Không trái với các cam kết quốc tế
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, vừa diễn ra hôm qua (3/11), Chánh Văn phòng Bộ Công an Lương Tam Quang cho rằng có 4 lý do để khẳng định quy định lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam trong Luật An ninh mạng là phù hợp.
Có hiệu lực từ 1/1/2019, Luật An ninh mạng quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. |
Ngày 25/5/2018, Quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực, cho phép công dân kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội theo hướng có thể tra cứu, thay đổi, xóa bỏ thông tin cá nhân của mình.
"Các công ty cung cấp dịch vụ phải công khai với khách hàng việc dùng thông tin cá nhân, cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ 3, nếu vi phạm mức phạt có thể lên tới 20 triệu EUR hay 4% doanh số toàn cầu", ông Quang nói.
Hai là phù hợp với khả năng của doanh nghiệp vì Google đã đặt khoảng 70 văn phòng đại diện, Facebook khoảng 80 văn phòng đại diện tại các quốc gia trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Google, Facebook đã mở các văn phòng đại diện tại Singapore, Malaysia, Indonesia.
Chánh Văn phòng Bộ Công an Lương Tam Quang trả lời báo chí
|
Ba là phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước trong đó có Luật Thương mại năm 2005, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới như Facebook, Google đang có hoạt động kinh doanh sinh lợi tại Việt Nam thuộc sự điều chỉnh của các văn bản này. Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính cũng đề nghị nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (như Google, Facebook…) phải mở văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam.
Thứ tư, Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định: "Quy định này phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước và không trái với các cam kết quốc tế, bao gồm các điều ước liên quan WTO và CCTPP".
Cụ thể, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994), Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có điều khoản tôn trọng và đề cao an ninh quốc gia trong bất cứ hoạt động thương mại nào được đề cập trong các cam kết đó.
Xây dựng nghị định phải thận trọng, cân nhắc
Trao đổi thêm về chủ đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định việc ban hành luật là rất cần thiết, Quốc hội đã thông qua, giờ là nghị định hướng dẫn chi tiết.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi của báo chí.
|
Theo ông, tại phiên họp cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo việc ban hành nghị định đảm bảo an toàn, an ninh trên mạng và thông tin truyền thông là rất cần thiết. Vấn đề trật tự an toàn xã hội, chủ quyền quốc gia... luôn được đăt lên hàng đầu, nhưng vẫn phải đảm bảo môi trường tốt để thu hút đầu tư.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, việc xây dựng nghị định này hết sức thận trọng, cân nhắc. Thủ tướng đã chỉ đạo và Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói sẽ xây dựng nghị định theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đăng tải lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an; mời một số cơ quan, tổ chức liên quan đóng góp ý kiến.
Khi chúng ta xây dựng Chính phủ điện tử cũng đồng thời xây dựng quy định chia sẻ dữ liệu, quy định bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân. Để tiến tới xã hội số thì phải làm tốt việc bảo mật thế nào, chia sẻ thế nào, phải có quy định.
"Đây là vấn đề mới, khó, nhưng chúng ta sẽ thực hiện để sớm công bố chi tiết. Chúng ta thống nhất cách làm đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia, nhưng cũng đảm bảo điều kiện kinh doanh thông thoáng", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.