng an toàn thông tin.
Từ những vấn đề trên, Thứ trưởng cho rằng trong thời gian tới các nguy cơ đã hiện hữu rõ ràng, đó là mã độc ngày càng thông minh hơn, có môi trường hoàn hảo hơn để hoạt động, nhắm vào các thiết bị IoT. Đây là thách thức lớn đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiêp, người dùng cá nhân và toàn thể cộng đồng tại Việt Nam cần quan tâm xử lý để tránh các hậu quả đáng tiếc.